Dư luận nhân dân sau Hội nghị Trung ương 11- khóa XII:

Củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Hội nghị Trung ương 11 khóa XII vừa bế mạc tại Thủ đô Hà Nội đã thống nhất những vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị đất nước về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng - những văn bản mang tính chiến lược và tầm nhìn cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước và về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020. Riêng về công tác kỷ luật nghiêm minh trong nội bộ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Trước đó, Tổng Bí thư khẳng định: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác!”. Dư luận nhân dân cũng rất đồng tình với phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khi Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất!”. Báo An ninh Thủ đô ghi nhận ý kiến nhân dân sau Hội nghị Trung ương 11 khóa XII.

Củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự bế mạc Hội nghị Trung ương 11 - khóa XII

Quan điểm chính trị sáng suốt

“Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII đã diễn ra rất thành công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, cần phải tiếp tục “củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Theo tôi đây là một quan điểm chính trị sáng suốt. 

Năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam, đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc cũng đã rút giàn khoan và Việt Nam cũng vẫn tiếp tục những chính sách ngoại giao phù hợp. Thời gian gần đây, Trung Quốc lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Do vậy, bên cạnh việc lên án mạnh mẽ, tôi cho rằng, Chính phủ cần phải “vạch mặt” chỉ tên những hành động vi phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn như thế, và chúng ta phải có những bước đi phù hợp về mặt pháp lý.

Việt Nam có thể là một nước nhỏ, nhưng chúng ta đã đoàn kết, kiên cường qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Việc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng lãnh hải Việt Nam chắc chắn không thể một sớm một chiều, nhưng nếu kiên trì, tôi tin rằng sẽ thành công, bởi đã có luật pháp quốc tế, Trung Quốc dù có là một nước lớn cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Ông Đào Quý Ly (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc

“Tôi đã theo dõi kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp, trong đó có nhắc đến việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Tổ quốc. Từ xưa đến nay, những chuyện liên quan đến cương vực, lãnh thổ luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân đất Việt. Đất nước chúng ta có vị trí địa lý khiến nhiều thế lực ngoại bang muốn xâm chiếm, không chỉ đất đai mà cả biển đảo. Vì thế, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn được chính quyền mọi thời đại ưu tiên khi họp bàn việc quốc kế dân sinh. Thời gian gần đây, tin tức liên quan tới biển đảo cứ dồn dập, không chỉ trên các trang báo mà cả trên mạng xã hội. Nhiều năm nay, Biển Đông không còn êm ả khi ý đồ bành trướng của Trung Quốc càng ngày càng hiện rõ. Người Việt từ ông bà cụ già đến người trẻ lo lắng không yên. Phần vì, một tấc đất, tấc biển cha ông để lại cũng không thể từ bỏ. Phần vì, giải pháp cho vấn đề Biển Đông chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Nhưng có một điều không thể chối cãi là đất nước ta có lịch sử giữ nước hào hùng. 

Tôi quan tâm nhiều đến diễn biến ở Biển Đông và luôn mong vấn đề này được giải quyết rốt ráo. Dù vậy, đây không phải là chuyện sẽ giải quyết xong trong một sớm một chiều. Đây chỉ là một phần trong câu chuyện chủ quyền mà dân tộc Việt Nam vẫn phải tìm lời giải từ thời mới dựng nước đến giờ. Do vậy, khi được đọc Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi rất vui mừng vì lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nêu rất đúng, rất trúng quyết tâm, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Chị Đào Bích Ngọc (Chuyên viên quản trị nhân sự, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững

“Tôi kỳ vọng vào nhiều nội dung được Trung ương bàn luận lần này, trong đó có vấn đề lớn là chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011-2020 và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, cần giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, những vấn đề thực tiễn đặt ra, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa… Thực tế, trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức. Để phát triển kinh tế thị trường trong tình hình mới, tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước ngoài việc quan tâm đến việc phát triển số lượng doanh nghiệp, còn phải chú trọng nâng cao đến chất lượng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các chính sách giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo minh bạch, an toàn, thuận lợi tạo đà cho các doanh nghiệp bứt phá”.

Ông Phạm Ngọc Chỉnh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội)

Hạn chế tối đa tệ chạy chức, chạy quyền

“Người tài ở giai đoạn lịch sử nào, thời đại nào cũng đều rất cần. Sinh thời, danh sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) đã từng để lại câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, hàm ý nói đến việc nguyên khí thịnh thì đất nước vững mạnh và ngày càng phát triển lớn lao. “Hiền tài” ở đây cũng được hiểu là người có tài, song cũng phải có cả đức. Chỉ khi hội tụ đủ hai phẩm chất cao quý này thì mới thực sự xứng đáng đảm nhận vị trí, công việc mà nhân dân tin tưởng giao phó. Điều này là vô cùng quan trọng, bởi có đức mà kém tài thì làm việc gì cũng khó. Còn có tài mà thiếu đức thì dễ sinh ra lòng tham, tính vụ lợi và sử dụng cái tài đó vào mục đích thấp hèn. 

