Bộ trưởng Tô Lâm: Không tăng biên chế Bộ Công an khi sửa đổi Luật Công an nhân dân

ANTD.VN - Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật CAND (sửa đổi) cam kết sẽ không tăng biên chế trong ngành Công an khi sửa đổi Luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp UBTVQH

Tiếp tục chương trình làm việc, hôm nay, 10-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật CAND (sửa đổi). Qua thảo luận, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến băn khoăn tại dự luật này là: Việc chính quy hoá lực lượng Công an xã có khiến bộ máy chính quyền cấp xã nặng nề thêm? Biên chế ngành Công an có tăng? Ngân sách chi cho ngành có tăng?...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại việc trước đây, khi trình dự án Luật CAND (sửa đổi), Chính phủ đã cam kết không tăng biên chế, không tăng ngân sách. “Vậy bây giờ Chính phủ có đảm bảo thực hiện đúng như báo cáo đánh giá tác động hay không?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật CAND (sửa đổi) giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Ban soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ, cam kết với Chính phủ và Chính phủ sẽ cam kết với Quốc hội là sẽ không tăng biên chế.

Theo Bộ trưởng, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định và làm được việc này. “Trong Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đã cho phép lực lượng CAND được giữ biên chế như hiện nay đến năm 2021. Hiện nay, Bộ Công an đang trong quá trình triển khai Nghị định 01 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an thì cũng hoàn toàn duy trì được điều này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về bố trí biên chế Công an ở các cấp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện tại, biên chế ở Bộ là 21-22%, tinh thần là tới đây sẽ tính toán để giảm biên chế ở Bộ xuống còn khoảng 15% và theo lộ trình, kế hoạch, 85% biên chế còn lại là ở các địa phương. Trong số 85% ở địa phương thì cấp tỉnh khoảng 30%, huyện khoảng 30%, còn lại ở xã...

Về nội dung chính quy hóa lực lượng Công an xã, giải trình băn khoăn từ Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật CAND (sửa đổi) lần này đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở có đánh giá, tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Công an xã. Đây là thời điểm để nâng cấp Pháp lệnh Công an xã, đưa những vấn đề thuộc phạm vi của Công an chính quy mà Luật CAND đã quy định vào.

“Đã Công an là phải chính quy, từ Trung ương đến địa phương, chứ không có khái niệm Công an không chính quy thì rất khó trong hoạt động thực tế, thực thi pháp luật và làm việc với nhân dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nêu.

Về ý kiến Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi chính quy hoá lực lượng Công an xã sẽ khiến chính quyền cấp xã nặng nề thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng đã có các phương án tách riêng để không làm nặng nề, can thiệp vào chính quyền địa phương nhưng hầu như không địa phương nào ủng hộ. Họ nói Công an thì phải gắn với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Mặt khác, nhiều lãnh đạo địa phương khẳng định, nếu phường, xã không có Công an thì rất khó hoạt động trong thực tế. “Ở phường, xã, rất nhiều nơi cơ cấu cán bộ Công an vào cấp uỷ. Thậm chí nhiều nơi Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng Công an xã, và không làm nặng nề thêm” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.