Văn hóa giao thông - Nhìn từ những ngã tư đường phố

Bài 3: Những liệu pháp mạnh "nâng" ý thức chấp hành pháp luật giao thông

ANTD.VN - Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 400 nút giao thông trọng điểm. Ngoài hệ thống đèn tín hiệu giao thông, phần lớn các nút này thường xuyên có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, không ít lái xe vẫn…tranh thủ vi phạm. Nhiều liệu pháp mạnh đã được lực lượng chức năng triển khai.

Xóa ùn tắc, kéo giảm tai nạn

Là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, lại “ôm” cửa ngõ phía Nam của thành phố, áp lực đối với Đội CSGT số 14, Phòng CSGT thường trực hàng ngày, hàng giờ. Không chỉ là những vi phạm mang tính “phổ thông” như người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, uống rượu bia...Đội CSGT số 14 còn phải đối mặt với những vi phạm  điển hình liên quan đến hoạt động xe khách, liên quan đến cả nghìn lượt phương tiện đến và đi từ 2 bến Giáp Bát, Nước Ngầm.

“Tuyến đường Giải Phóng xuôi về nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ dù có 2 làn đường nhưng cũng không “cõng” nổi hết số lượng phương tiện tăng lên từng ngày, vô cùng đông đúc. Nguy cơ ùn tắc và TNGT càng hiển hiện nhất là trong những khung giờ cao điểm.

Chỉ cần một vài phương tiện nhất là xe khách dừng, đỗ không đúng nơi quy định sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới hoạt động giao thông trên tuyến đường. Ý thức người tham gia giao thông, của lái xe có vai trò hết sức quan trọng trong việc có xảy ra ùn tắc hay không”- Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 nhìn nhận.

CATP Hà Nội tăng cường lực lượng, biện pháp kéo giảm ùn tắc và TNGT nhất là trong dịp cuối năm

Trên thực tế, tình trạng xe khách dừng, đỗ đón trả khách sai quy định không chỉ xuất hiện ở một vài điểm trên tuyến đường Giải Phóng, Pháp Vân, mà ở tuyến đường xunh quanh bến xe Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng. Thời gian qua, Phòng CSGT đã chủ động bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động gần như 24/24h trên 15 tuyến Quốc lộ, tuyến trục chính ra vào thành phố.

Trung bình mỗi năm đơn vị cũng triển khai hàng chục chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT. Những lỗi vi phạm điển hình, gây nhức nhối dư luận xã hội luôn được CSGT tập trung, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, với phương châm không kiểm tra tràn lan mà kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng lỗi, đối tượng. Trong tổng số lỗi cũng như phương tiện bị CSGT kiểm tra, xử phạt thì vi phạm liên quan đến xe khách luôn đứng ở tốp đầu.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu 2019, có gần 9.000 trường hợp xe khách bị CSGT xử phạt. Còn trong năm 2018, có hơn 12.000 trường hợp xe khách bị xử phạt. Dự đoán, trong 3 tháng cuối năm 2019 với những cao điểm xử lý vi phạm liên quan đến xe khách đang được triển khai, kết quả cuối năm về loại phương tiện này bị xử lý sẽ tăng cao.

Thống kê, năm 2016, số điểm có nguy cơ ùn tắc trên địa bàn thành phố là 41; trong đó, lực lượng chức năng đã xóa 16 điểm, song vẫn phát sinh 13 điểm mới. Đến năm 2017, số điểm có nguy cơ ùn tắc giảm xuống còn 37 điểm, và sang năm 2018 chỉ còn 33 điểm. Đi liền với đó là số vụ TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí qua từng năm.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá: đây là kết quả tích cực, ghi nhận nỗ lực, cố gắng nói riêng của lực lượng CSGT trong thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đăng ký quản lý phương tiện, đón dẫn đoàn, phục vụ các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đặc biệt quan trọng, thì nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, kéo giảm ùn tắc, TNGT luôn được đơn vị thực hiện quyết liệt, trọng tâm, hiệu quả.

Càng ngông nghênh, ngổ ngáo càng bị xử nghiêm

Trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ kéo giảm ùn tắc và TNGT, Phòng CSGT, CATP Hà Nội luôn đặt ra mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để nâng cao văn hóa giao thông đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh.

“Những hành vi, thái độ của người lớn, người tham gia giao thông trên đường có tác động rất lớn tới nhận thức, hành động của người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ. Nếu những vi phạm này đặc biệt là những thanh thiếu niên ngổ ngáo, coi thường, thách thức pháp luật, CSGT vẫn tiếp diễn ngoài đường thì chắc chắn rằng đó không chỉ là hình ảnh rất phản cảm mà sẽ tác động kéo lùi sự phát triển của văn hóa giao thông nói chung trong cộng đồng, người tham gia giao thông”- Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá.

Việc tập trung tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm có mức độ nguy hiểm và là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc và TNGT được Phòng CSGT triển khai quyết liệt trong thời gian qua. Quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng CSGT đó là phải làm kiên quyết, không có ngoại lệ đối với tất cả các trường hợp vi phạm.

Hiện có 30 tổ công tác 141 hỗ trợ cho công tác đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe, cổ vũ đua xe trái phép cũng như xử lý nghiêm vi phạm giao thông

Những đối tượng càng ngổ ngáo, ngông cuồng, cố tình vi phạm, thách thức, chống đối, càng phải bị xử lý nghiêm, tạo sự răn đe. Đối với những đối tượng tội phạm lợi dụng việc tham gia giao thông, điều khiển phương tiện để hoạt động cũng bị trấn áp mạnh mẽ.

Bên cạnh 15 tổ công tác 141 hoạt động hàng ngày, mới đây, Phòng CSGT còn tăng cường 15 tổ 141 hỗ trợ cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm Luật Giao thông ở các ngã tư, nút giao thông trọng điểm trên toàn thành phố. Việc xuất hiện những tổ công tác liên quân 141 có tác động hiệu quả rõ rệt trong quá trình kiểm tra, áp chế những vi phạm, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên ngổ ngáo, có hành vi coi thường pháp luật, chống đối CSGT.

Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, nếu như trong năm 2016, CSGT đã phát hiện, bắt giữ 385 vụ với 434 đối tượng phạm pháp hình sự, thì năm 2018, số vụ, đối tượng phạm pháp hình sự bị CSGT bắt giữ đã tăng gấp đôi. Cụ thể, có 719 vụ với 986 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự bị CSGT phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chuyển các đơn vị chức năng xử lý.

“Khi chúng tôi kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp thanh thiếu niên ngổ ngáo, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ ở ngã tư đã có tác động rất lớn tới nhận thức, hành vi của những người tham gia giao thông khác trên đường.

Người dân khi thực hiện nghiêm quy định về Luật Giao thông chứng kiến việc CSGT xử phạt các đối tượng rõ ràng là họ thấy được sự tôn trọng từ chính lực lượng thực thi nhiệm vụ với bản thân. Còn đối với những đối tượng có hành vi sai phạm, cũng sẽ nhận được những bài học thích đáng. Xét về góc độ xây dựng văn hóa giao thông, hành động nghiêm khắc trên là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh hành vi vi phạm của đối tượng là rất nguy hiểm”- Đại úy Tạ Xuân Hậu, chỉ huy tổ công tác 141 cho biết.