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề cập rất rõ đến chuyện lựa chọn người tài - đức, ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền. Tôi cho rằng đó là vấn đề vô cùng quan trọng, đề cao vai trò của con người trong việc vận hành bộ máy Nhà nước, tức là thể hiện rất rõ sự quyết tâm của Đảng trong việc lấy con người, cụ thể là “hiền tài” làm trọng tâm để đưa đất nước phát triển. Mọi sự đều khởi nguồn và thành - bại do yếu tố con người. Một khi chúng ta đã chọn được những người có đức - có tài, thì sẽ hạn chế một cách tối đa được tệ chạy chức, chạy quyền, từ đó làm trong sạch và vững mạnh bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương. 

Tôi mong rằng với quyết tâm như vậy, trong tương lai đất nước chúng ta sẽ có nhiều sự thay đổi tích cực hơn nữa trên mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là đời sống văn hóa - xã hội, giữ vững cuộc sống thanh bình và hạnh phúc của người dân”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Bài học đắt giá của mỗi Đảng viên

“Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chúng tôi rất tâm đắc với phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư khi nhấn mạnh: “Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Việc khai trừ khỏi Đảng với hai nguyên Bộ trưởng là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn thể hiện nghiêm minh, kiên quyết của Đảng, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái. Việc suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một số đảng viên bị phát hiện, xử lý nghiêm thời gian qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với bất kỳ ai, nắm giữ chức vụ nào, nếu cố tình làm trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân thì đều bị xử lý”.

Ông Vũ Danh Phương (Kỹ sư địa chất, trú tại Hà Đông, Hà Nội)

Việc sử dụng người tài - đức cần đúng thực chất và đúng năng lực

Củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ảnh 7

“Lựa chọn người có đức, có tài cho dân, cho nước là vấn đề rất hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, vị trí, vai trò của cán bộ được Bác Hồ chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Ở Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, vấn đề này một lần nữa được đặt lên hàng đầu, bởi những hiện tượng như tham nhũng, tiêu cực nổi lên và có cơ hội phát triển cũng là do đội ngũ cán bộ đã có những biểu hiện suy thoái về đạo đức. Theo cá nhân tôi, việc lựa chọn người tài, người có đức cần phải đúng thực chất và đúng năng lực, thông qua hình thức thi cử công khai và minh bạch. Với những quyết sách của Đảng và chủ trương nhất quán về việc hoàn thiện chính sách công tác cán bộ, tôi tin, trong thời gian tới, việc sử dụng người tài sẽ được cải thiện, để những người cán bộ thực sự do dân và vì dân”.

Nhà nghiên cứu Phạm Trung (Viện Mỹ thuật Việt Nam)

Cử tri ủng hộ công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của Đảng

“Trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11 khóa XII, tôi thấy được ngọn lửa phòng chống tham nhũng đang rực cháy, quyết liệt. Từ tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng… đều thể hiện rõ quyết tâm, ý chí, thái độ, hành động đưa “củi tham nhũng” vào “lò”. Người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi, ủng hộ tuyệt đối vào công cuộc diệt giặc nội xâm này của Đảng. Muốn Đảng trong sạch, muốn đất nước hùng cường, phát triển, không gì khác phải diệt tham nhũng, không để tham nhũng có cơ hội, điều kiện hình thành, phát triển.

Một vấn đề quan trọng khác mà tôi và nhiều người dân hết sức quan tâm, là bên cạnh việc tổng kết thành tựu, kết quả, kinh nghiệm của 30 năm Đổi mới, chúng tôi rất đồng tình khi thấy những vấn đề “nóng” hiện nay như Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta… được đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng, có những đánh giá, dự báo hết sức chặt chẽ, mang tầm nhìn toàn diện và lâu dài. Việc giữ cho đất nước có môi trường an ninh, an toàn, ổn định, phát triển phải luôn đi đôi với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế đa phương, đa dạng hóa, trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau, đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc, công ước, pháp luật quốc tế...”.

Ông Phạm Tân (Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Không có vùng cấm đối với sai phạm của Đảng viên

Củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ảnh 8

“Cán bộ, Đảng viên và nhân dân và chiến sĩ ta tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, không những trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ Đảng, chính quyền các cấp. Vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên niềm tin, niềm hứng khởi trong nhân dân. Đảng ta rất kiên quyết, không né tránh, không có vùng cấm đối với những sai phạm của cán bộ Đảng viên bất kể người đó là ai.

Sự phát triển kinh tế - xã hội của gần trọn một nhiệm kỳ qua và năm 2019 đã khẳng định đường lối cải cách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế bắt nhịp với cuộc Cách mạng 4.0 đã tạo nên thành tựu phát triển đất nước. Những thành tựu to lớn đó đã được Ban Chấp hành Trung ương khẳng định tại Hội nghị lần thứ 11, đã chứng minh rằng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới xứng đáng vị thế lãnh đạo dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập”. 

Đại tá Đỗ Ngọc Sơn (Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) 

Củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ảnh 9