Đại biểu Quốc hội: Có Chánh án tòa án cấp huyện đã làm đơn xin thôi việc lần thứ 2

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật chiều 4-11, Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP.HCM) cho rằng, TAND TP.HCM đã nhận được nhiều đơn xin nghỉ việc của Thẩm phán và Thư ký tòa do quá tải, trách nhiệm và áp lực trong công việc. Thậm chí có Chánh án TAND cấp huyện đã làm đơn xin nghỉ việc lần 2.

Cũng theo Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, từ khi giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013, hệ thống Tòa án đã nỗ lực không ngừng để đủ tâm, đủ sức thực hiện quyền này. Để hệ thống Tòa án hoạt động hiệu quả hơn, góp phần phòng chống tội phạm, Đại biểu Thúy kiến nghị một số vấn đề:

Về quy định, chỉ tiêu hoàn thành của các cơ quan tư pháp, các tòa án phải đạt trên mức tối thiểu mới được xem xét hoàn thành nhiệm vụ (như dân sự phải hoàn thành trên 80%).

Theo Đại biểu Thúy, về số lượng không thể dựa vào phần trăm số việc đã hoàn thành bởi xét xử là công việc đặc thù riêng, phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không thể cứ làm việc là tạo ra sản phẩm.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP.HCM) phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, theo quy định, muốn đưa 1 vụ án ra xét xử phải đủ điều kiện về thu thập chứng cứ từ các cơ quan khác cũng như người cung cấp. Tòa án cần mở rộng tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, quy định này ở góc độ nào đó đã gây áp lực cho Tòa án, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án. 

Những ngày sát thời điểm chốt thi đua, Tòa án thường trì hoãn thụ lý vụ án chỉ vì không muốn quá trình công tác bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, quy định án tạm đình chỉ không được tính thi đua trong khi pháp luật quy định Tòa án phải thực hiện điều này khi đợi trả lời từ các cơ quan khác. Chưa nói đến việc ngày càng có nhiều vụ án phức tạp, nhiều loại tội phạm mới, đương sự nhiều, lại ở nước ngoài.

"Đề nghị Quốc hội, Toà án nhân dân Tối cao có quy chế mới khoa học, tiến bộ về các tiêu chuẩn, chỉ tiêu công tác sát thực chất, phù hợp vai trò nhiệm vụ của từng cơ quan tư pháp để thi đua mang tính tích cực, tránh đối phó" - Đại biểu Thúy kiến nghị.

Về biên chế Tòa án, Đại biểu này nêu ví dụ, với TAND TP.HCM, các loại án tăng hàng năm là trên 10.000 vụ, mỗi Thẩm phán quận giải quyết trên 10 vụ án/tháng, biên chế giảm nhưng vẫn phải bổ nhiệm thẩm phán dẫn đến thiếu nguồn thư ký trầm trọng. Hiện 1 thư ký Tòa án TP HCM phải giúp việc cho 3 thẩm phán, tại một số phiên tòa thẩm phán này phải làm thư ký cho thẩm phán kia.

Trong khi đó, chế độ đãi ngộ tiền lương đối với cán bộ tòa án không phù hợp. TAND TP.HCM đã nhận được  nhiều đơn xin nghỉ việc của Thẩm phán và Thư ký do quá tải, trách nhiệm và áp lực trong công việc.

Tuy vậy, Tòa án chỉ giải quyết cho Thư ký nghỉ việc, còn thẩm phán nghỉ phép luân phiên vì không có kinh phí để trả thôi việc 1 lần. Những người này thường làm việc cầm  chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của Tòa án. Thậm chí, mới đây có một Chánh án TAND cấp huyện xin nghỉ việc lần thứ 2.

"Trong nhiều phiên tòa, nhiều đương sự tìm cách lăng mạ, bôi nhọ thẩm phán dưới nhiều hình thức, thậm chí còn đánh đuổi thẩm phán, kiểm sát viên. Tôi đề nghị Quốc hội, TANDTC có biện pháp ngăn ngừa như bố trí Cảnh sát tư pháp tại toà án, tạo điều kiện tốt nhất cho Tòa án hoạt động hiệu quả, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm" - Đại biểu Thúy đề xuất.