Cơ hội để Việt Nam chủ động đóng góp, xây dựng "luật chơi chung"

ANTD.VN - Việt Nam đang đứng trước cơ hội để đẩy mạnh chính sách chủ động đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, một khi trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cơ hội để Việt Nam chủ động đóng góp, xây dựng "luật chơi chung" ảnh 1Sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với người dân Nam Sudan

Kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) cách đây gần 4 thập kỷ, Việt Nam đã và luôn là thành viên tích cực của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Có thể nói những đóng góp của Việt Nam trên cả 3 trụ cột hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người đều được LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá cao.  

Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Dù là lần đầu tiên tham gia, nhưng Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò của mình, đồng thời tham gia tích cực trong giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, góp phần tăng cường hòa bình, an ninh trên thế giới.

Một lần nữa trở thành thành viên Hội đồng Bảo an -cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của LHQ sau 10 năm là cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế, đồng thời triển khai mục tiêu đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần định hình luật chơi, xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi mà Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra. 

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Việc trúng cử và trở thành ủy viên không thường trực HĐBA mới chỉ là thử thách đầu tiên Việt Nam phải vượt qua. Tình hình thế giới vốn đã phức tạp lại đang trở nên bất ổn với những biến động bất ngờ, sự thay đổi so sánh lực lượng, đặc biệt là sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Có thể thấy, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều nước đã quay lưng với những vấn đề quan trọng của cả thế giới như biến đổi khí hậu và tự do hóa thương mại. Cuối năm 2018, Mỹ đã chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO). Mỹ và một số nước cũng đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015. Nhiều thành quả đạt được sau rất nhiều nỗ lực của LHQ bỗng chốc bị phá vỡ, như việc Mỹ công nhận cao nguyên Golan là của Israel, bất chấp nghị quyết của LHQ coi Golan là vùng đất do Israel chiếm đóng của Syria...

Nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn bế tắc, căng thẳng ở Biển Đông cũng chưa có dấu hiệu tìm thấy tiếng nói chung. Các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Yemen và Libya đã kéo dài nhiều năm, dù đây là những vấn đề HĐBA liên tục đưa lên bàn nghị sự. Vấn đề bạo lực, nội chiến đẫm máu ở châu Phi hiện vẫn là một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới…

Trong khi đó, vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử đơn phương. Đáng tiếc là trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay, 5 ủy viên thường trực của HĐBA lại luôn có những khác biệt về quan điểm chính trị, từ vấn đề hạt nhân của Iran, xung đột vũ trang ở Trung Đông, đến kiểm soát vũ khí hạt nhân, ngăn chặn chạy đua vũ trang… Vai trò của 9 ủy viên không thường trực HĐBA thì lại hạn chế theo quy định chung.

Đó là thách thức không nhỏ với Việt Nam một khi được bầu vào HĐBA với nhiệm kỳ 2 năm 2020-2021. Nhưng với uy tín, kinh nghiệm và mong muốn đóng góp cho nỗ lực chung của thế giới vì hòa bình và phát triển, Việt Nam tin tưởng sẽ nắm bắt cơ hội này, để thực hiện mục tiêu từ “tham gia tích cực” sang “chủ động xây dựng luật chơi chung”.