Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Công an nhân dân, Luật Phòng, chống tham nhũng

ANTD.VN -Sáng 11-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 9 Luật vừa được Quốc hội Khóa XIV Kỳ họp thứ 6 thông qua, bao gồm: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Đặc xá, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi,  Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Luật Đặc xá 2018 gồm 6 chương, 39 điều. Luật quy định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước, điều kiện của người được đề nghị đặc xá, các trường hợp không được đặc xá, quyền nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, trình tự, thủ tục lập danh sách, thẩm định thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá.

Luật còn quy định về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, trong đó nêu rõ, trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và 12 của Luật. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.

Quang cảnh buổi họp báo

Luật Công an nhân dân 2018 gồm 7 chương, 46 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND, tổ chức của CAND, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND. Đặc biệt, Luật  đã quy định cụ thể về hệ thống cấp bậc hàm, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND, trong đó nêu rõ cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND.

Cụ thể, Điều 25 quy định, Bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm Đại tướng; Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Trung tướng số lượng không quá 35 người; Thiếu tướng số lượng không quá 157 người.

Trần quân hàm Thiếu tướng được áp dụng đối với Giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Tuy nhiên, luật quy định rõ số lượng không quá 11.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và công an TP Hồ Chí Minh cũng có trần quân hàm là Thiếu tướng, số lượng mỗi đơn vị không quá 3 người.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới nổi bật trong Luật Công an nhân dân 2018 là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của công an nhân dân. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, phạm vi bí mật nhà nước, danh mục, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước…

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019. Đặc biệt, Luật đã quy định về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Luật nêu rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kinh doanh, ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 còn nêu rõ trách nhiệm  của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có chức vụ quyền hạn tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có hành vi vi phạm để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do tại sao Luật không quy định cán bộ, nhân viên ở khu vực ngoài Nhà nước phải kê khai tài sản, đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động này ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.

Việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước gồm nhiều nội dung là chương mới, nội dung mới, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng chống tham nhũng. Tuy vậy, các quy định này phải đảm bảo tính khả thi.

“Thực tế, việc yêu cầu cán bộ, nhân viên làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước  phải kê khai tài sản, thu nhập khó có thể thực hiện được, nhất là đối với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài” – vị đại diện Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục