Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK, vậy 16 triệu USD vay ngân hàng dùng vào việc gì?

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK vậy số tiền từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới 16 triệu USD để đầu tư công việc này được Bộ sử dụng vào việc gì?

Theo Bộ GD-ĐT, kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (tính theo tỷ giá hiện hành khoảng 1.800 tỷ đồng). Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD được thiết kế để Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK).

Tuy  nhiên, Bộ GD-ĐT đã không tiến hành biên soạn sách giáo khoa mới như kế hoạch ban đầu.

Điều này khiến nhiều người băn khoăn, số tiền lớn như vậy sẽ được Bộ sử dụng như thế nào?

Bộ GD-ĐT giải trình về số vốn vay 16 triệu USD biên soạn sách giáo khoa

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho hay, 16 triệu USD là tổng kinh phí được thiết kế dành cho việc biên soạn SGK bao gồm kinh phí tổ chức cho việc biên soạn, tiền trả công cho tác giả biên soạn tất cả các môn học/hoạt động giáo dục, tiền hội thảo, thẩm định, thử nghiệm, góp ý,…

Ngoài ra, có cả một số phần kinh phí dành cho dịch sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị, dịch sách song ngữ tiếng dân tộc thiểu số...

Theo ông Thanh, bất cứ dự án ODA nào, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định vay vốn, sổ tay thực hiện dự án các cấu phần cụ thể với nguồn kinh phí tương ứng.

Trong quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Để giải ngân được, phải xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm theo đúng thiết kế ban đầu... Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện và tuân thủ quy trình quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, WB.

Cũng theo Bộ GD-ĐT Việc Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn SGK theo thiết kế ban đầu của Dự án và đã tổ chức việc biên soạn SGK theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản kinh phí này và đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới như: biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng khoảng 900.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; mua SGK cho thư viện của các trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học. Các nội dung này hiện trong thiết kế trong dự án nhưng so với nhu cầu của thực tiễn thì thiếu nhiều.

 “Số tiền thiết kế 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được Ngân hàng Thế giới giải ngân. Chứ không phải là Bộ GD-ĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm sách giáo khoa thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới”, ông Thành cho biết thêm.