Câu hỏi quá sức trong đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia, thí sinh dễ rơi vào... thế bí

ANTD.VN - Trong đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ở phần Đọc hiểu, câu hỏi trích đoạn trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy được nhiều chuyên gia đánh giá là hay và mới mẻ. Tuy nhiên, có câu hỏi bị cho là quá sức với thí sinh và câu thứ 4 đã có định hướng sẵn câu trả lời.

Câu hỏi mở “bị” định hướng

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên môn Ngữ văn, đại diện cho tổ bộ môn Văn thuộc Hệ thống giáo dục HOCMAI - nhận định rằng, phần đọc hiểu trong đề thi đã lộ rõ vấn đề ngay trong cách diễn đạt yêu cầu của câu hỏi và chưa đúng tính chất của một câu hỏi mở ngay trong câu hỏi, cụ thể như sau:

Trong câu 4 phần Đọc hiểu, câu hỏi “có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không?” là điểm sẽ làm cho thí sinh bối rối, bởi cụm từ “có còn” ít nhiều mang tính định hướng trả lời, đặt ra và chạm tới rất nhiều trăn trở về thực trạng tiềm lực đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bản thân cụm từ “có còn” ít nhiều mang tính định hướng, hỏi nhưng ngầm định hướng ý trả lời, trong khi đây là một câu hỏi mở. Học sinh có thể nhận ra ý nghĩa phủ định/phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực…/tiềm lực còn ngủ yên”. Câu hỏi sẽ phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy, đúng tính chất câu hỏi mở nếu xóa bỏ từ “còn” trong câu hỏi. Khi đó, học sinh sẽ được phép trình bày những suy nghĩ của mình một cách chủ động nhất mà không phải băn khoăn đến yếu tố “định hướng”.

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết

Với thí sinh có quan tâm, chủ động trau dồi kiến thức về sự phát triển kinh tế của đất nước, nhạy bén với vấn đề tiềm lực đất nước thì hoàn toàn có thể hướng tới những bài luận đặt ra vấn đề về “thực trạng” trong tiềm lực - thực tế đánh thức tiềm lực, thậm chí là đề cập đến những vấn đề thời sự nhất của đất nước hiện nay. Vậy, vấn đề đặt ra không phải chỉ ở đề mà sẽ xuất hiện trong đáp án - đáp án có dung nạp, chấp nhận những bài viết sâu sắc với những quan điểm trái chiều của thí sinh hay không?

Có thể khẳng định, câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi năm nay hay, không còn đề cập những vấn đề về nhân cách, đạo đức như các năm trước. Tuy nhiên, nếu chú ý về cách đặt câu hỏi chính xác kỹ lưỡng hơn thì sẽ bớt gây bối rối cho học sinh về tính chất “mở” hay “đóng” của câu hỏi.

Câu hỏi quá sức với thí sinh

Đánh giá chung của tổ bộ môn Ngữ Văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI, trong đề Văn năm nay, ở ba câu hỏi đầu đều không quá khó để thí sinh đưa ra đáp án nhanh, tuy nhiên ở câu thứ 4 về liên hệ với thực tiễn bối cảnh xã hội ngày nay thì có phần hơi quá sức với các em.

Thứ nhất, ngay trong vấn đề đặt ra của câu hỏi là “tiềm lực” đã nói lên một khái niệm rộng không chỉ bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn là tiềm lực thuộc về con người, khi thực trạng tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, nghèo nàn thì chỉ còn “con người” mới chính là tiềm lực chủ yếu để vực dậy đất nước.

Ví dụ: Nhật Bản và Israel - hai nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên gì nhưng vẫn vươn lên giàu mạnh, tiềm lực của họ là gì và cách họ sử dụng tiềm lực ra sao? Chúng ta vẫn luôn tự hào và dạy dỗ cho trẻ từ nhỏ là “đất nước ta rừng vàng biển bạc” nhưng thực tế ta đã và đang làm gì cho xứng đáng với tiềm lực đó.

Thứ hai, đây là một câu hỏi với đề tài khá mới mẻ và nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, học sinh phải tự ứng biến linh hoạt để trả lời câu hỏi, bên cạnh đó các em còn phải liên hệ được bối cảnh ra đời của bài thơ với bối cảnh thực tiễn xã hội mình đang sống. Từ đó đưa ra những so sánh, nhận định và quan điểm của bản thân. Đây là thách thức đối với thí sinh khi phải có kiến thức tổng hợp mới có thể giải quyết vấn đề.

Thứ ba, trong câu hỏi “trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước…” ở phần làm văn thì ngay trong chủ đề của câu hỏi là “đánh thức tiềm lực” cũng đã khiến học sinh dễ dàng vấp phải cảm giác "bất khả thi" trước tình hình cụ thể đang hiện hữu của cuộc sống hiện tại, khi mà: đất đai tự nhiên đang bị thu hẹp; môi trường ô nhiễm; rừng bị tàn phá; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá độ … Với yêu cầu này của đề bài, có thể xuất hiện hai dạng bài của thí sinh: Những bài viết trình bày bài học chung chung về nhiệm vụ, sứ mệnh cá nhân với đất nước và những bài làm chạm tới những vấn đề nhiều chiều trong thực trạng tiềm lực của đất nước.

Thế nhưng, với câu hỏi mở “bị” định hướng như đã nêu trên, liệu thí sinh có dám thẳng thắng trình bày quan điểm của mình về trí tuệ, lương tri và trách nhiệm? Liệu rằng các em có dám viết theo đúng suy nghĩ của các em hay không, hay sợ rằng mình chỉ là một cá thể nhỏ bé có nói ra cũng không thay đổi được gì, nên lựa chọn giải pháp viết an toàn.

Nhìn chung, đề thi môn Ngữ Văn THPTQG 2018 đã đặt ra những vấn đề nóng, mang tính thời sự nhưng cũng hơi đánh đố và quá sức đối với thí sinh, để làm bài tốt các em phải thực sự hiểu tác phẩm, bối cảnh lịch sử và kiến thức thực tế.