Nhận diện, đánh chặn tội phạm mùa dịch bệnh (1):

Công an Hà Nội ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm trong mùa dịch Covid-19

ANTD.VN - Các tháng đầu năm 2020, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Số vụ phạm pháp hình sự, tội phạm gây án nghiêm trọng giảm mạnh so với những tháng liền kề và giai đoạn cùng kỳ của năm 2019. Những cố gắng nỗ lực, kết quả đạt được của Công an Hà Nội phản ánh rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc CATP Hà Nội; sự vào cuộc đồng bộ, bài bản của các đơn vị, địa bàn; đặc biệt, đã thể hiện nhận thức, quyết tâm cao trong thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: “Trong công tác phòng chống dịch bệnh, không được sao nhãng công tác Công an, phải đẩy mạnh, chủ động và quyết liệt hơn nữa đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm”.

Cơ quan chức năng kiểm tra số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm của Công ty Đức Anh

Có một thực tế là trong bối cảnh đại bộ phận người dân thực hiện nghiêm chủ trương, yêu cầu giãn cách xã hội vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì tội phạm vẫn tìm mọi cơ hội, sơ hở để hoạt động. Trong đó, những miếng “mồi” lớn sẽ được “quăng” lên Internet, qua mạng xã hội. 

Xã hội cách ly, tội phạm vẫn… “săn mồi” trên mạng

Thống kê trong 2 tháng qua, các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã của CATP Hà Nội xử lý hình sự 8 vụ án - 12 đối tượng phạm tội liên quan đến dịch Covid-19, thì phân nửa trong đó, tội phạm “giăng bẫy” qua mạng xã hội.

Điển hình trong số này phải kể đến vụ án Nguyễn Văn Bắc (SN 1989, quê quán trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), bị Cơ quan CSĐT - CAQ Cầu Giấy khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 350 triệu đồng tiền mua khẩu trang. Bị hại trong vụ án này là chị Thủy, trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. 

Những ngày đầu tháng 2-2020, nắm được nhu cầu của nhiều người muốn mua khẩu trang y tế, Bắc lên mạng xã hội khai thác “con mồi”, và từ đó đã kết nối được với chị Thủy. Qua tài khoản Facebook cá nhân, Bắc nhắn tin và gọi điện mời chào chị Thủy mua khẩu trang y tế với số lượng lớn. Để tạo niềm tin, Bắc đã chuyển trước cho chị Thủy 1 thùng khẩu trang có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và giá rẻ hơn thị trường.

Không chút nghi ngờ, chị Thủy đã chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Bắc để đặt mua 30 thùng khẩu trang. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lập tức cắt đứt liên lạc với bị hại. Ngày 11-2, CAQ Cầu Giấy đã bắt giữ Nguyễn Văn Bắc khi đối tượng đang lẩn trốn tại địa bàn phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền chiếm đoạt của chị Thủy đã bị Bắc “nướng” vào cờ bạc. 

Một đối tượng cũng biết cách khai thác triệt để mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội, là Trần Ngọc Anh (SN 1990, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai). Mắc nợ số tiền lớn do thua cờ bạc, Ngọc Anh nghĩ ra chiêu trò lừa đảo, bằng cách chào bán qua Facebook máy đo thân nhiệt - tự quảng cáo là “hàng ngoại, giá nội” với số lượng bất kỳ.

Từ nước Nga, anh Minh đã đọc được thông tin, nên liên lạc với người nhà là anh Đỗ (trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), dặn đến nhà Ngọc Anh xem hàng, mua rồi chuyển sang bán để hưởng chênh lệch. Tại nhà Ngọc Anh (vốn đi thuê), dù không được nhìn thấy bất kỳ chiếc máy đo thân nhiệt nào, nhưng anh Đỗ vẫn thống nhất mua 400 chiếc máy với tổng số tiền là 320 triệu đồng; đặt cọc trước 50 triệu đồng. Đến ngày hẹn, không thấy Ngọc Anh giao hàng, thậm chí có thái độ khất lần nên anh Đỗ đã trình báo cơ quan công an.

