Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên mặt trận báo chí - truyền thông ở Việt Nam

ANTD.VN - Tròn 50 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng. Các ca mắc từ bên ngoài đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có trường hợp mắc Covid-19 nào tử vong. Kết quả này cho thấy Việt Nam đã, đang từng bước khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng, chống trực tiếp và gián tiếp, trong đó có vai trò rất lớn của báo chí - truyền thông.

Việt Nam đã, đang từng bước khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng các biện pháp tổng thể, cả trên phương diện phòng, chống trực tiếp và gián tiếp, trong đó có vai trò rất lớn của báo chí - truyền thông

Vai trò quan trọng của báo chí

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không thể không nhắc đến vai trò chủ lực của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, như thông tin - tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Báo chí luôn có mặt kịp thời tại các “điểm nóng” về dịch bệnh, kịp thời phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh ở trong nước và quốc tế; góp phần khích lệ, động viên, lan tỏa các tấm gương người tốt - việc tốt trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh...

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước chung sức đối phó với dịch bệnh, đó cũng là những ngày thực sự áp lực với những người làm báo. Hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức của báo chí luôn luôn phải chảy mãi với thời cuộc. Theo nhận định của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí đã tuyên truyền tích cực, rõ rệt về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công tác chỉ đạo được thực hiện theo mô hình tác chiến hiệu quả, tương tác cao, trở thành nguồn tin ban đầu để các báo cập nhật thông tin.

Các cơ quan báo chí không chạy theo việc đưa tin tức đơn thuần về các ca bệnh, mà tăng cường thông tin tuyên truyền việc ứng xử đối với người bệnh, người bị cách ly, khuyến cáo không kỳ thị những nhóm người mắc bệnh. Báo chí cũng đã chuyển hướng mạnh với những tin, bài nhân văn, chống lại sự kỳ thị, tổ chức các tuyến bài dài hơi, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người già, gia đình, hướng nội hơn. Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về những mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn… 

Trung tuần tháng 5-2020, Công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã công bố cuộc thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch Covid-19. Trong số đó, 89% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào truyền thông trong nước. Phân tích cũng chỉ ra rằng có đến 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ xử lý rất tốt dịch Covid-19. Những con số này phần nào thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả của công tác thông tin - tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông

Thành quả bước đầu của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã được quốc tế đánh giá cao. Ngày 8-4-2020, tờ Workers World của Đảng Công nhân thế giới (WWP) tại Mỹ đăng bài viết cho rằng đại dịch Covid-19 đã bắt đầu cho thấy những sự khác biệt rõ rệt trong cách phản ứng khẩn cấp của các quốc gia trên toàn cầu. Workers World đánh giá Việt Nam là một điển hình trong việc kiểm soát Covid-19.

Một trong những điểm đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch theo bài viết, đó là Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin để tuyên truyền chống Covid-19 khi gần 90% dân số có điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động.

Chính phủ sử dụng các ứng dụng và nhiều kênh khác nhau để nhanh chóng cảnh báo người dân về các trường hợp và khu vực nghi nhiễm, giúp mọi người được xét nghiệm và cập nhật thông tin chính xác về mặt khoa học để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virus. Bộ Y tế Việt Nam còn sản xuất một video âm nhạc hấp dẫn để hướng dẫn mọi người kỹ thuật rửa tay đúng cách và các biện pháp khác để giảm lây nhiễm... Bài báo kết luận, Việt Nam là tấm gương cho cả các nước đang phát triển và các quốc gia phát triển trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate nêu rõ nghiên cứu về chính sách phòng, chống dịch của Việt Nam cho thấy thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus có được nhờ chính quyền đã tập trung vào truyền thông và tuyên truyền cho người dân ý thức phòng bệnh thông qua các nền tảng công nghệ và tích cực truy tìm mầm bệnh.

Truyền thông minh bạch và sự hợp tác giữa Chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam kiềm chế số ca lây nhiễm ở mức thấp. Ngay cả khi đối phó với làn sóng dịch bệnh “nhập khẩu” từ nước ngoài, Việt Nam đã xử lý khủng hoảng hiệu quả và tránh được nguy cơ trở thành một “điểm nóng” về Covid-19. Project Syndicate cho rằng việc 65% trong số khoảng 96 triệu dân Việt Nam có khả năng tiếp cận Internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội (60% trong số đó có sử dụng mạng xã hội Facebook) đã giúp công tác chia sẻ thông tin về dịch bệnh diễn ra hiệu quả...

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên mặt trận báo chí - truyền thông ở Việt Nam ảnh 2

“Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Ngoài việc đưa tin, báo chí có rất nhiều phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người. Nhiều nhận định quốc tế đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch. Đương nhiên, chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt, rất kịp thời. Mặt khác, các cơ quan báo chí cũng góp phần quan trọng để các chính sách đó đến được với người dân và được người dân cả nước đồng lòng ủng hộ, chấp hành. Chính phủ luôn đánh giá cao báo chí - lực lượng trực tiếp xung trận cùng với Y tế, Công an, Quân đội trong công tác phòng, chống dịch”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19)

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên mặt trận báo chí - truyền thông ở Việt Nam ảnh 3

“Từ khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, báo chí đã vào cuộc, luôn cùng với ngành Y tế vào vùng trọng tâm của dịch để thông tin, thể hiện bản chất của báo chí cách mạng, đem lại thông tin chính xác, chuẩn mực, kịp thời, phân tích đúng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể, giúp người dân nắm được tình hình, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là mặt trận đóng vai trò hết sức quan trọng để định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn, phê phán những sai sót, bất cập trong xã hội; tuyên dương những tổ chức, cá nhân làm việc tốt; lan tỏa những hình ảnh người dân tham gia chống dịch với tinh thần, trách nhiệm cao”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Việt Nam đã trải qua 50 ngày không ghi nhận thêm ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, tính đến sáng 5-6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 nào và bước sang ngày thứ 50 liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, đã có 7 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 7 trường hợp âm tính lần 2 trở lên.

Về diễn biến sức khỏe của nam phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia cho biết quá trình điều trị của BN91 tiếp tục có nhiều tiến triển khả quan. Ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ, hiện tại BN91 đã tỉnh táo, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục.

Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO từ sáng 3-6 và hiện tình hình sức khỏe vẫn ổn định. Kết quả chụp X-quang phổi của bệnh nhân có nhiều cải thiện: vùng sáng (thông khí) cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái, tỷ lệ thông khí 2 phổi đã lên đến khoảng 58%. Kết quả chụp CT ngực và bụng cho thấy các tổn thương đều bình thường.

Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực và trong những ngày tới sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.