Chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Phải kiểm định lại "quy trình" bổ nhiệm

ANTD.VN - Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tham nhũng trong công tác cán bộ là nguy hại nhất, là tham nhũng của tham nhũng.

Lâu nay chúng ta đã thấy công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, nhưng dường như hiệu quả của công tác cán bộ chưa được coi trọng, thậm chí nhiều nơi chưa từng được kiểm định cả về quy trình, tiêu chí và về chất lượng cán bộ-sản phẩm của quy trình.

Chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa": Phải kiểm định lại "quy trình" bổ nhiệm ảnh 1Việt Nam không thiếu nguồn tài nguyên nhân lực nhưng hiện đang thiếu một cơ chế trọng dụng nhân tài

Cần kiểm định hiệu quả của người được bổ nhiệm 

Bởi vậy, cần quan tâm kiểm định hiệu quả công tác cán bộ cả về quy trình,  tiêu chí và sản phẩm công tác cán bộ. Theo đó, phải xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá cán bộ một cách khoa học và đề ra cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm minh bạch, công khai, tạo điều kiện cho những người có năng lực, phẩm chất đều có cơ hội được thăng tiến, cống hiến và trưởng thành.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, sàng lọc cán bộ, nhận diện và thanh loại khỏi đội ngũ lãnh đạo những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm việc gì cũng chỉ thu vén lợi ích cá nhân; sàng lọc trước hết đội ngũ làm công tác cán bộ; nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu trong công tác cán bộ khi lựa chọn, đánh giá, xem xét, giới thiệu, bố trí cán bộ không đúng thẩm quyền, hoặc bổ nhiệm cán bộ không tương xứng với vị trí công việc, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm khuyết điểm đến mức phải xử lý.

Để tăng cường chống tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu; khắc phục tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình hình thức, nhưng không bảo đảm chất lượng cán bộ theo quy hoạch; coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, đủ tâm và đủ tầm gánh vác trọng trách, vị trí đầu đàn; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định hoặc lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, cũng như thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức và vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển.

Việc kiểm định hiệu quả công tác cán bộ trước hết đòi hỏi kiểm định bản thân quy trình có đúng đắn và tối ưu không, nhất là có chặt chẽ về hình thức, nhưng còn nhiều kẽ hở hay không? Có bảo đảm độ minh bạch và dân chủ không? Tiếp đó, cần kiểm định các tiêu chí lựa chọn, bổ nhiệm có đầy đủ và phù hợp với vị trí cán bộ sẽ đảm nhiệm hay không? 

Đồng thời, cần kiểm định bản thân cán bộ được bổ nhiệm, dù đúng quy trình, nhưng có đủ thực chất, “có thực tài, thực đức, thực tâm không? Hay là vì quen thân, chạy chọt, vì quan hệ lợi ích. Rồi người nhà, đi sân sau, lợi ích nhóm” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh hay không? Kết quả phù hợp và hoàn thành trên thực tế nhiệm vụ được giao phải là một trong các chỉ tiêu đánh giá quan trọng nhất chứ không phải bởi tập hợp những bằng cấp, danh hiệu thi đua, mà người đó “sưu tầm” được dưới nhiều cách thức khác nhau, dù đúng quy trình….

Đặc biệt, cần kiểm định “giá” của người được bổ nhiệm, nếu có nghi vấn tham nhũng, tiêu cực trong quá trình cất nhắc, đề bạt cán bộ. Khi phải bỏ tiền ra để lo “đầu vào”, thì người “chạy chức, chạy quyền” nhất định phải tìm cách “hoàn vốn đầu tư” và thu lợi nhuận ở “đầu ra”; sau đó, mới tính đến chuyện cống hiến nếu có lương tâm. Mầm mống tham nhũng và méo mó chính sách có cội rễ sâu xa là ở đây.

Hơn nữa, người được bổ nhiệm mà non yếu về trình độ và hẹp hòi về công tâm, thì họ sẽ chỉ lấy và bổ nhiệm tiếp những người cánh hẩu, nhất là non yếu hơn mình vào bộ máy giúp việc, đánh bật người tài ra khỏi bộ máy Nhà nước. Hiệu quả thấp và thiệt hại vì công tác cán bộ khi đó sẽ bị nhân bội, không thể chỉ đo bằng số tiền mà cán bộ tư túi hay gây thiệt hại trực tiếp cho công quỹ và xã hội, mà còn là sự sụt giảm lòng tin, đạo đức, thúc đẩy “tự diễn biến” với hệ lụy toàn diện, kéo dài cả vài thế hệ; làm suy yếu các thể chế, thậm chí mất uy tín chế độ và khối đại đoàn kết dân tộc như một tài sản quốc gia quan trọng nhất hình thành trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc...

Lập cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài

Về tổng thể, cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài đó trong tương lai phải bao hàm những khía cạnh: Tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên, thỏa mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài (lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân...).

Bảo đảm nguyên tắc “người nào - việc nấy”. Không thể để tiếp diễn tình trạng người biết làm việc thì không có việc làm, người làm việc lại không biết cách hoặc làm việc kém hiệu quả. Các quan chức hành chính không thể đứng thay vào vị trí của các nhà khoa học và các doanh nhân thực thụ. Loại hình lao động quản lý làm thuê cần được coi trọng phát triển để đáp ứng nhu cầu về giám đốc cho các công ty cổ phần (kể cả cho các DNNN) tương lai trong nền kinh tế nước ta.

Các thang bậc giá trị xã hội phải có sự thay đổi: Không chỉ các vị lãnh đạo Nhà nước, mà các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, lao động lành nghề, các chuyên gia trong mọi lĩnh vực ngành nghề kinh tế - xã hội đều phải được tôn trọng và được đối xử như nhau trong dư luận xã hội và trong hưởng thụ lợi ích vật chất tương xứng với tài năng và đóng góp có ích cho xã hội của họ.

Phải coi trọng việc phát hiện, lựa chọn và sử dụng đúng những nhân tài đầu đàn, nếu chọn sai đầu đàn thì cả đội ngũ sẽ kém hiệu lực và phát sinh nguy cơ hạ thấp dần trình độ cán bộ, công chức Nhà nước; cần tái lựa chọn liên tục, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá và lựa chọn chứ không phải bằng cấp, học vị, chức tước. 

Tin cùng chuyên mục