Đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận về độ tuổi thanh niên từ 16-30 hay 16-35?

ANTD.VN - Một số ĐBQH nhất trí với việc quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 30 tuổi, song cũng nhiều ĐBQH khác có ý kiến rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi...  

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo trước Quốc hội

Chiều nay, 15-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Những nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật này đang thu hút sự quan tâm của dư luận là quy định về độ tuổi của thanh niên, Bộ chủ quản quản lý nhà nước về thanh niên, hay quyền lợi nghĩa vụ của thanh niên.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về độ tuổi của thanh niên, ngay trong Điều 1 Chương 1 của dự luật quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”.

Về vấn đề này,Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, một số ý kiến tán thành quy định độ tuổi của thanh niên như trên để Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy thanh niên phát triển (ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng...).

Song ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16 đến 35 tuổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự luật tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên để ĐBQH có căn cứ quyết định“ – ông Phan Thanh Bình nói.

Với quy định quản lý nhà nước về thanh niên, qua thảo luận, một số ý kiến đồng ý với dự thảo Luật giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, cần nghiên cứu để giao nhiệm vụ này cho một bộ khác có chức năng và hoạt động phù hợp hơn, gắn với thanh niên nhiều hơn.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không nên quy định giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên cụ thể cho bộ nào; chỉ nên quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên.

Đặc biệt, có một số ý kiến đề nghị thành lập một Bộ mới có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không phát sinh biên chế và phát huy được vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, có báo cáo đánh giá tác động cụ thể về từng phương án để trình xin ý kiến Quốc hội.