Bí thư Thành ủy Hà Nội: Công nghiệp Thủ đô cần phát triển hơn nữa mới xứng với tiềm năng

ANTD.VN - Được đánh giá là có tiềm năng, thế mạnh về phát triển công nghiệp so với nhiều địa phương khác song Hà Nội chưa khai thác hết những lợi thế này để phát triển mạnh mẽ hơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương Sở Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác

Ngày 13-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội.

Báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy về hình hoạt động của ngành công thương TP trong 8 tháng đầu năm 2018, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, 8 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,5%).

Một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất đồ uống (tăng 17,2%), sản xuất da và sản phẩm liên quan, tăng 16,6%, sản xuất sản phẩm từ cao su tăng 11%...

TP Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.301ha, trong đó có 8 khu công nghiệp cơ bản đã lấp đầy, riêng khu công nghiệp phía Nam Hà Nội (77ha) chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh.

Về cụm công nghiệp, toàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, 73 cụm vừa được bổ sung mới và 16 cụm tồn tại từ nhiều năm. Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Về hoạt động xuất khẩu, trung bình 2 năm 2016-2017 tăng 6,04%. Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9.160 triệu USD, tăng 19%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,5%). Ước cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng trên 10%, vượt mức chỉ tiêu HĐND TP giao (tăng 7,5-8%).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội vẫn còn nhập siêu đến 140%, gia công vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu, hệ thống phân phối; Đầu vào, đầu ra sản phẩm vì vậy chưa bền vững.

Về nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2018, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các hoạt động công nghiệp, thương mại của thành phố sẽ chuyển dịch để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương lãnh đạo, cán bộ Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung Ương, Thành ủy, chú ý bồi dưỡng Đảng viên mới trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển năng lượng, thương mại, an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, Sở Công Thương Hà Nội còn rất nhiều mục tiêu phải phấn đấu. Bí thư Thành ủy chỉ rõ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay tăng 19% nhưng con số này chưa phản ánh hết tiềm năng của Thủ đô, tỷ trọng xuất khẩu chưa phát huy được lợi thế.

“Với vị trí và lợi thế của Thủ đô thì con số trên chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu, doanh nghiệp FDI vẫn chiếm trên 50%. Chúng ta có 1.350 làng nghề nhưng tỷ trọng xuất khẩu rất nhỏ. Những mặt hàng xuất khẩu lợi thế như: điện tử, máy tính… cần được nâng cao tỷ trọng”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính của Sở Công Thương chưa đạt yêu cầu, dịch vụ công trực tuyến mới đạt 20%, thấp hơn mức trung bình của TP, nên cần rà soát lại thủ tục, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hơn nữa để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Sở Công Thương đã đề xuất TP cơ chế phát triển các khu công nghiệp, nhưng như vậy vẫn chậm vì bây giờ đã là giữa nhiệm kỳ. Để triển khai các khu, cụm công nghiệp này còn muôn vàn khó khăn, nếu không quyết liệt thì không thể làm được.

"Sở phải quyết liệt hơn nữa mới tháo gỡ khó khăn được cho doanh nghiệp. Trước đây công nghiệp của Hà Nội rất phát triển, nhưng từ khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008), thì công nghiệp sụt giảm do giá đất quá cao, kể cả ở các vùng ngoại thành. Sở Công Thương cần đề xuất những giải pháp căn cơ hơn”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc quan tâm phát triển năng lượng, đưa vào các dự án điện mới để tận dụng nguồn vốn được điện lực quốc gia rót về;

Cần phát triển mạng lưới chợ nói chung và nghiên cứu mô hình chợ nông sản ở nông thôn nói riêng. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm để không chỉ bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô.