Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Không có lợi ích nhóm trong xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống

ANTD.VN - Chiều nay 15-11, tại buổi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội khoá XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, không có lợi ích nhóm trong việc xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đuống.

Sau khi nghe đại biểu HĐND TP thông báo dự kiến nội dung, thời gian kỳ họp 11 HĐND TP Hà Nội khoá XV báo cáo tóm tắt về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, nhìn chung, cử tri bày tỏ vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dù vậy, cử tri và nhân dân quận Hoàn Kiếm vẫn còn băn khoăn với một số vấn đề dân sinh bức xúc. Cụ thể, cử tri Trịnh Thị Nhung (phường Hàng Đào) băn khoăn các tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội tiến độ quá chậm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Cử tri kiến nghị, TP sớm chỉ đạo để đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đẩy nhanh tiến độ công trình đường bộ trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để góp phần hạn chế ách tắc giao thông và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư.

Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt của người dân, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng nước sinh hoạt là vấn đề rất quan trọng, thiếu nước con người không sống được.

Những năm gần đây, với tốc độ tăng chóng mặt của các khu chung cư cao tầng cũng như cùng với sự gia tăng dân số cơ học tại Hà Nội, yêu cầu về lượng nước cung cấp ngày càng cao.

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch, thành phố đã kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào xây dựng nhà máy nước.

Nhưng điều người dân thất vọng là nhà máy nước sông Đà đã mấy chục lần làm vỡ đường ống nước do thiếu minh bạch, gian dối vật tư nay lại để xảy ra sự cố nước nhiễm bẩn.

"Cử tri chúng tôi muốn TP cho biết công tác quản lý các nhà máy nước nói chung, nhà máy nước sông Đà, sông Đuống nói riêng bằng giải pháp, biện pháp nào? 

Ai chịu trách nhiệm cụ thể để đảm bảo không xảy ra sự cố, đảm bảo nước đúng tiêu chuẩn phục vụ đời sống người dân, tránh để người dân bàn tán là vì lợi ích nhóm" - cử tri Toán nói.

Đại diện cử tri cũng đề nghị TP quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, cắt giảm việc sử dụng than tổ ong, điều chỉnh quy hoạch của TP, không cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng trong nội đô, giãn dân phố cổ...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri 

Trân trọng, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao đổi một số vấn đề mà cử tri quan tâm.

Liên quan đến việc chậm tiến độ các dự án đường sắt trên cao, nhất là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngay sáng nay (15-11), Hà Nội đã có buổi làm việc với các bên liên quan.

Thực tế, dự án này Chính phủ giao cho Bộ GT-VT làm chủ đầu tư. Đến nay, đã 5 lần chậm tiến độ.

Lần gần đây nhất là vào tháng 10-2019, khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp khảo sát đã giao trách nhiệm cho TP Hà Nội phối hợp với Bộ GT-VT rà soát các nội dung thực hiện dự án này để sớm đưa dự án này vào chạy thử nghiệm tiến tới vận hành thương mại chính thức.

Qua rà soát, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn một số vướng mắc nên chưa thể vận hành chính thức.

Cụ thể, để vận hành thương mại, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải tiến hành nghiệm thu, đánh giá về độ an toàn khi hệ thống đưa vào vận hành chứ không phải an toàn của một bộ phận.

Chưa có kiểm định này thì không thể vận hành chính thức được. Để thực hiện kiểm định này, cần có chứng minh về nguồn gốc xuất xứ của các thiết bị tuy nhiên, phía đối tác đang chậm; phía nhà thầu đã hứa sẽ cung cấp sớm, đủ.

Sau khi dự án được nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục liên quan, dự án sẽ chính thức được đưa vào vận hành.

Về sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an tỉnh Hòa Bình cho thấy, không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch sông Đà. Đây là vụ vi phạm về xả thải, không phải hành vi phá hoại.

Sự cố vừa qua là sự việc đáng tiếc. Qua sự việc này, Hà Nội cũng rút kinh nghiệm để phối hợp tốt hơn giữa đơn vị liên quan của TP Hà Nội với tỉnh Hòa Bình trong việc giám sát nhà máy nước sạch sông Đà.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch sông Đà lắp hệ thống cảm biến để sớm phát hiện những vấn đề xảy ra với nguồn nước. Công ty này đã cam kết 3 tháng nữa sẽ lắp xong. Song song với đó, hàng ngày, hàng tuần các cơ quan chức năng (Sở Y tế, nhà máy) vẫn lấy mẫu nước xét nghiệm theo đúng quy trình.

Đề cập đến việc đầu tư, xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để xây dựng nhà máy này, không có lợi ích nhóm ở đây.

Thông tin thêm về việc này, Chủ tịch UBND TP cho biết, vừa qua, một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống.

Chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. “Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.