Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Báo chí phản biện cũng phải có chuẩn mực

ANTD.VN - Bên lề Hội Báo toàn quốc 2019, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng BTC Hội báo đã dành cho phóng viên Báo An ninh Thủ đô cuộc phỏng vấn xung quanh vai trò và trách nhiệm của báo chí trong kỷ nguyên số.

- PV: Thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả ở nhiều cấp, ngành. Ông đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của báo chí trong “cuộc chiến” này?

- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc lần này có một gian trưng bày của liên chi hội Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với chuyên đề chống tham nhũng gắn với đạo đức người làm báo. Điều đó thể hiện trong năm qua, báo chí có đóng góp hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đây là cuộc chiến đấu âm thầm nhưng hết sức gay go, quyết liệt mà báo chí luôn luôn ở tuyến đầu. Sự tham gia của báo chí là hết sức tích cực và hiệu quả. Báo chí thể hiện tinh thần dấn thân của nhà báo trong phát hiện tham nhũng, từ đó theo đuổi đến cùng để phanh phui sự thật, góp phần cho các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, đấu tranh lãm rõ các vụ tham nhũng lớn, từ đó xử lý nghiêm minh. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ còn hết sức phức tạp, tiếp tục đòi hỏi tinh thần dấn thân, dũng cảm của các nhà báo. Đồng thời các nhà báo cũng mong muốn luôn luôn được sự hỗ trợ của các cơ quan bảo vệ pháp luật, hệ thống chính quyền và sự bảo vệ của nhân dân. Đó là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng để các nhà báo vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Có một thực tế cần nhìn nhận rằng, ngay trong lĩnh vực báo chí cũng đã xuất hiện một số nhà báo có biểu hiện tiêu cực, đi ngược với tôn chỉ mục đích của tờ báo và đạo đức báo chí. Ở góc độ nhà quản lý, Hội Nhà báo Việt Nam có biện pháp gì để hạn chế những “con sâu làm rầu nồi canh”?

- Trong 2 năm qua, kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có thể nói đã có chuyển biến tích cực, báo chí hoạt động nề nếp hơn, ít sai phạm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều nhà báo tỏ rõ tinh thần cống hiến, vì lợi ích của đất nước và nhân dân thì vẫn còn một số nhà báo, hoặc những người mang danh nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để có hành vi sai phạm. Tuy số lượng các vụ là ít nhưng tác hại lại rất lớn, làm mai một thanh danh nhà báo chân chính, tác động tiêu cực tới cách nhìn của xã hội đối với giới báo chí. Tôi nghĩ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan báo chí, từ Trung ương tới địa phương tăng cường hơn nữa việc quản lý hoạt động của các phóng viên, nhà báo. Để làm sao chúng ta thực hiện đúng trách nhiệm, lương tâm của mình, đó là làm nghề vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Làm sao phản ánh khách quan, trung thực, tôn trọng và bảo vệ sự thật, để niềm tin vào sự thật, vào chính nghĩa do các nhà báo đem lại mãi mãi là ánh sáng trong cuộc sống của chúng ta.

- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò phản biện của báo chí khi không ngần ngại chỉ ra những thiếu sót, bất hợp lý của nhiều dự thảo, chính sách hay trong phát biểu của quan chức bộ, ngành để nhằm góp phần đưa chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, với một thái độ xây dựng, vì quyền lợi nhân dân?

- Phản biện là một chức năng của báo chí. Chúng ta làm sao góp phần để dư luận xã hội hiểu một cách đúng đắn, chuẩn mực hơn về các vấn đề. Tuy nhiên phản biện của báo chí cũng cần phải chuẩn mực, có tinh thần xây dựng, giải thích thỏa đáng, có lý có tình. Tôi nghĩ, báo chí chúng ta cần tăng cường tính chuẩn mực. Chuẩn mực trong việc đưa ra những thông tin chính xác, chuẩn mực trong phân tích, phản biện để thông tin báo chí thật sự là nguồn tin cậy, có tính định hướng đối với xã hội. 

- Hiện nay những thông tin độc hại, sai sự thật tràn lan trên mạng internet, mạng xã hội. Vậy định hướng dư luận của báo chí cần được thể hiện ra sao, thưa ông?

