Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Để những nhân vật như Khá "Bảnh" ảnh hưởng đến học sinh thì rất nguy hiểm

ANTD.VN - Vấn đề bạo lực học đường đã được một số đại biểu Quốc hội đề cập, phân tích từ nhiều góc độ vào sáng nay. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng nhắc đến vấn đề này.

ĐBQH Tô Văn Tám góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay, 4-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách để thảo luận các dự án luật, gồm: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự án Luật Đầu tư công. 

Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), ĐB Tô Văn Tám – đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị, luật cần thể hiện nguyên tắc về sự chuyển đổi căn bản trong phương pháp dạy học, từ chỗ để người thầy làm trung tâm thì phải đưa người học trở thành trung tâm, để "sửa chữa" lại những hiện tượng học sinh chán nản, thiếu lý tưởng sống trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Theo ĐB Tô Văn Tám, công tác giáo dục hiện nay đang gặp phải thách thức và những vấn đề đặt ra như thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực học sinh mà chưa có cách khắc phục. Nhìn nhận căn nguyên của các hành vi này thì có thể thấy một phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên và trách nhiệm của gia đình, xã hội.

Nguyên nhân có thể do gia đình chưa quản lý chặt chẽ và những hiện tượng xảy ra hàng ngày trong xã hội, những hành động, lời nói đã làm tổn thương đến lòng tôn kính của học sinh. Ngoài ra, đó là sự phân hóa giàu nghèo đã tạo ra những hệ quả khó kiểm soát như: sự kỳ thị, bạo lực học đường…

“Có nhiều phương pháp để khắc phục hạn chế trên, trong đó nền giáo dục sẽ làm dịu đi những xung đột, hàn gắn tổn thương bằng việc công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử. Người thầy có vai trò quan trọng trong hàn gắn này. Học sinh phải cảm nhận được quyền học tập, quyền được tôn trọng và không phân biệt đối xử. Các em phải được học tập trong môi trường giáo duc an toàn, lành mạnh” – ĐB Tô Văn Tám nói.

Ngoài ra, ĐBQH này cũng cho rằng, cần làm rõ cơ hội học tập là bình đẳng với mọi học sinh, mọi người học đều bình đẳng và không được phân biệt đối xử trong học tập, giáo dục. Quy định này cần được bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), qua đó sẽ giúp phòng chống bạo lực học đường hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên lề hội nghị

Cũng nhìn nhận chất lượng giáo dục dưới góc độ chất lượng đội ngũ giáo viên, ĐB Phạm Văn Hòa – đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Thế nhưng thực tế hiện nay, trong tuyển sinh ngành sư phạm, có trường lấy từ 14-15 điểm, thấp hơn điểm của một số trường đại học khác.

“Tuyển giáo viên cứ sàn sàn như hiện nay thì 5-10 năm nữa chất lượng giáo dục liệu có nâng cao?”- ông Hòa đặt câu hỏi.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh là việc đã được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để ngăn chặn bạo lực học đường, vai trò của giáo viên chủ nhiệm quan trọng, bởi các cháu yếu thế thì phải dựa vào các thầy, các cô. Việc giáo dục cũng cần rất nhẹ nhàng, không rầm rộ, vì giáo dục đạo đức lối sống, ứng xử tốt thì phải dần dần từng bước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng ủng hộ sáng kiến "nói không" với bạo lực học đường bằng sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là sự ủng hộ, hưởng ứng của các ngôi sao trong giới nghệ thuật, những người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá…

"Những người nổi tiếng hay ngay cả những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi "nói không" với bạo lực học đường là giải pháp tốt. Trẻ con chịu ảnh hưởng nhiều từ những tấm gương tốt, những thần tượng tốt. Nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến học sinh thì rất nguy hiểm như Khá “Bảnh” vừa rồi" – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.