Cập nhật giá thị trường hàng ngày để đền bù, hỗ trợ phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

ANTD.VN - Văn phòng UBND TP cho biết, tại cuộc họp trực tuyến UBND Thành phố với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; phòng, chống dịch sởi, sốt xuất huyết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học trên địa bàn Thành phố,  Chủ tịch UBND Thành phố đã kết luận chỉ đạo cụ thể nhiều phần việc quan trọng...

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các đơn vị kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, chuyển giao thiết bị cho các địa phương (còn thiếu) để phục vụ công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Về cơ chế giá lợn hơi hiện nay thấp hơn giá đền bù: giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cập nhật, công bố thông tin giá thị trường lợn hơi, thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã qua hệ thống thư điện tử trước 10h sáng hàng ngày làm căn cứ lập biên bản, xác định mức bồi thường cho người dân có lợn bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, đồng thời thông báo rộng rãi, công khai cho người dân biết, không để vi phạm quy trình xử lý việc đền bù hỗ trợ. 

Giao UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh bệnh dịch trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về bệnh dịch để người dân biết. Khi có bệnh dịch xuất hiện, lợn có biểu hiện bị sốt, phải báo ngay chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn), cán bộ thú y; khẩn trương lấy ngay mẫu xét nghiệm. 

Khi phát hiện ổ dịch, triển khai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống, xử lý bệnh dịch, xác định nguồn gốc lây lan, không để lây lan ra diện rộng. Thực hiện ngay các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh dịch theo đúng quy trình, thủ tục; tổ chức thực hiện chốt, chặn, kiểm soát toàn bộ đường ra vào nơi diễn ra ổ dịch trong vòng 30 ngày, sau đó mới công bố hết dịch.

Đối với những địa bàn và các cơ sở chăn nuôi lợn chưa phát hiện bệnh dịch: Các địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị phổ biến các biện pháp chăm sóc đàn lợn đúng quy trình, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; tập trung thực hiện các giải pháp về môi trường, vệ sinh chuồng trại, kiểm tra các nguồn thức ăn; tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin không “tẩy chay” thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn. 

Diệt bọ gậy, lăng quăng phòng sốt xuất huyết

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế là đầu mối hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền về cách phát hiện và các biện pháp phòng chống dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, yêu cầu các chủ động đưa con em đi tiêm đầy đủ (kể cả những đối tượng trong diện tiêm chủng đang tạm trú trên địa bàn).

Các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học chủ động phối hợp chặt chẽ các đơn vị y tế trong việc triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các đơn vị y tế trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết (tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không được để dịch bùng phát, lan rộng)...

UBND quận, huyện, thị xã phát động phong trào và triển khai thực hiện tới các tổ dân phố, các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, công trường xây dựng triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi ngay từ tháng 3/2019; đảm bảo kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác phòng chống dịch.

Giám sát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trường học

Về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, Chủ tịch UBND TP giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu các tổ chức, đơn vị, tập thể, cá nhân cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống cho các trường học phải công bố công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho Ban Giám hiệu và giáo viên; mời cha mẹ học sinh cùng tham gia giám sát thực phẩm cung cấp cho nhà trường để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ tại các bữa ăn bán trú trong nhà trường.

Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm phải thông báo ngay cơ quan y tế tại địa phương và Sở Y tế để có biện pháp xử lý, phân luồng người bệnh điều trị, tuyên truyền, động viên kịp thời để người nhà, phụ huynh bình tĩnh phối hợp cơ quan y tế trong xử lý ngộ độc thực phẩm...

Tin cùng chuyên mục