Chống tiêu cực, sửa điểm thi THPT bằng chấm chéo, mã hóa phách bài thi trắc nghiệm

ANTD.VN - Các nhà quản lý giáo dục đang tập trung bàn về việc bịt lỗ hổng gian lận thi THPT quốc gia năm tới với nhiều ý kiến đề xuất quay lại chấm chéo và mã hóa phách bài thi trắc nghiệm để tránh lộ tên thí sinh dẫn tới chấm không khách quan.

Tránh lộ tên thí sinh

Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, quá trình tổ chức thi, không riêng Việt Nam, nhiều nước cũng có thể xảy ra sai sót. Do đó, cứ mỗi kì thi qua đi, nên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. “Tôi đề nghị, về mặt kĩ thuật, quy chế, quy định nên có bàn bạc kĩ lưỡng, có điều chỉnh sao cho kì thi diễn ra như mong muốn là nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy được mấy điều: người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh. Trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi” - ông Quốc phân tích.

Vẫn còn sự lỏng lẻo trong các khâu coi thi, chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 (ảnh minh họa)

Theo ông Quốc, để kì thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, cần sự phối hợp một cách chặt chẽ của các cơ quan trong thanh tra, giám sát kì thi. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ một cách nghiêm túc giữa cơ quan Công an, thanh tra thi của Bộ, thanh tra thi của đia phương và nếu làm công tâm thì chắc chắn những hiện tượng tiêu cực sẽ không thể xảy ra.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phân tích, khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, để làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.

Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi thì cũng sẽ nảy sinh tiêu cực. Nên điều quan trọng nhất là trước khi kì thi diễn ra, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao hạn chế tiêu cực ở mỗi khâu.

Trách nhiệm các trường đại học còn hạn chế

Đánh giá về sự phối hợp của các trường đại học trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông Quốc cũng nói rõ: “Bộ nên chỉ đạo để các trường ĐH thấy rằng, việc các trường ĐH về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm của các trường. Tôi có cảm giác 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường đại học, cao đẳng quan tâm đúng mức. Nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi; như vậy sẽ không đảm bảo tính nghiêm túc” - ông Quốc nói.

Bộ nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc phân công cho các trường ĐH làm nhiệm vụ thanh tra ở địa phương, nhất thiết trong các đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một người của Bộ. Các thành viên trong đoàn thanh tra kiểm tra thì rõ ràng khi tác nghiệp, thực hiện công vụ sẽ đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy với xã hội hơn.

Còn theo bà Hằng, để có một kỳ thi tốt quan trọng nhất vẫn là chỉ đạo sát sao của người đứng đầu ngành giáo dục địa phương - giám đốc Sở GD&ĐT. Mặc dù là phân công trách nhiệm cho các phó giám đốc ở các khâu, khâu coi thi, chấm thi, nhưng Giám đốc Sở cũng phải là người chịu trách nhiệm, làm sao để nâng cao nhận thức cho tất cả các hiệu trưởng, những người làm thi của các cơ sở giáo dục cho đến cán bộ các phòng ban sở cho đến giáo viên.

Để ai cũng nhận thức rằng, nếu như chỉ cần  làm sai, tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả kỳ thi và dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội, đặc biệt với học sinh.

Bà Hằng cho rằng vẫn nên có sự phối hợp với các trường đại học, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường đại học của trung ương, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.

Quay lại chấm chéo

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng góp ý: “Để năm 2019 được tốt hơn, việc chấm thi trắc nghiệm theo cụm, hoặc chấm chéo hoàn toàn có thể thực hiện được.

Về chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung sẽ rất thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất, chúng ta chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kĩ thuật xử lý bài thi chéo nhau và chúng ta yên tâm là kết quả chính xác. Thi trắc nghiệm bản thân nó là kết quả luôn chính xác, nếu không có sự can dự một cách có chủ ý của người làm công tác chấm thi” - ông Vĩnh nói.

Về phần tự luận, trước đây, một số năm Bộ đã tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành. Nay nhằm đảm bảo khách quan tuyệt đối, Bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải chấm chéo để đảm bảo khách quan. “Không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an để phát hiện được các hành vi gian dối của cán bộ chấm thi” - bà Phạm Thị Hằng chia sẻ.