Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn:

Củng cố tổ chức cơ sở Đảng - nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị

ANTD.VN - Năm 2019, Hà Nội tiếp tục lựa chọn và thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm có tính thời sự luôn được thành phố nhận diện rõ là phải củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng ngay từ cơ sở, coi đây là nền tảng để thực hiện chủ đề năm công tác.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm bộ phận chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh, hệ thống chính trị muốn hiệu lực, hiệu quả thì từng tổ chức cơ sở Đảng phải vững mạnh. Cùng đó, mọi “điểm nóng” phát sinh từ cơ sở phải được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Không chạy theo số lượng mà phải đi vào thực chất

Nói đến việc củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, trước nay chúng ta thường nghĩ đến phát triển cơ sở Đảng tại các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội. Đây rõ ràng là mục tiêu nhiệm vụ quan trọng, mang tính quyết định hàng đầu. Tuy nhiên với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội, nơi có số lượng khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân rất lớn thì công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước cũng không thể xem nhẹ. 

Từ đầu năm 2011, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành phố. Năm 2012, Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy, đến nay, Ban Chỉ đạo các cấp ủy đã thực hiện nhiệm vụ ngày càng bài bản; có nhiều cách làm hay, sáng tạo. 

Chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước ngày càng được củng cố. Năm 2018 đánh dấu hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp của thành phố đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng thời, đã tiến hành sắp xếp, chuyển đổi mô hình tổ chức Đảng các Tổng công ty; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể. 

“Mỗi quận, huyện, thị xã phải xác định rõ những “điểm nóng” để thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra nhằm giải quyết thấu đáo ngay từ cơ sở. Đây chính là bước chuẩn bị quan trọng để đại hội Đảng các cấp đạt hiệu quả cao”. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn

Đáng chú ý, Ban Tổ chức Thành ủy đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại 4 đảng bộ Tổng công ty; đôn đốc, hướng dẫn việc chuyển giao, tiếp nhận 88 tổ chức cơ sở Đảng với 2.754 đảng viên từ 12 đảng bộ Tổng công ty trực thuộc Thành ủy về 18 quận, huyện ủy thuộc Đảng bộ thành phố và 10 tỉnh, thành ủy khác trong cả nước. Đến nay, có 25/30 quận, huyện, thị ủy đã thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh, Nghị quyết số 09-NQ/TU đã được phát huy rất tốt trong thực tiễn tổ chức hoạt động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Dù vậy, để khắc phục các tồn tại và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy các tổng công ty, tiếp tục đổi mới mô hình, nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động.

Cần nắm chắc tình hình và dự báo được xu hướng phát triển trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể để không bị động và kịp thời thích nghi. Đồng thời, phải có lộ trình và phương pháp tổ chức thực hiện một cách khoa học, hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý, năm 2019, việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp cần phải đột phá, tăng tốc hơn. Công tác kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức Đảng đóng vai trò trọng tâm song không phải chạy theo số lượng, hình thức mà phải quan tâm đến chất lượng. Muốn vậy, phải tăng cường kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên sao cho có chất lượng. Trong các hoạt động từ thành phố đến cơ sở, phải mở rộng các kênh thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các cấp ủy và doanh nghiệp để xử lý kịp thời. Mặt khác, việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU phải gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Khắc phục triệt để các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém

Nếu như việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong hệ thống chính trị và trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có vai trò quan trọng giúp tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh thì việc củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, gắn với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ làm tăng sức mạnh, uy tín của Đảng, giúp hệ thống chính trị ngày càng hiệu lực, hiệu quả. 

Đặc biệt, với việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” và Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”, cũng đã được các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở triển khai có trọng tâm, bài bản, có chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm 2018, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm và những vướng mắc về cơ chế, chính sách đã được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU; đồng thời phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, phân công nhiệm vụ, có lộ trình giải quyết cụ thể; đánh giá thực trạng tình hình các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém để đề ra giải pháp củng cố; nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng có nội dung cần quan tâm. 

Các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 29.593 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý 35.983 đơn thư các loại. Các cơ quan của thành phố cũng đã tiếp 323 lượt đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo với nội dung chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 85,07%; số còn lại đang giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban chỉ đạo Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 đánh giá, kết quả triển khai thực hiện 2 chủ trương nói trên bước đầu đã khắc phục những hạn chế của một số tổ chức cơ sở Đảng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở những nơi có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, TTATXH. 

Tình trạng khiếu kiện vượt cấp phần nào được kiềm chế. Đặc biệt, lãnh đạo quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đều nhận thức rõ trách nhiệm, chủ động tổ chức đối thoại với dân, qua đó làm “giảm nhiệt” các vụ khiếu kiện phức tạp… Tất cả những kết quả đó cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 không chỉ còn là khẩu hiệu mà đã rõ hiệu quả trên thực tế, tạo ra sự vận hành đồng bộ từ thành phố đến cơ sở, có sức lan tỏa cao.

Lưu ý về số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp còn tồn đọng hiện nay đều là những vụ việc khó, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU Đào Đức Toàn nhấn mạnh, 2019 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành nghị quyết đại hội Đảng các cấp, cũng là năm thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, do đó bên cạnh việc tập trung giải quyết vụ việc còn tồn đọng, cấp ủy, chính quyền các cấp trước khi triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe nhân dân, đồng thời lường trước khó khăn xảy ra để hạn chế phát sinh khiếu kiện phức tạp.