Cần kiểm soát chặt và xử lý nghiêm đối tượng "ngáo đá"

ANTD.VN - Ngày 13-7, CATP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới - Thực trạng và giải pháp”. 

Tham dự và chỉ đạo cuộc hội thảo có Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy; Viện Khoa học kỹ thuật hình sự và đại diện một số cục chuyên môn của Bộ Công an. 

Về phía CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội (chủ trì), các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP và đại diện các phòng, ban, Công an các quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn Thành phố.

Tham dự hội thảo khoa học có đại diện Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp và một số ban, ngành của Thành ủy, UBND - TP cùng đại diện một số cơ sở y tế của Thủ đô...

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

“Ngáo đá” ngày càng phức tạp

Khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ: “Những năm gần đây, tệ nạn ma túy ở nước ta, trong đó có Hà Nội có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt, ma túy tổng hợp (MTTH) đã và đang phát triển rất nhanh, dần thay thế các loại ma túy truyền thống...”.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh: "Phải coi ngáo đá là tội phạm..."

Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và TP Hà Nội đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, kế hoạch hành động, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý số đối tượng “ngáo đá” vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.

Thiếu tướng Bạch Thành Định phát biểu tại hội thảo

Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định: “Cuộc hội thảo này đưa ra những luận cứ khoa học và thống nhất nhận thức, cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối với đối tượng “ngáo đá”. Mặt khác, đưa ra những dự báo khoa học và đề xuất những biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, xử lý đối tượng sử dụng MTTH trong thời gian tới”.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhận xét: "ngáo đá" thường rơi vào độ tuổi

sung sức nhất

Làm rõ hơn yêu cầu phải tiến hành cuộc hội thảo, Thiếu tướng - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bạch Thành Định, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khái quát, tình trạng sử dụng MTTH, các chất hướng thần mới có biểu hiện “ngáo đá”, rồi gây ra các hành vi vi phạm pháp luật khác đang diễn biến phức tạp. Vì thế, với cuộc hội thảo này CATP Hà Nội mong muốn các báo cáo khoa học sẽ phản ánh một cách khách quan, toàn diện tình hình “ngáo đá”; những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý số các đối tượng trên địa bàn Thủ đô và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc ấy.

Các đại biểu tham dự hội thảo

"Ngáo đá" thường rơi vào độ tuổi sung sức nhất

Về thực trạng “ngáo đá” hiện nay, Thiếu tướng - Tiến sỹ Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: “Thống kê cho thấy, số đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” trên địa bàn Hà Nội nằm trong danh sách quản lý giảm mạnh trong một vài năm gần đây”.

Phân tích kỹ vấn đề này, Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh, sở dĩ số lượng đối tượng “ngáo đá” giảm mạnh là vì sau khi lập danh sách cụ thể, CATP đã tập trung các biện pháp, đối sách quản lý, phòng ngừa, xử lý, giải quyết “mạnh tay” như: đưa đi cai nghiện bắt buộc; vận động cai nghiện tự nguyện; buộc đi chữa bệnh tâm thần; bắt khởi tố... và có một thực tế là các đối tượng “ngáo đá” chủ yếu từ 18 đến 40 tuổi, đây là độ tuổi sung sức nhất của đời người.

Sử dụng MTTH và “ngáo đá” thường có các biểu hiện ảo giác, loạn thần dẫn đến những hành vi nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ việc phạm pháp hình sự do đối tượng sử dụng MTTH và các chất hướng thần mới gây ra.

Bàn về công tác quản lý đối tượng “ngáo đá”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản cho biết, CATP đã rà soát, lập hồ sơ 251 đối tượng “ngáo đá”. Trong đó, bắt khởi tố 26 đối tượng; đưa đi cai nghiện bắt buộc 6 đối tượng; vận động đưa đi cai nghiện tự nguyện 28 đối tượng; buộc chữa bệnh tâm thần 18 đối tượng; chết 3 đối tượng; loại khỏi danh sách 155 đối tượng và hiện chỉ còn 5 đối tượng trong diện quản lý.

Nhìn lại công tác quản lý đối tượng sử dụng MTTH trong thời gian qua, CATP Hà Nội luôn là một trong những đơn vị đi đầu toàn quốc về chủ động nắm tình hình và áp dụng các biện pháp, giải pháp cụ thể để phòng ngừa đối tượng “ngáo đá”. Dù vậy, Thiếu tướng Đinh Văn Toản đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, quá trình lưu giữ đối tượng nghiện và không xác định được người nghiện dẫn đến khó thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý, đồng thời cũng chưa có phác đồ điều trị đối với người nghiện MTTH.

Cuộc hội thảo khoa học chỉ diễn ra trong nửa ngày, song CATP nhận được  nhiều tham luận của các sở, ngành và các đơn vị liên quan. Phần thảo luận các vấn đề chỉ mang tính tình huống, nhưng cũng đã nhận được không ít câu hỏi trong quá trình xử lý đối tượng “ngáo đá”…

Phải nhận thức đầy đủ về “ngáo đá”

Tham dự và chỉ đạo tại cuộc hội thảo khoa học, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đánh giá cao về công tác chuẩn bị cũng như chất lượng cuộc hội thảo của CATP Hà Nội. Viện dẫn một số vụ trọng án xảy ra thời gian gần đây, ở một số địa phương, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát nhìn nhận phần lớn đối tượng trong các vụ đó có liên quan đến MTTH. “Nếu không nhận thức đầy đủ về MTTH và “ngáo đá” thì các loại tội phạm liên quan sẽ ngày càng phức tạp” - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Trong các giải pháp nêu ra tại cuộc hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát  nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền và điều tra cơ bản. Phải làm cho mọi người trong xã hội biết sợ hãi tác hại của ma túy và “ngáo đá” thì mới ngăn chặn được tình trạng này. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc kỳ vọng, sau Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng có những cuộc hội thảo tương tự và ở các lĩnh vực phòng chống tội phạm khác.

