Đại biểu Quốc hội đề xuất đổi giờ học, giờ làm muộn hơn 30 phút, rút ngắn nghỉ trưa còn 1 tiếng

ANTD.VN - “Ở đô thị ngày nay, cả nhà phải dậy sớm và cuống cuồng đi học, đi làm cho kịp giờ, con trẻ vội vã đến trường với ổ bánh mỳ trên tay. Vậy tại sao chúng ta phải đi làm sớm, trong khi thời gian nghỉ trưa quá dài?” – ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đặt vấn đề.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Đầu phiên thảo luận của Quốc hội chiều nay, 31-10, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) có bài phát biểu đáng chú ý khi đề cập đến vấn đề đổi giờ học, giờ làm cho phù hợp hơn ở các đô thị.

Theo ĐB Cảnh, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình ra tại Kỳ hợp thứ 8 này đã không còn nội dung về việc đổi giờ làm. Lý do có lẽ là vì để thống nhất giờ làm việc với tất cả khối cơ quan trên cả nước khó phù hợp, chưa có nghiên cứu tác động cụ thể và cũng chưa có đề xuất đổi giờ học khi đổi giờ làm.

Tuy vậy, thực tế trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm vào 8h30 hoặc 9h sáng, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng, đồng bộ trong khối cơ quan hành chính văn phòng, cơ sở giáo dục. Ngay ở nước ta, hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã thực hiện giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 hoặc 9h sáng.

“Chúng ta đang còn sử dụng khung giờ làm của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Như vậy là không phù hợp. Đi làm muộn, thời gian nghỉ trưa ngắn mang lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức” – ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh phân tích.

Vị ĐBQH đoàn Bình Định dẫn chứng, tại các gia đình ở đô thị ngày nay, các thành viên trong gia đình ít có thời gian chia sẻ với nhau. Từ sáng sớm cả nhà đã phải vội vã đi học, đi làm, quên dần bữa ăn gia đình truyền thống. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt hôn nhân, nhiều con em có hành vi bạo lực, trầm cảm vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.

“Nhiều phụ huynh lo lắng cho con trẻ khi chúng phải dậy sớm và vội đến trường với ổ bánh mỳ trên tay, trong khi ở nhà nhiều đồ ăn nhưng không có thời gian để nấu cho trẻ bữa ăn đủ chất. Khoa học chỉ ra, 7h-9h sáng là thời gian ruột non hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, đây cũng là thời gian não hoạt động tốt nhất, nên ăn sáng vào thời gian này phù hợp với tâm sinh lý và cũng nên là bữa ăn chính của gia đình” – ông Cảnh nói.

Ngược lại, vị ĐBQH xuất thân là doanh nhân cũng cho rằng, nghỉ trưa khoảng 20-30 phút là đủ thời gian để con người phục hồi năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.

“Vậy tại sao chúng ta phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho gia đình, cho bản thân đúng khoa học? Chúng ta lãng phí thời gian để đi lại, để nghỉ trưa dài, mà không dành thời gian chăm sóc tốt hơn cho gia đình, quan tâm tới trẻ” – ĐB này đặt vấn đề.

Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết vấn đề giao thông ở đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

ĐB này đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem xét thấu đáo quy định về việc đổi giờ làm theo hướng các cơ quan hành chính trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng. Đồng thời, chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm.