Bão Mangkhut đổ bộ Trung Quốc, Việt Nam tuyệt đối không được chủ quan

ANTD.VN - Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 (bão Mangkhut) tại tỉnh Quảng Ninh.  

Sau khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại tuyến đê Hà Nam và Hồ Yên Lập – huyện Quảng Yên và nghe báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ninh về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, các lực lượng trong việc thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

“Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai các phương án phòng chống bão, huy động đầy đủ phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Người dân, nhất là ngư dân đã thực hiện rất tốt chỉ đạo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chủ động triển khai ứng phó với bão với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Hoàn lưu bão vẫn có thể sẽ gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là khu vực Đông Bắc. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ để chủ động phòng tránh, có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ”.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quản lý thật chặt tàu thuyền, phương tiện trên biển, tuyệt đối cấm phương tiện ra khơi khi mưa bão đang diễn ra. Đối với các phương tiện đã vào khu tránh bão, phải bố trí neo đậu đảm bảo an toàn, bố trí đủ lương thực thiết yếu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để chủ động vận hành an toàn và hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là các hồ xung yếu, không để xảy ra sự cố như đối với đập Đầm Hà Động trước đây. Trong tình huống mưa lũ lớn phải xả lũ, yêu cầu thực hiện đúng quy trình, thông báo kịp thời với người dân để đảm bảo an toàn.

“Rút kinh nghiệp từ sự cố năm 2015, đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng với ngành Than rà soát lại các phương án đảm bảo an toàn cho các mỏ, khai trường, chủ động có phương án phòng chống sự cố hầm lò, bãi chứa, bãi thải… không để xảy ra sự cố”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu: “Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, khách du lịch, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, người dân sống gần các khu vực khai thác mỏ”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống đê, trong đó  đặc biệt chú ý các đoạn đê xung yếu để có giải pháp gia cố, đề phòng rủi ro có thể xảy ra.

“Tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi chặt diễn biến của cơn bão để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước do mưa lũ gây ra” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bão Mangkhut đổ bộ Trung Quốc

Hồi 16 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (140km/giờ), giật cấp 15. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông tối nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh.

Trong tối nay, ở vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m; Biển động mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Bắc Biển Đông trong 12 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Vùng nguy hiểm trên Vịnh Bắc Bộ trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ đêm nay ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 23,9 độ Vĩ Bắc; 101,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17/9 đến ngày 18/9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm. Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100-150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.

Từ ngày 17-18/9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Lô, sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức BĐ1-BĐ2, đỉnh lũ trên sông Thao ở mức BĐ2 và trên BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1.

Đáng chú ý, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.

Cấm tàu ra khơi, cho học sinh nghỉ học

Tại Quảng Ninh, Sở GD&ĐT Quảng Ninh yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc Sở cho học sinh, trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 17/9, để tránh bão Mangkhut.

Các ngày tiếp theo, trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, PCCC tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 16/9; tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Nhằm chủ động ứng phó với bão Mangkhut, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam - TKV đã yêu cầu khẩn trương tiến hành kiểm đếm tàu thuyền để kịp thời thông báo và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có bão, neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV còn yêu cầu các đơn vị dừng sản xuất tại những khu vực không đảm bảo an toàn, tổ chức trực ban tại chỗ 24/24h (kể từ 18h ngày 16/9/2018)

Tại Nam Định, chủ động ứng phó với bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/9, khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương, nhất là các huyện ven biển khẩn trương sơ tán, di dời người dân tại các chòi canh ngao, lồng bè nuôi thủy sản, bãi tắm ven biển vào nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/9.

Tại Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo tạm dừng hoạt động giao thông trên cầu Tân Vũ Lạch Huyện và các cầu có tĩnh không lớn qua sông trong thời gian bão đổ bộ.

Cần chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phương án sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực chung cư cũ đã xuống cấp, vùng có nguy cơ ngập úng cao, khu vực có nguy cơ sạt lở.