Nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1):

Bản Di chúc có giá trị trường tồn, hướng đến một tương lai tốt đẹp

ANTD.VN - 50 năm đã trôi qua nhưng đến nay, bản Di chúc thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta không những là bảo vật tinh thần vô giá mà vẫn còn nguyên giá trị, mang nhịp đập “nóng hổi” của thời đại.

Là một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc lòng từng câu, từng chữ, tìm hiểu kỹ lưỡng từng ẩn ý trong mỗi thông điệp mà Bác gọi là “vài lời nhắn lại”, PGS.TS Bùi Đình Phong, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi với ANTĐ  rằng, những lời nhắn đó như ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam hướng đến một tương lai tốt đẹp.

Hơn 30 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, cũng là hơn 30 năm chúng ta quyết tâm thực hiện theo tâm nguyện của Người: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Và ngày nay, khi Việt Nam ta đã đạt được một vị thế “chưa từng có”, thì theo PGS.TS Bùi Đình Phong, việc nghiên cứu và thực hiện Di chúc của Bác, vẫn luôn mang tính thời sự, bởi thực tế đất nước nói chung, nội bộ Đảng nói riêng, còn rất nhiều việc cần “phải xây”, rất nhiều thứ “cũ kỹ”, “hư hỏng” cần “phải chống”…

Người kiến tạo niềm tin, hướng tới tương lai

Nhìn lại lịch sử, người dân Việt Nam biết đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là 20 năm đầu, từ năm 1969 đến 1989, lúc này Đảng, Nhà nước công bố bản Di chúc được gọi là Di chúc năm 1969. Đến ngày 19-8-1989, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI ra Thông báo số 151 về việc công bố đầy đủ tất cả nội dung di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu viết từ tháng 5-1965. 

Không chỉ Việt Nam mà nhiều học giả thế giới cũng đã nghiên cứu về Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm. Và chúng ta đều biết rằng, Bác Hồ viết Di chúc lần đầu vào tháng 5-1965, sửa lại lần cuối vào tháng 5-1969. Trong 4 năm, Bác sửa Di chúc nhiều lần, có những lần chỉ sửa một chữ, một câu. Một vị lãnh tụ thiên tài, một danh nhân văn hóa thế giới, nhưng trau chuốt một tác phẩm chỉ có hơn 1.000 từ trong suốt 4 năm, thì đủ thấy tất cả những gì trong Bản di chúc mà Bác để lại đều có ý nghĩa quan trọng đến nhường nào. Theo nghiên cứu của tôi, trên thế giới đến nay cũng chưa có ai viết Di chúc như Bác. Đó là Bác viết Di chúc mà không dùng 2 từ “Di chúc”, thay vào đó là “Viết thư này” (bản Di chúc viết năm 1968); “Mấy lời để lại” (năm 1969). 

Viết Di chúc, bản chất là lời dặn dò trước khi qua đời, Bác viết Di chúc cũng nhận: “Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm”, thế nhưng vế sau Bác nhấn mạnh: “Tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Và đặc biệt, Bác dùng câu: “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?”. Đây không chỉ đơn thuần là lời dặn dò trước lúc Người đi xa như một lẽ thông thường, mà là những lời dặn lại các thế hệ mai sau, để hướng tới xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. 

Trong Di chúc của Bác có nói về quá khứ, có nói về hiện tại lúc bấy giờ, nhưng tất cả chỉ làm nền cho “hướng tới tương lai”, hay nói cách khác, giá trị toát lên từ toàn bộ bản Di chúc của Bác đều nhằm hướng tới tương lai của đất nước. Hướng tới tương lai, thể hiện trong bản Di chúc năm 1969 là: “Còn non, còn nước, còn người - Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Những “lời để lại” đó, vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến hiện nay, mang sinh khí, tinh thần, hơi thở của sự nghiệp đổi mới. Hơn 30 năm qua, trong chặng đường đổi mới của đất nước, đã chứng minh những lời dặn dò mà Bác để lại trong Di chúc là kim chỉ nam soi sáng, chỉ đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Nói về giá trị trường tồn, ý nghĩa to lớn trong Di chúc của Bác để lại cho chúng ta, nội dung nhiều người đề cập nhất là phần Bác nói về Đảng. Nhưng theo tôi, giá trị đầu tiên toát lên từ Di chúc của Bác, đó là bài học niềm tin, tính kiên định, quyết tâm, ý chí sắt đá vào con đường cách mạng và định hướng xây dựng đất nước trong tương lai. Khi nghiên cứu, giảng dạy, tôi vẫn nói rằng: “Bác Hồ là người kiến tạo niềm tin cho dân tộc, không chỉ kiến tạo mà Bác cũng trực tiếp là người truyền cảm hứng, truyền niềm tin đó cho dân tộc ta”.

“Sự truyền niềm tin” này không chỉ thể hiện trong Di chúc mà xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp của Bác. Nhìn lại tổng thể sự nghiệp của người, ta thấy rằng Bác chính là người đầu tiên truyền niềm tin để giúp dân tộc ta xóa mặc cảm là một dân tộc nhược tiểu. Bác truyền niềm tin: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”; “Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bác truyền niềm tin về “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. 

Hơn 30 năm đổi mới, có những thời kỳ đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, từ tác động bên ngoài đến cả tác động bên trong, nhưng nhờ có niềm tin, quyết tâm và kiên định vào con đường mà Đảng đã chọn, chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn để có được sự nghiệp, thành quả to lớn như ngày hôm nay.

Chống lại cái “cũ kỹ”, “hư hỏng” để xây cái mới tốt đẹp hơn

Tôi muốn nhắc lại, nói về Di chúc của Bác là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, hoài bão, tầm nhìn về xây dựng đất nước không chỉ bối cảnh bấy giờ mà cả tương lai. Hơn 30 năm đổi mới, những gì Đảng, đất nước chúng ta đã làm, đang làm đều hướng đến mục tiêu mà Bác đã dặn dò trong Di chúc. Những thành quả vượt bậc về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thời gian qua giúp Việt Nam đang có một vị thế “chưa từng có”, là điều mà chúng ta phải ghi nhận. Song, công cuộc đổi mới của đất nước ta còn lâu dài, gian khổ. Và như Bác đã nói, hướng tới tương lai là chúng ta phải thường xuyên chống lại những gì đã “cũ kỹ”, “hư hỏng”, để tạo ra những mới mẻ, tốt tươi.  

Trở lại với Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dặn dò chúng ta, Bác dùng từ “Trước hết nói về Đảng”. Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh và đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, Đảng muốn lãnh đạo được sự nghiệp kháng chiến của đất nước bấy giờ hay công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay, thì Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Thế nên Bác dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Cần chú ý, Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng cầm quyền” đã hình thành từ sớm, nhưng cụm từ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” thì lần đầu tiên xuất hiện trong Di chúc. Vì sao vậy? Vì khi Đảng chưa cầm quyền, cán bộ đảng viên chưa có quyền lực, thì cơ bản là trong sạch, nhưng khi đã là Đảng cầm quyền thì chắc chắn sẽ có một bộ phận cán bộ đảng viên “lạm quyền”, quan liêu, hay như Lê Nin nói là “bệnh kiêu ngạo cộng sản”. Và nói như Đảng ta bây giờ là “có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên tha hóa, biến chất”.

Thế nên Bác dặn, đã là Đảng cầm quyền thì phải thực sự trong sạch, đạo đức, một đảng chân chính cách mạng. Bác dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trong mệnh đề này, Bác đã nhấn đến 4 lần cụm từ “thực sự”, “thật sự”, “thật” (2 lần), Bác muốn Đảng ta, cán bộ ta không chỉ nói mà phải thực sự biến thành hành động, phải làm nghiêm chỉnh.

50 năm qua kể từ khi Bác để lại Di chúc, Đảng ta vẫn đang thực hiện lời dặn này của Người. Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải tiếp tục chấn chỉnh. Dư luận nói rằng, hiện nay có những cán bộ đảng viên “nói thì hay, làm thì dở”. Còn thực tiễn, vừa rồi rất nhiều cán bộ, kể cả những cán bộ cao cấp của Đảng dính vào “vòng lao lý”. Sự thực là chưa bao giờ chúng ta siết chặt việc kiểm tra, kỷ luật đảng như thời gian vừa qua. Chưa bao giờ số cán bộ đảng viên vi phạm bị đưa ra xét xử như vừa qua. Dù vậy, so với yêu cầu, để một đảng đủ sức mạnh, sức chiến đấu để lãnh đạo sự nghiệp của đất nước, thì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục làm. 

Cán bộ, lãnh đạo phải nêu gương 

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Đảng đã chỉ rõ còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hư hỏng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là vấn đề lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân… Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa cao. Chúng ta nói “không có vùng cấm”, hay “buông lỏng quản lý”, nhưng thực tế có những nơi, những cán bộ vì lợi ích riêng mà “không quản lý”. Thế nên mới có chuyện người dân xây thêm một cái tum, chở một xe cát lập tức bị lập biên bản, thế nhưng có nơi xây cả tòa nhà sai phép lại “không biết”…

Suy thoái đạo đức hiện cũng là vấn đề rất nhức nhối. Ngay cả những ngành nghề được coi là cơ quan thực thi pháp luật, hay các ngành nghề được xã hội coi là cao quý như giáo dục, y tế… cũng có rất nhiều cán bộ, vụ việc sai phạm gây bức xúc toàn xã hội, từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính quyền, vào Đảng. Thế nên về phê bình và tự phê bình, trong Di chúc, Bác nhấn mạnh đến việc “phải thường xuyên và nghiêm chỉnh”. Bác nói: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. 

Thực tế ngày nay, việc thực hiện phê bình và tự phê bình ở nhiều nơi, nhiều cán bộ đảng viên còn hình thức, chưa thường xuyên, đặc biệt nguy hiểm là chưa nghiêm chỉnh. Thậm chí không ít trường hợp nhân “phê bình và tự phê bình” để “đấu đá”, “hạ bệ nhau”, vì mục đích không trong sáng… Điểm quan trọng nữa khi thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Người rất coi trọng việc gương mẫu của cán bộ đảng viên, càng cán bộ có chức vụ cao càng phải làm gương, vì chỉ khi Đảng có gương mẫu thì mới phát huy được vai trò lãnh đạo, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, củng cố được khối đoàn kết toàn dân để cùng xây dựng và phát triển đất nước. Giai đoạn hiện nay, vấn đề nêu gương càng có ý nghĩa quan trọng. Cũng vì thế, năm 2018 vừa qua, sau Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Trung ương Đảng đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Rõ ràng, vấn đề “nêu gương” cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn, và điều dân cần ở lãnh đạo là “đừng nói hay, làm dở”. 

Tháng 8 này, chúng ta vừa sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tôi theo dõi, đã có rất nhiều cá nhân, tập thể được biểu dương, rất nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong học và làm theo gương Bác. Nhưng tôi cũng thoáng buồn vì đâu đó vẫn thấy có tình trạng làm cho có, làm vì “bệnh thành tích”. Điều cuối cùng tôi cho rằng, thực hiện Di chúc của Bác là phải chống lại những cái gì “cũ kỹ”, “hư hỏng” để xây dựng những cái tốt tươi, để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Thế nên phải gắn xây với chống, không thể tách rời.

Bản Di chúc có giá trị trường tồn, hướng đến một tương lai tốt đẹp ảnh 2

PGS.TS Bùi Đình Phong, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Di chúc của Bác là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, hoài bão, tầm nhìn về xây dựng đất nước không chỉ bối cảnh bấy giờ mà cả tương lai. Hơn 30 năm đổi mới, những gì Đảng, đất nước chúng ta đã làm, đang làm đều hướng đến mục tiêu mà Bác đã dặn dò trong Di chúc.