Cơ cấu lại nhóm chính sách về bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của người dân

ANTD.VN - Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, chiến lược an sinh xã hội của Việt Nam cần phải tiếp tục được bổ sung, mở rộng và cơ cấu lại cho phù hợp với các nhóm chính sách cụ thể. Đó là nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, nhằm hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập và chủ động tham gia thị trường lao động...

 

Cơ cấu lại nhóm chính sách về bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của người dân ảnh 1

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội không ngừng được mở rộng trong những năm qua

Trụ cột an sinh xã hội

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Đánh giá về kết quả đã đạt được trong những năm qua của ngành bảo hiểm xã hội, Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đặc biệt từ khi được giao thêm chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, ngành tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước. 

Theo đó, diện bao phủ bảo hiểm xã hội không ngừng tăng, nếu như năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội thì đến hết tháng 8/2019 có 14,65 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Năm 2008 khi mới thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện, cả nước chỉ có 6.110 người tham gia, thì đến tháng 8/2019 tăng lên 437.000 người (tăng hơn 70 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng từ 5,9 triệu người (năm 2009) lên 12,9 triệu người (tháng 8/2019).

Đặc biệt, đến tháng 9/2019, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đã đạt trên 89,8% trên tổng dân số.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, trong khoảng 10 năm gần đây, ngành bảo hiểm xã hội luôn tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm; giao dịch điện tử được đẩy mạnh, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4... Đáng chú ý, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối, liên thông với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, trong thời gian qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Từ chỗ chỉ có các chính sách đơn lẻ về an sinh xã hội như chính sách việc làm, bảo hiểm xã hội bắt buộc, BHYT, giảm nghèo... đến nay, Việt Nam đã thiết kế được hệ thống chính sách an sinh xã hội với phạm vi bao phủ ngày càng rộng hơn và chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Cải cách để mở rộng diện bao phủ

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng theo các chuyên gia, chính sách bảo hiểm xã hội hiện vẫn chưa đồng bộ với các chính sách khác như: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo, việc làm...

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội cho khu vực vực phi chính thức mới chỉ giới hạn ở hai chế độ là hưu trí và tử tuất cho nên số lượng người tham gia vẫn còn thấp; lĩnh vực bảo hiểm y tế chưa được đa dạng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, chưa điều chỉnh mức đóng- hưởng đảm bảo phù hợp với việc phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, chiến lược an sinh xã hội của Việt Nam cần phải tiếp tục được bổ sung, mở rộng và cơ cấu lại cho phù hợp với các nhóm chính sách cụ thể. 

Cụ thể là nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, nhằm hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập và chủ động tham gia thị trường lao động; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhóm chính sách bù đắp thu nhập khi người lao động bị suy giảm hoặc mất sức lao động; nhóm chính sách khắc phục rủi ro nhằm trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Trên cơ sở cấu trúc đó, Nhà nước thiết kế các chính sách an sinh xã hộimang tính hệ thống, lồng ghép, linh hoạt, đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.

Đồng thời, ngành Bảo hiểm xã hội cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục