Bán xăng rởm gây nguy hiểm: Phải xử điểm về hình sự

ANTĐ - Hàng loạt các vụ cháy xe liên tiếp xảy ra, xe máy có,   ô tô có, xe đang đi cháy, xe để trong nhà cũng cháy. Vụ này chưa kịp lắng xuống thì lại đến vụ khác. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc đi tìm nguyên nhân cháy xe. Các nhà chức trách cũng đứng ra nhận trách nhiệm về tình trạng cháy xe. Câu chuyện xe đang đi bỗng nhiên bốc cháy làm cho người dân hết sức lo lắng bất an về chiếc xe của mình. Đi đâu người ta cũng bàn đến chuyện những chiếc xe bị cháy và tìm hiểu những nguyên nhân gây cháy. Và điều đáng sợ là một trong những thủ phậm gây cháy là do xăng rởm. Xăng rởm thì người dân làm sao đủ “thông thái” để mà tránh. Muốn tránh chả có cách nào khác là xử lý những đối tượng “chế” xăng rởm làm lợi cho mình và làm hại người dân.
Bán xăng rởm gây nguy hiểm: Phải xử điểm về hình sự ảnh 1

Các vụ cháy xe vẫn chưa dừng lại

9h sáng ngày 5-1-2012, tại khuôn viên trường THCS Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh chiếc xe Honda AirBlade của chị Nguyễn Thị Phương mới đi được 1.500km đã bốc cháy. Ngày 3-1, tại Quảng Bình, một chiếc xe Honda  AirBlade khác cũng đã bốc cháy ngay tại nhà thân chủ. Ngày 18-12, một chiếc Honda Lead tự bốc cháy khi đang được dựng trong khuôn viên kho An Sương Hiệp Thành, phường Thới An, quận 12, TP.HCM.

Ngày 16-12, một chiếc xe Honda Lead bốc cháy khi đang lưu thông trên quốc lộ 5, đoạn ở khu công nghiệp Phố Nối A, thuộc địa phận xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngày 12-12, xe Honda SH cháy rụi sau khi va chạm nhẹ với một chiếc ôtô. Ngày 9-12, xe Honda AirBlade cháy trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Ngày 1-12, xe Honda Dream phát nổ tại Bắc Ninh khiến một thai phụ thiệt mạng và  một cháu bé bị thương nặng. Ngày 27-10, xe Honda  AirBlade bị cháy khi đang đi trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ngày 16-10, xe Honda Wave và Honda CB400 bốc cháy trên đường Phạm Hùng (Hà Nội).

Cùng ngày trên đường Lê Lợi, thành phố Vinh, một chiếc xe Honda Lead bốc khói trong chốc lát rồi cháy rụi. Ngày 12-10, xe Honda AirBlade cháy trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Tháng 9-2011, xe Honda SH tự dưng bốc cháy khi đang chạy trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 20-8, xe Honda AirBlade tự dưng bốc cháy tại TP.HCM. Ngày 7-2-2011, xe Honda Spacy 125 bốc cháy tại Tiền Giang.

Đó chỉ là số ít trong hàng chục vụ cháy xe liên tiếp xảy ra thời gian qua tại nước ta. Và đó cũng chưa kể đến hàng loạt vụ cháy xe ô tô gây thiệt hại lớn. Trước tình trạng này, một số ý kiến cho rằng có thể cháy xe là do xăng không đạt chuẩn. Để truy tìm nguyên nhân, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã lấy mẫu xăng tại một số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội làm các xét nghiệm kiểm tra. Theo kết quả kiểm nghiệm ngày 28-12 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I, tại cửa hàng xăng dầu trên phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy cho thấy, xăng không chì RON92 không phù hợp với quy chuẩn theo quy định. Chỉ tiêu chất lượng xăng không chì RON92 tại cây xăng nói trên không đạt, hàm lượng oxy thực tế chiếm 8,8% khối lượng (theo tiêu chuẩn là 2,7%), cao vượt mức quy định hơn 3 lần. Hàm lượng methanol trong xăng của cửa hàng trên là 15,3% thể tích.

Mẫu xăng lấy tại cửa hàng trên có hàm lượng nước 366 ppm (ppm đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích của một chất trong một hỗn hợp có chứa chất đó, tính theo phần triệu). Các hàm lượng này chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ Khoa học và công nghệ. Do đó, Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm việc bán xăng không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định pháp luật.

Lúng túng trong việc xử lý

Thực tế hiện nay, xử lý các cây xăng bán xăng rởm phần lớn vẫn là xử phạt hành chính. Mới đây nhất, tại TP.HCM sau khi kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các cây xăng, phát hiện 11 cây xăng bán xăng không đảm bảo chất lượng. Tp Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra và cũng phát hiện 5 cửa hàng bán xăng không đảm bảo chất lượng. Áp dụng theo Nghị định 107 mức phạt các doanh nghiệp gian lận này là từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, kèm theo các điều bổ sung như buộc đền bù thiệt hại, tước quyền kinh doanh đến 12 tháng. Số tiền phạt quá ít ỏi trong khi lợi nhuận từ gian lận xăng dầu rất lớn khiến mức xử phạt không đủ sức răn đe.

Chính ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp bàn về việc xử phạt các doanh nghiệp này cũng cho rằng: “Trong trường hợp này, hành vi vi phạm của 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rõ ràng là giả chất lượng, gian lận thương mại gây thiệt hại cho khách hàng nên phải xem xét xử lý hình sự để răn đe. Pháp luật quy định giá trị hàng giả từ 60 triệu đồng tương đương với hàng thật thì bị xử lý hình sự. Với vi phạm trên, có doanh nghiệp tồn hơn 1.000 lít xăng không đạt chuẩn thì chắc chắn giá trị vượt quá con số 60 triệu đồng”. Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng nếu xử lý hình sự thì lấn cấn về các yếu tố cấu thành tội phạm.

Bán xăng rởm không những gây thiệt hại cho khách hàng về tài chính mà nguy hiểm hơn xăng rởm còn gây ra tai nạn cho người sử dụng. Theo luật sư Nguyễn Thu Hồng, Văn phòng luật sư số 7 Đoàn luật sư TP Hà Nội thì theo điều 156, 157, 158 Bộ luật Hình sự có quy định về tội làm hàng giả, nhưng trong trường hợp với xăng rởm gây nguy hại cho người sử dụng lại chưa có mục riêng. Điều 156 quy định chung về tội sản xuất và buôn bán hàng giả, còn điều 157 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và điều 158 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi. Vì vậy nếu thực sự phát hiện ra nguyên nhân những vụ cháy xe gây mất an toàn trong thời gian vừa qua là do xăng rởm cũng chưa có chế tài xử phạt đầy đủ với hành vi này. Đây thực sự là điều khó khăn, là kẽ hở pháp luật mà chúng ta cần phải lưu ý trong quá trình sửa chữa điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Hàng giả nhiều năm qua đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Không một sản phẩm nào không bị làm giả. Thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi hơn, bằng mắt thường để phân biệt không hề đơn giản. Trong khi đó, xăng lại là một mặt hàng thiết yếu nhưng người tiêu dùng không được nhìn để so sánh vì vậy người tiêu dùng thường xuyên bị các doanh nghiệp móc túi. Nguy hiểm hơn, xăng giả còn có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Trước là dùng con chip điện tử để gian lận trong đo lường, nay là dùng xăng rởm để trục lợi. Hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và người tiêu dùng luôn luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Xem xét đến trách nhiệm hình sự

Vì vậy để ngăn chặn được hành vi thiếu lương tâm của các doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích trục lợi cho bản thân thì cần xử lý thật mạnh tay, thậm chí tước giấy phép kinh doanh của những doanh nghiệp ấy. Ông Hùng cũng cho rằng để có tính răn đe cao, ngoài việc tăng các chế tài xử lý, vấn đề này không chỉ là việc giải quyết giữa nội bộ doanh nghiệp vi phạm và cơ quan quản lý mà cần công bố công khai danh tính các doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng, để làm gương cho những doanh nghiệp đang có "âm mưu” vi phạm.

Có như vậy người tiêu dùng mới biết cảnh giác không mua nhầm hàng kém chất lượng khi không được “sờ nắn” sản phẩm, còn các doanh nghiệp biết chọn con đường kinh doanh đúng pháp luật, hạn chế ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Luật sư Nguyễn Thu Hồng thì cho rằng, dù chưa xác định được nguyên nhân gây cháy xe có phải do xăng hay không nhưng cũng nên xử lý hình sự điểm một vài cây xăng để những doanh nghiệp khác biết mà chùn tay.

Cách đây nhiều năm, một đối tượng sản xuất bát lắp chíp để chơi cờ bạc nhưng làm giả theo mẫu của nước ngoài. Khi bắt được đối tượng, vì luật chưa quy định đây là sản xuất hàng giả, dù hành vi nói trên là phạm pháp nhưng đối tượng vẫn không bị xử lý hình sự. Nhưng sau đó, luật đã bổ sung điều khoản này và đối tượng làm hàng giả đã bị xử lý hình sự. Trong trường hợp xăng giả này cũng như vậy, dù còn khó khăn và lúng túng trong việc xử lý nhưng trước thực trạng cấp bách này cơ quan chức năng đã vào cuộc song vẫn chưa có cơ sở bán xăng rởm nào bị xử lý tương xứng với hành vi phạm tội, đồng thời cũng chưa cá thể hóa hình phạt, truy đến trách nhiệm cá nhân những đối tượng có hành vi làm xăng rởm gây hậu quả nghiêm trọng. Dư luận cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm hình sự của những cá nhân vi phạm và xử điểm hình sự một vài vụ bán xăng rởm là việc làm cần thiết trong tình trạng hiện nay.

“Công nghệ” làm xăng rởm được thành viên Xulu trên diễn đàn xe hơi Otofun chia sẻ như sau: “Trộn dầu FO và chất VNK (xăng non) với tỷ lệ 1 tấn dầu FO thì cho 1 kg chất VNK, sau đó cho vào máy lọc ly tâm, rồi chuyển sang máy ép ly tâm”. Tiền mua thiết bị khoảng 700 - 800 triệu đồng. Dầu FO có thể mua từ nhiều nguồn khác nhau. Chất VNK hay còn gọi là "xăng non" có giá 260.000 đồng mỗi kg được mua từ Trung Quốc hoặc cơ sở tư nhân tự chế biến. Tổng chi phí để sản xuất "xăng rởm" chỉ khoảng 12.000 đồng mỗi lít, trong khi xăng thật là 20.800 đồng/lít.  Theo Tiến sĩ Đào Quốc Tùy, bộ môn công nghệ hữu cơ-hóa dầu, Đại học Bách khoa Hà Nội, dầu FO là hỗn hợp của các hydrocarbon mạch dài, ngoài việc lấy từ nhà máy lọc dầu còn có thể được tạo ra bằng quy trình sản xuất khá đơn giản như nhiệt phân lốp cao su trở thành dung dịch lỏng. Sau khi trải qua công đoạn lọc, và chưng cất sẽ thu được dầu FO. Còn khái niệm "xăng non" theo ông còn tương đối mơ hồ nên chưa thể đánh giá được thành phần cũng như tính chất lý hóa của chúng. Nếu hỗn hợp “xăng non” bao gồm các hydrocarbon mạch ngắn, dễ bay hơi thì chúng có thể hòa trộn được trong dầu FO. Nếu xăng này được pha với các loại xăng trên thị trường theo tỷ lệ thể tích nhỏ hơn 20% thì “không sao”. Nhưng nếu trên 40% thì sẽ rất nguy hiểm. Vì chất VNK khi kết hợp với lưu huỳnh sẽ cháy mạnh. Trong khi đó, bản thân dầu FO luôn có chứa lưu huỳnh 

Tin cùng chuyên mục