Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài thêm 2 năm

ANTD.VN -Sáng 5-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết 30/2016/QH14 của Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) về nội dung này.

Theo Báo cáo thẩm tra, trên cơ sở xem xét, đánh giá Báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết), UBQPAN nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khá đầy đủ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm kể từ ngày 1/2/2019.

Về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện, UBQPAN nhận thấy, ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương và tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo để kịp thời thi hành Nghị quyết theo đúng thời gian Quốc hội giao. UBQPAN đánh giá cao việc tổ chức triển khai và kết quả thi hành Nghị quyết.

Quang cảnh phiên họp

Cũng theo UBQPAN, việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực về đối ngoại, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể:

Về đối ngoại, tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và du lịch. Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử được các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam đánh giá tích cực, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố quan hệ ngoại giao của nước ta với các quốc gia.

Về kinh tế - xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng; thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong thủ tục xuất, nhập cảnh của Việt Nam.

An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử đảm bảo chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm an ninh, an toàn; phòng ngừa từ xa, không để lọt các trường hợp người nước ngoài thuộc diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, UBQPAN cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Do vậy, UBQPAN đề nghị phân tích, làm rõ thêm một số nội dung:

Đánh giá rõ hơn hiệu quả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; về nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý?

Danh sách các nước có công dân thuộc diện thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử đã phù hợp với nhu cầu thực tiễn chưa? Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc thí điểm cấp thị thực điện tử đã đảm bảo thông suốt?...

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, UBQPAN cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.

Tin cùng chuyên mục