Chính quyền phường xã đã hứa xử lý, vi phạm trật tự xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại

ANTD.VN - Mặc dù đã được HĐND TP giám sát, chất vấn nhiều lần song tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang hiện hữu. Trong đó, nhiều nhất là vi phạm tại các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư, tình trạng xây dựng sai mật độ, số tầng, chiều cao... Nhiều vi phạm không được báo cáo đầy đủ với các cơ quan có thẩm quyền, số liệu không chính xác, có biểu hiện của sự bao che...

Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Phạm Văn Đồng

Sáng 25-3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Theo báo cáo của Sở xây dựng, số công trình vi phạm trước năm 2018 còn tồn chưa xử lý, tính đến thời điểm hiện nay còn 80 trường hợp, riêng công trình tồn đọng năm 2015 và năm 2016 là 43 trường hợp; năm 2017 còn tồn 37 trường hợp.

Chưa xử lý xong đã phát sinh vi phạm mới

Giám sát của HĐND TP đã chỉ rõ một số trường hợp vi phạm điển hình. Đơn cử như trường hợp biệt thự xây trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai vào tháng 9/2016… Sau phiên chất vấn kỳ 4 HĐND, công trình vi phạm này được cho là phải tháo dỡ nhưng theo giám sát của HĐND TP mới nhất vào tháng 2-2019, căn biệt thự vẫn bề thế giữa cánh đồng. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà mới nữa đã kịp mọc lên giữa cánh đồng. Dư luận đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay, bao che cho các vi phạm này?

Tình hình vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trên đất nông nghiệp tại ngõ 207 và 271 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cũng được nêu tại phiên chất vấn HĐND TP. Dù UBND phường đã cam kết xử lý nhưng đến nay, ngay khu vực phường dỡ bỏ vi phạm, lại mọc lên vi phạm mới…

Đó còn là những vi phạm từ năm 2017 ở xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn. Hàng nghìn m2 đất công bị biến thành nhà xưởng, bãi trông giữ phương tiện giao thông, hoạt động tấp nập ngay cạnh đường Nhật Tân - Nội Bài... Đến thời điểm tháng 3 năm 2019, vi phạm không được xử lý, thậm chí còn có những công trình mới phát sinh…

Trước những sai phạm đó, HĐND TP Hà Nội đặt vấn đề: Trách nhiệm của Đội quản lý trật tự xây dựng, của chính quyền các cấp ở đâu mà để vi phạm tồn tại quá lâu, không xử lý nổi?

Giám sát của HĐND TP cũng nêu đích danh các công trình vi phạm như: công trình ở địa chỉ số nhà 11A, ngõ 329, phố Cầu Giấy, phường Dịch Vọng xây 6 tầng trên đất nông nghiệp, vẫn trơ trơ; tại tổ 36, cụm 5, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ xuất hiện một số ngôi nhà xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, ngang nhiên bất chấp quy định của pháp luật, coi thường kỷ cương. “Vậy ai dung túng cho những sai phạm này?” - HĐND TP đặt câu hỏi.

Một số công trình vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn

Nhức nhối nhà siêu mỏng, siêu méo, vi phạm đất rừng

Theo HĐND TP Hà Nội, nhiều công trình siêu mỏng siêu méo vẫn tồn tại. Bên cạnh những công trình cũ chưa xử lý được thì từ năm 2016 đến nay, đã phát sinh thêm 21 trường hợp.

Điển hình, tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn thuộc địa bàn quận Cầu Giấy đến thời điểm này vẫn còn 4 công trình siêu mỏng siêu méo tồn tại, gây mất mỹ quan đô thị; Tại tuyến đường từ ngã 3 Ngọc Hồi đi xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ của huyện Thanh Trì cũng xuất hiện công trình siêu mỏng siêu méo được xây dựng mới sau khi mở rộng tuyến đường,  không được UBND huyện cũng như Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo. 

Trên tuyến đường vành đai 2,5, đoạn qua địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai cũng tồn tại công trình có hình dạng gây phản cảm... Rõ ràng, HĐND TP đã nhiều lần giám sát, chất vấn về nhà siêu mỏng siêu méo nhưng kết quả chuyển biến chưa tích cực.

Bên cạnh đó, vi phạm trên đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp vẫn diễn ra nhức nhối dù đã được thành phố hết sức quan tâm, kiểm tra, ban hành nhiều Kết luận xử lý.

UBND TP cũng đã giao trách nhiệm cho Thanh tra TP có kết luận, xử lý các sai phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng việc xử lý các sai phạm trên đất lâm nghiệp không triệt để, dẫn đến một số địa phương vẫn tái phạm, thậm chí ở mức độ và quy mô ngày càng lớn hơn.

Đơn cử, việc xây dựng trái phép trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn đang ở tình trạng báo động. Có thể kể ra nhiều ví dụ như hộ gia đình ông Ngô Văn Cam ở xã Minh Phú, xây dựng nhiều công trình trên đất lâm nghiệp làm khu sinh thái… UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định cưỡng chế năm 2018 nhưng hiện nay công trình vẫn đang tồn tại. 

Có thể khẳng định, sau các phiên chất vấn của HĐND TP, "bức tranh" về quản lý trật tự xây dựng đã có nhiều mảng màu sáng, số công trình có phép đã tăng. Vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng đã giảm, các công trình siêu mỏng... 

Thế nhưng, ở nhiều nơi vẫn thấy lẩn khuất những vi phạm, cho thấy sự buông lỏng quản lý của các Đội quản lý trật tự xây dựng, của chính quyền địa phương. “Phải chăng, trách nhiệm nằm ở khâu tổ chức thực hiện hay còn nguyên nhân, lý do nào khác, rất cần được làm rõ để xử lý dứt điểm?” - HĐND TP đặt vấn đề.