Quá trình điều tra, CAQ Hoàng Mai xác định với thủ đoạn tương tự, thậm chí có lúc còn tự nhận là cán bộ Sân bay Nội Bài, đối tượng Ngọc Anh đã thực hiện phi vụ lừa đảo khác, chiếm đoạt được hơn 200 triệu đồng.

Đảm bảo sự lành mạnh của thị trường, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật

Trong hơn 2 tháng qua, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội đã phát hiện, xử lý gần 300 vụ việc liên quan đến các hành vi đăng tin thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19; vi phạm nhãn mác, tăng giá, găm hàng các sản phẩm y tế như khẩu trang, găng tay… Sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lực lượng Công an Hà Nội và Cục Quản lý thị trường (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội) đã từng bước góp phần ổn định, tạo sự lành mạnh của thị trường.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc CATP hết sức chủ động trong công tác nắm tình hình, nhận diện thủ đoạn tội phạm và xây dựng chuyên án, kế hoạch đấu tranh. Điển hình, gần đây nhất là vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh (gọi tắt là Công ty Đức Anh - địa chỉ trụ sở tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; địa điểm kinh doanh tại ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Qua công tác nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phát hiện trên thị trường xuất hiện sản phẩm là bộ trang phục phòng dịch có dấu hiệu bị làm giả sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) sản xuất. Sản phẩm giả được chào bán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...  

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu xác định doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm là Công ty Đức Anh, do Trương Thị Bình làm Phó Giám đốc Công ty và phụ trách địa điểm kinh doanh. Ngày 8-4, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp phối hợp cùng Đội 1, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế đối với Công ty Đức Anh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Đức Anh đang xuất bán 1.202 bộ trang phục phòng dịch mang các dấu hiệu nghi vấn là hàng giả bộ trang phục phòng dịch của Công ty Phúc Hà.

Quá trình điều tra, xử lý về sau, cơ quan chức năng làm rõ ban lãnh đạo Công ty Đức Anh đã chỉ đạo nhân viên mua các sản phẩm rời (bộ áo liền quần, khẩu trang, kính nhựa, mũ, giày, găng tay cao su)... rồi đóng chung vào túi nilon; dùng máy dán nhiệt dán kín và đính kèm tem nhãn in trên giấy ghi nhãn hiệu, địa chỉ sản xuất, website trùng với các thông tin của Công ty Phúc Hà. Trước mắt, CQĐT đã thực hiện biện pháp tố tụng đối với 3 đối tượng của Công ty Đức Anh về hành vi sản xuất hàng giả.

Ngày 9-4, tại buổi kiểm tra, động viên công tác phòng, chống dịch Covid-19 của CATP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận: “Đây không chỉ là vụ án hình sự đơn thuần, mà đã cho thấy trách nhiệm của lực lượng công an đối với xã hội, với người dân; bởi nếu số lượng thiết bị y tế kém chất lượng này bị bán ra thị trường sẽ là hậu quả khôn lường”…

(Còn tiếp) 

Không vì tập trung phòng, chống hoặc lo ngại dịch bệnh mà sao nhãng công tác công an

Công an Hà Nội ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm trong mùa dịch Covid-19 ảnh 2

“Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo tập trung phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 và tự phòng, chống dịch trong lực lượng ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Công an về ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế và các điều kiện cần thiết cho việc phòng, chống dịch. Làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, người Việt Nam từ nước ngoài trở về; cảnh giác và phối hợp ngăn chặn các nguồn lây nhiễm chéo hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Chú ý không vì tập trung phòng, chống hoặc lo ngại dịch bệnh mà sao nhãng công tác công an; xử lý nghiêm hoạt động đầu cơ, buôn lậu, vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, hoạt động xuyên tạc, đưa tin sai sự thật, chống đối việc cách ly, không khai báo y tế… 

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sơ kết công tác công an quý I-2020; tổng kết cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; phát động tổng kiểm tra, mở cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngày 30-3)