Cân bằng giữa an ninh y tế - kinh tế để chống dịch thành công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới chống dịch với mục tiêu vừa chống dịch thành công, vừa phải tìm cách khôi phục nền kinh tế. Duy trì sự cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội, không để nền kinh tế đứt gãy đang là thách thức mà chúng ta phải vượt qua.

Cân bằng giữa an ninh y tế -  kinh tế để chống dịch thành công ảnh 1Dù khó khăn bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì hoạt động

Việt Nam - “Điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng và khả năng nhiều nước có thể sẽ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm sáng và đà phục hồi kinh tế thế giới đang bị chặn lại. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế thế giới tiếp tục “thấm đòn” đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ giảm 4%, khoảng 3,4 nghìn tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Canada và Australia cộng lại. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị điều chỉnh hạ xuống.

2 năm trước đây, nước Mỹ từng đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Giờ đây, chính Mỹ lại bị xem là nguyên nhân đe dọa kéo kinh tế thế giới đi xuống. Theo con số thống kê mới nhất, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 33% trong quý II năm 2020, số liệu kém nhất kể từ năm 1947.

Covid-19 cũng đánh quỵ̣ kinh tế nhiều nước châu Âu. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31-7 vừa qua, GDP quý II năm nay của 19 nước trong khối đồng tiền chung châu Âu đã giảm 12,1% so với quý I. Đây là mức sụt giảm nặng nề nhất kể từ năm 1995, khi Eurostat bắt đầu thống kê lĩnh vực này. Đi vào cụ thể, GDP của Pháp giảm ở mức kỷ lục tính từ năm 1949 là 13,8%. Tuy nhiên, suy thoái nặng nhất là Tây Ban Nha, GDP giảm 18,5% so với quý I. Tỷ lệ sụt giảm GDP của Italy và Đức lần lượt là 12,4% và 10,1%. 

Ở châu Á, kinh tế Nhật Bản chưa có dấu hiệu thoát khỏi suy thoái. Văn phòng nội các Nhật Bản nhận định, GDP thực tế của nước này có thể giảm 4,5% trong năm tài khóa 2020 (từ đầu tháng 4-2020 đến cuối tháng 3-2021). Dù được coi là có mức giảm thấp nhấp trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong quý II đã giảm 3,3%.

Trong bối cảnh đó, việc kinh tế Việt Nam vẫn chịu đựng tốt dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), là tín hiệu tích cực tạo niềm tin trong dư luận. Theo dự báo mới nhất của WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 122,79 tỷ USD, tăng 0,2%, thặng dư thương mại tới 5,46 tỷ USD.

Nhiều nhà phân tích nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế có triển vọng “sáng nhất” của châu Á, bất chấp thách thức và tác động từ đại dịch. Theo chuyên gia S.D. Pradhan, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng hoảng thương mại do đại dịch Covid-19 gây ra. Còn Tạp chí Nhà kinh tế thì nhận định, Việt Nam là lựa chọn tối ưu của các nhà đầu tư, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. 

Chủ trương lớn “không để đứt gãy nền kinh tế”

Mặc dù thành công trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, nhưng cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam vẫn có khả năng bị tổn thương do đại dịch bởi vaccine phòng dịch vẫn chưa ra đời. Sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng rồi lan sang một số địa phương là lời cảnh báo rằng “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19 còn rất gian nan.

Và dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương nhưng tác động của dịch bệnh cũng hết sức nặng nề. Trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu người lao động mất việc, khoảng 17 triệu người giảm thu nhập do dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46 %. Việc chúng ta tiếp tục đưa đồng bào ở các nước về Việt Nam trên tinh thần “máu chảy, ruột mềm” cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phòng, chống dịch bệnh và tỷ lệ thất nghiệp của nước ta.

Trong khi đó, những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, gồm sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước, đang bị yếu đi. Hai động lực trên vốn đóng góp đến hơn 75% cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong các năm 2016-2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó có thể hy vọng hai động lực đó sẽ sớm phục hồi, nhất là sức cầu nước ngoài bởi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính vì thế, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội có vai trò quyết định đưa thành công của nhiệm vụ chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài. Muốn vậy, chúng ta phải duy trì sự cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội. Chống dịch kiên quyết nhưng cũng không thể để kinh tế đổ vỡ.

Phát biểu trong các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định tinh thần chống dịch thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch. Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu cao chủ trương chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình, mỗi thôn, bản, làng xóm là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng cũng nhắc nhở “không thái quá, không ngăn sông cấm chợ, không được công bố cách ly xã hội mà chưa có các phương án phù hợp, chưa có ổ dịch xuất hiện”.

Thực hiện tốt các biện pháp đó sẽ góp phần vào thành công của chủ trương lớn “không để đứt gãy nền kinh tế” mà chúng ta đang phấn đấu. Phát biểu trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ cần thảo luận thêm những biện pháp để giữ vững số doanh nghiệp đăng ký mới không đổ gãy bởi đây là một yêu cầu rất lớn, đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất kinh doanh lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp trên nhiều khu vực khác nhau từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng Bắc bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ để thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, một khối lượng vốn đầu tư giải ngân tăng kỷ lục trong tháng bảy, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển.