[Audio 4-12-2018]: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm

ANTD.VN - Bản tin hôm nay gồm những nội dung chính sau: Thanh Hóa: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm; Giả thầy tu dùng tiền âm phủ lừa đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Băng nhóm đột nhập biệt thự, trộm cắp bạc tỷ “vươn vòi” tại Phú Thọ; Vận chuyển pháo nổ từ Lào về Nghệ An tiêu thụ; Nhật Bản xuất khẩu công nghệ theo dõi sóng thần; Maroc giải cứu 133 người di cư bất hợp pháp trên các thuyền tạm ở Địa Trung Hải.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Thanh Hóa: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm

Một xưởng gỗ ở xã Thiệu Dương, (TP Thanh Hóa) bất ngờ bị “bà hỏa” ghé thăm vào ban đêm. Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng PCCC mới khống chế được đám cháy, tuy nhiên nhiều tài sản đã bị thiêu rụi.

Vụ hỏa hoạn trên xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 3-12, tại xưởng chế biến gỗ thuộc Công ty TNHH Minh Ngọc.

Vào thời điểm trên, nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực nhà xưởng phát hiện khói bốc lên tại khu vực này. Thời điểm xảy ra cháy, bên trong xưởng có 1 bình gas, 1 bình khí oxy. Các kho hàng bên trong chứa đầy mùn cưa và ngổn ngang những đống gỗ tạp làm ngọn lửa lan nhanh. Ngay sau đó, chủ cơ sở cùng người dân cố gắng dập lửa nhưng không thành.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC Thanh Hóa đã huy động hàng chục chiến sĩ, nhiều xe chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường để dập lửa.

Rất may, tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn trong xưởng không có công nhân nên không xảy ra thương vong về người.

Được biết, xưởng chế biến gỗ này đã từng xảy ra nhiều vụ cháy khiến người dân hết sức hoang mang.

Giả thầy tu dùng tiền âm phủ lừa đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 3-12, Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) tạm giữ Nguyễn Duy Phong (31 tuổi) và Đỗ Văn Hiền (46 tuổi, cùng quê Tiền Giang) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

[Audio 4-12-2018]: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm ảnh 2

Hiền (bên trái) và Phong tại cơ quan công an. Ảnh: Quảng Bình

Theo điều tra ban đầu, Phong và Hiền đóng giả thầy tu đến thị xã Phú Mỹ bán nhang dạo. Hai ngày trước, Phong nói người phụ nữ mua nhang ở phường Tân Phước bị "vong theo" theo rồi dắt Hiền đến cúng.

Khi người phụ nữ đưa 79 triệu đồng để làm lễ theo yêu cầu, Hiền đặt lên chiếc đĩa, lấy vải đỏ đậy kín rồi đánh tráo cọc tiền âm phủ mua ở quầy tạp hóa trước đó.

Cúng xong, chúng bảo người phụ nữ đem đĩa cất vào tủ, đúng 3 ngày sau mới mở tấm vải lấy tiền buôn bán sẽ rất may mắn, không bị mất lộc. Nạn nhân nghi ngờ nên lén mở ra xem và báo cảnh sát.

Băng nhóm đột nhập biệt thự, trộm cắp bạc tỷ “vươn vòi” tại Phú Thọ

CQĐT CATP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 3-12 cho biết, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng đã làm rõ thủ phạm vụ đột nhập gia đình bà Hà (phố Tân Phú, phường Tân Dân, TP. Việt Trì, cậy phá két sắt lấy trộm khoảng 100 triệu đồng.

[Audio 4-12-2018]: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm ảnh 3

Các đối tượng Nguyên, Cửu tại CQĐT

Theo tài liệu điều tra, lợi dụng đêm khuya vắng vẻ, các đối tượng đã đột nhập vào gia đình bà Hà, dùng công cụ hỗ trợ cậy phá két sắt lấy đi tiền và nhiều tài sản tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an làm rõ các đối tượng gây ra vụ đột nhập, trộm cắp trên là Phạm Văn Cửu (SN 1986, trú tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và Nguyễn Quang Nguyên (SN 1986, trú tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Như ANTĐ thông tin, đây là 2 trong 4 đối tượng (có thêm Nguyễn Công Hoan và Phạm Ngọc Luyện, cùng quê quán tỉnh Thái Bình), bị cơ quan Công an bắt giữ sau khi gây ra hàng loạt vụ đột nhập, trộm cắp liên tỉnh.

