Công an Hà Nội chú trọng quan tâm, phát triển lực lượng gần dân nhất

ANTD.VN - Thành phố Hà Nội hiện có 386 xã và 21 thị trấn (trong đó, có 234 xã và 9 thị trấn được xác định là xã trọng điểm, phức tạp về ANTT). Trong những năm qua, Công an Hà Nội đã luôn hết sức chú trọng quan tâm, đầu tư phát triển Công an xã bán chuyên trách, lực lượng được xác định là cánh tay nối dài của Công an chính quy.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện, chính xác đặc điểm của từng xã từ đó xác định tính chất, tiêu chí phân loại các xã; thực trạng tổ chức, biên chế lực lượng Công an xã để có cơ sở tham mưu, đề xuất, xây dựng phương án bố trí lực lượng phù hợp đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong giai đoạn hiện nay, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; vận dụng sáng tạo chủ trương, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tháng 11-2017, Công an Hà Nội đã xây dựng Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội” với mục đích nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT tại địa bàn các xã; thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT ở cơ sở; góp phần xây dựng, củng cố lực lượng cơ sở vững mạnh.

Công an Hà Nội chú trọng quan tâm, phát triển lực lượng gần dân nhất ảnh 1Lực lượng Công an xã góp phần thiết thực trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở 

Chủ động những giải pháp căn cơ

Có thể thấy, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp các chủ trương, kế hoạch và biện pháp công tác đảm bảo ANTT, cơ bản thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn các xã. 

Theo đại diện phòng Tổ chức cán bộ CATP, để tăng cường công tác bảo đảm ANTT tại các khu vực trọng điểm, phức tạp về ANTT, Công an Hà Nội đã bố trí lực lượng Công an chính quy tại cơ sở, như: báo cáo và được Bộ Công an cho phép thành lập 39 Đồn Công an thuộc 17 Công an huyện, thị xã để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn 182 xã (trong đó, có 123 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT); thành lập 16 Công an thị trấn, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã tại 11 xã thuộc 7 huyện, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã (10 đồng chí) tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, tăng cường biên chế cho lực lượng Công an phụ trách xã về ANTT... 

Việc tăng cường bố trí lực lượng Công an tại cơ sở, đặc biệt là các Đồn Công an khu vực trọng điểm, phức tạp về ANTT đã tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Tháng 10-2016, thực hiện Thông tư số 15/2010/TT-BCA ngày 24-5-2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về điều động sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, Công an Hà Nội đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã tại 13 xã trọng điểm, phức tạp thuộc 9 huyện. 

Công an Hà Nội chú trọng quan tâm, phát triển lực lượng gần dân nhất ảnh 2Hội nghị CAH Hoài Đức tổ chức để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và từ đó ngày càng hoàn thiện Công an cơ sở

Những chuyển biến tích cực

Sau thời gian triển khai việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cán bộ Công an chính quy được đưa xuống làm Trưởng Công an xã hầu hết được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm công tác... Vì vậy, việc nắm và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Công an cấp trên về công tác đảm bảo ANTT tại các xã, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo đúng pháp luật, quy định của ngành, tính chuyên sâu trong hoạt động nghiệp vụ Công an; việc xử lý tình hình kịp thời và đạt hiệu quả cao hơn, ít xảy ra các vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ. 

Các vụ việc về ANTT ở các xã cơ bản được giải quyết theo đúng chức năng và thẩm quyền được giao; tạo điều kiện thuận lợi cho các Đội nghiệp vụ thuộc Công an huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến địa bàn xã.

Việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã cũng góp phần củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng Công an xã. Trưởng Công an xã là Công an chính quy đã hướng dẫn, đào tạo về nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi thực thi nhiệm vụ. 

Mặt khác, thông qua việc cùng cán bộ Công an chính quy trực tiếp thực hiện các biện pháp công tác và giải quyết tình hình... cán bộ Công an xã bán chuyên trách cũng học hỏi và rút được nhiều kinh nghiệm, nắm bắt quy trình giải quyết các công việc theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Từ khi bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã, công tác nắm tình hình tại địa bàn cơ sở được tăng cường; hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn được nâng cao; các vấn đề phức tạp cơ bản được giải quyết kịp thời từ cơ sở; tình hình ANTT ở địa bàn các xã có sự chuyển biến tích cực.

Đại tá Nguyễn Viết Chuẩn (Nguyên Giám đốc Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội): Quyết tâm lớn của Bộ Công an trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

“Hơn 40 năm công tác trong ngành Công an, tôi cảm nhận được những quyết tâm, tâm huyết lớn của Bộ Công an trong việc chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án 106; cũng như đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định 01 ngày 6-8-2018. Thấy rõ nhất là tinh thần cải cách hành chính, là sự “tự soi, tự sửa”, là việc gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Bộ máy tinh gọn và phát huy hiệu quả là hai mệnh đề hết sức cần thiết, quan trọng, song cũng hết sức khó khăn. Bởi thực tế, đã và đang có những áp lực lớn, cả khách quan và chủ quan, trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; như tình hình tội phạm ma túy, môi trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, “tín dụng đen”...

Lực lượng công an đang gương mẫu đi đầu, nhưng nếu các ngành, các cấp không phối hợp tốt, thì rất khó thành công. Đơn cử như việc triển khai tổ chức đối với Công an xã được bố trí chính quy; cùng với công tác đào tạo, công tác chính trị tư tưởng, rất cần tăng thêm sự đầu tư cơ sở vật chất”. 

Ông Đinh Quang Hùng (Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội): Sự đột phá của lực lượng công an khi hướng về cơ sở

“Với việc thực hiện Đề án 106, Bộ Công an là lực lượng đi đầu trong thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây thực sự là một “cuộc cách mạng” trong ngành hơn 70 năm qua. Đề án hướng tới xây dựng mô hình “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” giảm cấp trung gian cho thấy sự quyết tâm của lực lượng công an trong thu gọn bộ máy. Bộ Công an trong thực hiện Đề án 106 và Nghị định 01 của Chính phủ đã đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của ngành lên trên; đó là điều mà người dân chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng với mô hình tổ chức mới. Theo đó, lực lượng công an ở cấp cơ sở sẽ được tăng cường, gắn bó chặt chẽ hơn với nhân dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Trong lịch sử hơn 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND đã trải qua nhiều mô hình tổ chức khác nhau và từng ngày lớn mạnh hơn, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước. Với Nghị định 01 được triển khai tại thời điểm này, dù giảm số lượng đầu mối cấp Tổng cục, Cục, sáp nhập 20 Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vào công an tỉnh, thành phố…, nhưng đây là một sự đột phá của lực lượng công an. Những cán bộ thuộc các đơn vị sáp nhập sẽ được tăng cường về cơ sở, tạo một nền tảng vững mạnh cho lực lượng công an ở cấp cơ sở, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp”. 

Lộ trình thực hiện Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội”

Tiến hành triển khai bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đối với 386 xã trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020. Đồng thời thành lập Công an thị trấn (như Công an phường) tại 5 Công an thị trấn (Trạm Trôi, Chúc Sơn, Đại Nghĩa, Phú Xuyên, Phú Minh) thuộc 4 huyện: Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên.

Tin cùng chuyên mục