- Báo chí đang đứng trước một vấn nạn, đó là tin giả, tin thất thiệt, thậm chí là tin không có thật. Đó là thứ mà báo chí cần kiên quyết chống, loại bỏ ra khỏi đời sống của mình. Bởi trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin độc hại, nếu báo chí không kiểm chứng mà vội vàng đăng tải thì sẽ hết sức nguy hiểm. Trong việc tiếp cận, xử lý thông tin, báo chí cần phải luôn thận trọng, có trách nhiệm thẩm định trước khi đưa ra ngoài xã hội. 

Báo chí phản biện cũng phải có chuẩn mực ảnh 2Phóng viên tác nghiệp sau hàng rào an ninh tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

- Trong xu hướng hiện đại, lĩnh vực báo chí ghi nhận sự xuất hiện của một thế hệ phóng viên trẻ, năng động và cũng rất sáng tạo. Là một nhà báo có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề, ông muốn gửi gắm gì với thế hệ tiếp nối này?

- Bên lề Hội Báo toàn quốc 2019, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc tọa đàm nhằm tưởng nhớ các nhà báo thế hệ đi trước, giao lưu giữa các thế hệ làm báo. Điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất từ các sự kiện này là tinh thần cống hiến của những người làm nghề, vì lý tưởng, vì mục đích cao quý. Thế hệ nhà báo đi trước vào nghề không màng danh lợi, trong tim họ chỉ có lợi ích đất nước và nhân dân, đấu tranh vì những gì mà đất nước, nhân dân đang đòi hỏi. Tôi nghĩ đó là điều mà các thế hệ làm báo, nhất là các thế hệ người làm báo trẻ hôm nay phải thấm nhuần, phải học tập. Trong thời đại 4.0, chúng ta tiếp cận công nghệ hiện đại, có điều kiện truyền tải ra xã hội thông tin một cách nhanh chóng, song cũng cần phải rất trách nhiệm. “Đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm” - đó là thông điệp lớn mà Hội Báo toàn quốc 2019 đưa ra, ở đó chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm của người làm báo đối với đất nước và nhân dân. 

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sỹ Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: “Báo chí Việt Nam không hề thua kém thế giới”

Báo chí phản biện cũng phải có chuẩn mực ảnh 3

Có thể nói một số sự kiện quốc tế tại Việt Nam thời gian qua và mới nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là cơ hội để báo chí Việt Nam thể hiện năng lực, cũng như sự phát triển nền báo chí nước nhà trong mối so sánh tương quan với báo chí quốc tế. Tất nhiên, mỗi tờ báo có tôn chỉ mục đích khác nhau, báo chí mỗi quốc gia cũng có một tính chất khác nhau nên không thể so sánh một cách máy móc. Song, nhìn lại các sự kiện quốc tế và chúng ta tổ chức cho các nhà báo quốc tế tới tác nghiệp tại Việt Nam thì nếu so sánh ở từng mặt cụ thể, báo chí Việt Nam không hề thua kém báo chí thế giới. Đó là tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp. Chúng ta đã bắt kịp xu thế phát triển của báo chí thế giới, cả về mặt công nghệ làm báo lẫn xử lý thông tin, các kỹ năng nghiệp vụ cụ thể. Đặc biệt với loại hình báo chí đa phương tiện, báo chí Việt Nam nhanh nhạy không kém thế giới với các các biểu đạt thông tin mới như inforgraphic, mega story (long-form)…  

Nhà báo lão thành Lê Trang Liêm - cựu phóng viên Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam: “Xã hội càng hiện đại thì nhà báo càng phải giữ chữ Tâm”

Báo chí phản biện cũng phải có chuẩn mực ảnh 4

Đến dự Hội Báo toàn quốc 2019, nhìn các cháu sinh viên trường báo trẻ trung, háo hức xông pha làm tôi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, khi cùng các thế hệ đàn anh do nhà báo Huỳnh Văn Tiểng dẫn đầu vào Nam tiếp quản truyền hình Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất. Thời đó, chúng tôi cũng phải học hỏi đàn anh rất nhiều. Thế hệ những người làm báo trẻ hiện nay may mắn hơn chúng tôi khi được tiếp cận, sử dụng các công nghệ hiện đại, rất thuận lợi cho tác nghiệp. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng các em, các cháu hãy học hỏi những kinh nghiệm, phẩm chất của các nhà báo mẫu mực đi trước. Như tôi từng học hỏi từ cố nhà báo Huỳnh Văn Tiểng về sự trung thực, hết lòng vì nghề. Đó là cái tâm và đạo đức người làm báo. Xã hội càng phát triển, báo chí càng hiện đại thì nhà báo càng phải giữ chữ tâm. 

Băng Tâm (Ghi)