Tại cơ quan Công an, Cửu, Nguyên và đồng bọn khai nhận đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp ở nhiều tỉnh, thành như: Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Ninh Bình và Phú Thọ với giá trị tài sản trộm cắp được lên đến hàng chục tỷ đồng.

Vận chuyển pháo nổ từ Lào về Nghệ An tiêu thụ

Ngày 3-12, Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An, cho biết, cơ quan này vừa triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

Trước đó, sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Nam Đàn xác lập chuyên án 1118P để đấu tranh triệt phá đường dây vận chuyển pháo này. Khi thời cơ chính muồi, cuối tuần qua, tại khối Đan Nhiệm, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, ban chuyên án phát hiện chiếc ô tô bán tải mang BKS: 37C – 257.08 nghi vấn vận chuyển pháo trái phép.

[Audio 4-12-2018]: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm ảnh 4

Số pháo mà các đối tương đưa từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ

Tiến hành kiểm tra ô tô, công an phát hiện bắt quả tang, thu giữ 250 hộp pháo loại 36 quả và 9 hộp pháo ông sư có tổng trọng lượng gần 400 kg pháo các loại.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận là Phan Văn Hà (SN 1991), trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành và Roãn Văn Hiếu (SN 1980), trú tại Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Hai đối tượng khai nhận số hàng này được mua từ Lào về qua cửa khẩu ở tỉnh Quảng Nam rồi đưa về Nghệ An để tiêu thụ.

Nhật Bản xuất khẩu công nghệ theo dõi sóng thần

Nhật Bản sẽ xuất khẩu sang Indonesia một hệ thống radar có khả năng theo dõi mặt nước biển và phát hiện sóng thần ở ngoài khơi.

Hệ thống quan sát này bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Nhật Bản kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Nó có thể đo được độ cao, phương hướng và tốc độ di chuyển của sóng thần, qua đó giúp người dân chuẩn bị ứng phó khi có sóng thần.

Một hệ thống thử nghiệm sẽ được lắp đặt tại Yogyakarta, Indonesia trước cuối tháng 3-2020.

Hồi tháng 9-2018, hơn 2.000 người thiệt mạng khi động đất xảy ra tại đảo Sulawesi của Indonesia và gây ra sóng thần.

Một quan chức Nhật Bản cho biết ông hy vọng rằng công nghệ này của Nhật Bản có thể giúp cứu nhiều sinh mạng và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần.

Maroc giải cứu 133 người di cư bất hợp pháp trên các thuyền tạm ở Địa Trung Hải

Ngày 3-12, nguồn tin quân đội Maroc cho biết hải quân nước này đã giải cứu 133 người di cư bất hợp pháp từ ngày 1 đến 3-12 trên các chiếc thuyền tạm đang cố gắng tiếp cận quần đảo Canary của Tây Ban Nha, xuất phát từ các tỉnh phía Nam của quốc gia Bắc Phi này.

[Audio 4-12-2018]: Xưởng chế biến gỗ bốc cháy ngùn ngụt trong đêm ảnh 5

Người di cư tới cảng ở Tarifa, Tây Ban Nha sau khi được cứu trên biển. Ảnh: AFP/ TTXVN

Những người di cư bất hợp pháp nói trên đã nhận được các cứu trợ cần thiết đầu tiên do Hải quân Maroc cung cấp, trước khi họ được đưa đến các cảng của Maroc như Nador và Al Hoceima ở phía Đông Bắc cũng như Tangier ở phía Bắc và Dakhla phía Tây.

Kể từ năm 2000, tuyến đường biển từ Maroc tới quần đảo Canary đã trở thành một trong những tuyến di chuyển chính của người di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi đến châu Âu. Trong thời gian qua, ngày càng nhiều người di cư Maroc và khu vực phía Nam sa mạc Sahara tìm cách tới Tây Ban Nha bằng đường biển hoặc bằng cách vượt biên trái phép qua 2 vùng Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha nằm giáp biên giới với Maroc - cửa khẩu biên giới trên bộ duy nhất của châu Âu với châu Phi. 

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Maroc, từ đầu năm 2018 đến nay lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn hơn 76.000 trường hợp tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu, đồng thời triệt phá 174 băng nhóm buôn người.