Đại biểu Quốc hội: "Qua vụ gian lận điểm thi, nhiều người không còn liêm sỉ"

ANTD.VN -  “Có những trường hợp bị xét xử tại toà mà nói như người ngoài hành tinh xuống, không còn liêm sỉ”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bức xúc.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 22-10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) bày tỏ lo lắng trước tình trạng “đáng báo động” về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trong một phiên thảo luận tổ tại Quốc hội

Dẫn chứng vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Phong Lan bức xúc: “Có những trường hợp bị xét xử tại toà mà nói như người ngoài hành tinh xuống, không còn liêm sỉ. Anh có lỗi thì anh nhận tội đi. Đằng này, vi phạm của anh đánh mất niềm tin của nhiều người, đánh mất tương lai của nhiều em học sinh học thật khác nhưng anh lại chối tội một cách rất ấu trĩ. Khi bị phát hiện không có thái độ ăn năn hối cải mà còn phản ứng bằng mọi cách. Nó giống như một kẻ giết người chỉ bao giờ bị kết tội mới hoảng sợ, còn trước đó chối được cái gì thì chối”.

Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phải xem lại vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức con người, bởi hiện vẫn còn một số cán bộ “nói một đằng làm một nẻo”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Theo ông Ngân, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các đầu tầu kinh tế thế giới đều sụt giảm chỉ tiêu tăng trưởng thì việc Việt Nam giữ được ổn định, dự kiến năm nay hoàn thành 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra là nỗ lực rất đáng trân trọng.

“Sở dĩ Việt Nam đứng vững giữa bối cảnh rất nhiều “rung lắc” như thế là do chúng ta đứng giữa thách thức song cũng có nhiều cơ hội, ví dụ Việt Nam được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế với thế giới, nhờ vậy giữ được đà xuất siêu, cán cân thương mại 4 năm liên tiếp thặng dư…”, ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị có giải pháp đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ thì phải phát triển kinh tế khu vực tư nhân, cùng với kinh tế nhà nước, tuy nhiên hiện nay kinh tế tư nhân đang gặp khó khăn.

“Vừa qua chúng ta thấy kinh tế tư nhân có phát triển nhưng chỉ phát triển ở định hướng ngắn hạn, thiếu đi các doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn, thiếu những tập đoàn như Viettel, Samsung… Muốn vậy, cần phải tiếp sức cho khu vực này”, ông Ngân phân tích và chỉ ra một trong những rào cản đang cần phải có giải pháp đột phá là vấn đề thể chế.

“Nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư dài hạn vì thấy rủi ro về hệ thống luật pháp, vì chúng ta cứ sửa đổi liên tục. Để khắc phục, tôi cho rằng Quốc hội cần tăng thêm đại biểu chuyên trách để khâu làm luật có chiều sâu, ổn định”, ông Ngân nhấn mạnh.

Đề cập tới dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, vừa qua nhiều người bày tỏ vui mừng khi chúng ta huỷ các gói thầu quốc tế, thế nhưng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, vấn đề đặt ra lúc này là các doanh nghiệp trong nước có đảm đương được không?

Dẫn chứng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận do nhà thầu trong nước đảm nhận song cũng đang có nhiều bất cập, đại biểu của TP.HCM cho rằng nguyên nhân là do tồn tại nhiều xung đột và đặc biệt là thiếu vốn. 

“Giải pháp hiện nay, tôi nghĩ Chính phủ nên bảo lãnh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong phát hành trái phiếu làm các công trình này. Thay vì đầu tư công, nhà nước bỏ vốn thì nay phát hành trái phiếu để tiếp động lực, thực hiện các dự án được nhanh hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.