Tổng kết cuộc hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương đánh giá những ý kiến chỉ đạo và đóng góp của các đại biểu đều rất hữu ích và CATP Hà Nội sẽ tập hợp, kiến nghị với Bộ Công an, Quốc hội và Chính phủ bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đối tượng sử dụng MTTH. Hội thảo đã cơ bản thống nhất khái niệm và nội hàm xoay quanh “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới”.

Giám đốc CATP đã tổng kết sơ bộ về 5 dấu hiệu đặc trưng của các đối tượng “ngáo đá” và phân tích hàng loạt những cơ sở thực tiễn cũng như tính chất nguy hiểm trong hành vi của người loạn thần do sử dụng MTTH. “Đã đến lúc cần phải coi “ngáo đá” là tội phạm để xử lý theo pháp luật” - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh!

Cần kiểm soát chặt và xử lý nghiêm đối tượng "ngáo đá" ảnh 6

Trung tá Nguyễn Minh Cương (Phó Phòng 5 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an)

 Các chất hướng thần mới đã trở thành vấn đề toàn cầu

Báo cáo của Văn phòng Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm cho thấy, từ năm 2009 đến 2014, có 324 chất hướng thần mới (NPS), nâng tổng số loại chất này lên 541 loại và thực tế là đến nay con số này đã lên tới hơn 600 chất.

Với việc sử dụng bất hợp pháp, các chất NPS tác động rất tiêu cực đến sức khỏe con người, gây ra tác hại không khác gì các chất ma túy trong danh mục quản lý như: cần sa, cocaine, MDMA hay Methamphetamine… Thậm chí, có những chất còn tác động tiêu cực mạnh mẽ và nguy hiểm hơn đến sức khỏe con người.

Một điều rất nguy hại hơn nữa là các chất hướng thần mới đang gia tăng và trở thành vấn đề toàn cầu. Để phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển lan rộng của MTTH cũng như các chất hướng thần mới tại nước ta, cần phải thực hiện các giải pháp cấp bách. Cụ thể là các cơ quan chuyên trách về phòng chống ma túy phải phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với các lực lượng quốc tế để ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nội địa; tăng cường công tác nắm tình hình và dự báo về các loại MTTH; đẩy mạnh nghiên cứu phác đồ điều trị cho người “ngáo đá”; đẩy mạnh hoạt truyền thông sâu, rộng và điều tra cơ bản để nắm chắc đối tượng sử dụng NPS.   

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chiến (Phó Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy - Viện KHKT Hình sự Bộ Công an)

Lợi dụng kẽ hở pháp luật để sản xuất ma túy

Thông qua công tác khám nghiệm và giám định các vụ án về ma túy, lực lượng Kỹ thuật hình sự Bộ Công an đã phát hiện một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất MTTH và chất hướng thần chưa có trong danh mục chất ma túy. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước.

Bên cạnh đó, các đối tượng sản xuất ma túy còn không ngừng quảng cáo  những chất kích thích chúng cung cấp ra không gây nghiện cho người sử dụng, càng kiến tình trạng “ngáo đá” thêm trầm trọng. Trong khi ấy, đối với một số loại chất hướng thần mới khi phân tích bằng các phương pháp thông thường lại cho ra kết quả âm tính. Thực tế này cho thấy những chất ma túy đó đã vượt qua khả năng giám định của lực lượng giám định ma túy ở một số địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lập (Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Sở LĐTB&XH TP Hà Nội)

Không được giúp đỡ, người sau cai nghiện rất dễ buông xuôi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ rõ, điều trị cai nghiện ma túy là một phương pháp tiếp cận toàn diện, kéo dài qua một loạt các hoạt động can thiệp cụ thể cho tới khi đạt được kết quả cao nhất về thể chất và tâm thần. Như vậy có thể thấy, cai nghiện ma túy có thể điều trị được, nhưng đó là một quá trình lâu dài và chưa xác định được điểm kết thúc. 

Hiện nay, chúng ta đang áp dụng 2 giai đoạn trong quá trình cai nghiện ma túy là cai nghiện và quản lý sau cai, tương ứng với các khoản thời gian là 2 năm và 5 năm. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, người sau cai nghiện cần tiếp tục được quản lý lâu dài trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Trong giai đoạn này, người cai nghiện ma túy thường gặp rất nhiều khó khăn và nếu không được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời thì họ sẽ rất dễ buông xuôi, đồng thời sẽ tái sử dụng ma túy.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương)

Dấu hiệu nhận để biết đối tượng “ngáo đá”

Những dấu hiệu cơ bản của một người “ngáo đá” có thể được nhìn nhận ở một trong hai hoặc cả hai triệu chứng là lâm sàng và hành vi. Cụ thể, về lâm sàng người “ngáo đá” bị rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, ớn lạnh, giãn đồng tử, kích thích tâm thần vận động hoặc co giật… Về hành vi, người “ngáo đá” thường bị rối loạn các hành vi chức năng hoặc rối loạn tri giác. Theo đó, họ thường bị ảo giác, ảo thị, ảo thanh và ảo xúc rác.

Tiếp đến là nói nhiều, tự cao, lo âu, đa nghi, kích động, bồn chồn, tăng hoạt động, rập khuôn một hành động nào đó; tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và sau nữa là hoang tưởng với hai khuynh hướng đối lập nhau là hoang tưởng tự cao (có nhiều tài năng) hoặc hoang tưởng bị hại là bị người khác làm hại.