Công an Hà Nội chuyển hóa ý kiến tâm huyết của nhân dân để thực thi tốt nhiệm vụ (1)

Ai làm được việc - người dân đều biết

ANTD.VN - Thực tế đã được minh chứng: Một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân hoàn thiện bản thân chính là từ những ý kiến đóng góp xác đáng của người dân. 

Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, từ tháng 8-2018 đến nay, tại hầu hết các quận, huyện của CATP Hà Nội, Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” đã được tổ chức rộng khắp, gợi mở nhiều vấn đề với lực lượng công an. 

Ai làm được việc - người dân đều biết ảnh 1Lực lượng Cảnh sát khu vực CAP Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) luôn gắn bó mật thiết với nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Những ý kiến tâm huyết

“Gần dân, gần dân hơn nữa, các đồng chí đừng ngần ngại bởi người dân chúng tôi luôn mong muốn có sự gần gũi và mong có cơ hội để phản ánh tâm tư, nguyện vọng… Chúng tôi mong rằng không chỉ các cán bộ Cảnh sát khu vực; Cảnh sát hình sự hay Cảnh sát trật tự mà cả đội ngũ chỉ huy của CAP cũng cần thường xuyên tiếp xúc với dân, nghe người dân nói thẳng, nói thật để từng cán bộ chiến sĩ tự hoàn thiện mình hơn” - ông Nguyễn Mạnh Hảo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ tại Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” do CAP Điện Biên tổ chức ngày 8-10 vừa qua. Theo ông Nguyễn Mạnh Hảo, Điện Biên là một phường trọng điểm của quận Ba Đình và Ban chỉ huy CAQ Ba Đình đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ CAP phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt được ngay những thông tin liên quan đến an ninh trật tự để kịp thời xử lý. 

Thế nên, “ở cấp phường việc như con mọn, cái gì cũng gọi đến công an và nhiều đồng chí vừa đi làm ở chốt về lại xuống với dân nắm bắt tình hình. Công việc của các chiến sĩ Công an quá nhiều, vất vả. Từng tham gia các hoạt động trên địa bàn phường, tôi hiểu cán bộ chiến sĩ CAP không chỉ thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình bằng mệnh lệnh, thực hiện chức năng của lực lượng công an mà còn làm cả những việc dung dị, đời thường để giúp đỡ người dân và coi đó là niềm tự hào, vinh dự” - bà Trương Thị Diễm Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Điện Biên bày tỏ. 

Đi qua nhiều Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, chúng tôi đều nhận thấy một điểm chung là tinh thần trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở đối với công việc của mình và được nhân dân ghi nhận. Từ những huyện ngoại thành như Gia Lâm, quận ven đô như Bắc Từ Liêm hay trung tâm thành phố như Ba Đình, mỗi địa bàn lại có những đặc thù rất riêng và lực lượng công an cơ sở phải có cách làm khác nhau với từng địa bàn.

Như ở quận Bắc Từ Liêm, qua gần 5 năm chính thức đi vào hoạt động với trụ sở CAP và lực lượng công an chính quy “gõ cửa” từng nhà dân thay thế cho lực lượng công an xã, những bóng áo xanh đã dần trở nên quen thuộc. Bộ mặt đô thị đổi thay nhờ sự quyết liệt của lực lượng công an. Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo nhờ những bóng áo xanh khép kín vòng tuần tra. 

Ông Dương Văn Cường, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Tân Xuân 2, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm bày tỏ, đây là lần đầu tiên CAP Xuân Đỉnh mở Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Trước đó, vào năm 2014, khi lực lượng CAP chính thức đi vào hoạt động, chỉ huy CAQ Bắc Từ Liêm cũng đã trực tiếp làm việc với Đảng ủy, UBND phường “trao chỉ huy” cho cấp ủy và sau 6 tháng sẽ có kiểm tra, đánh giá. “Đó là mô hình ban đầu sơ khai của Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, còn hội nghị lần này được tổ chức với quy mô rộng hơn, có sự tham gia của đông đảo người dân” - ông Dương Văn Cường cho hay và nhấn mạnh Xuân Đỉnh là một địa bàn rộng, dân số đông, an ninh trật tự phức tạp, nhưng từ khi có lực lượng CAP, tình hình an ninh trật tự có chuyển biến tích cực. Ở các tổ dân phố có lực lượng Cảnh sát khu vực tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, mọi ý kiến của người dân được giải quyết kịp thời. Các thông báo của CAP về đảm bảo an ninh chính trị, công tác phòng chống tội phạm thông qua các cuộc họp đã đến với người dân. 

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lê Văn Toàn, Trưởng CAP Xuân Đỉnh cho hay, Xuân Đỉnh là một địa bàn đan xen với hàng chục chung cư cao tầng và làng quê còn giữ nguyên nét thâm trầm cổ kính cùng nhiều dự án đô thị đang được triển khai rầm rộ. Là một địa bàn giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành, Xuân Đỉnh như một điểm trung chuyển nên tội phạm cũng vì thế mà chọn đây như một nơi ẩn nấp an toàn. Rồi số lượng dân cư tăng chóng mặt vì những công trình cao tầng dần hoàn thiện, trật tự đô thị cũng là một vấn đề. Vì thế những ý kiến ghi từ hội nghị là một cách thức để mỗi cán bộ chiến sĩ CAP phải tự sửa đổi, khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Và cũng từ hội nghị này, những việc chúng tôi đã làm được nhân dân ghi nhận như một lời động viên để mỗi cán bộ chiến sĩ CAP Xuân Đỉnh vững tin, tâm huyết hơn với nghề nghiệp của mình.  

Chuyển hóa thành chương trình hành động

Hàng nghìn ý kiến của người dân tại Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” trên khắp các địa bàn của TP Hà Nội phần lớn tập trung vào đánh giá lực lượng Cảnh sát khu vực - người chiến sĩ Công an nhân dân gần dân nhất. Tiếp sau đó là lực lượng Cảnh sát trật tự - những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị tại mỗi địa bàn rồi đến lực lượng Cảnh sát hình sự. Điều đó có thể thấy mỗi việc làm của lực lượng công an đều được nhân dân quan sát, ghi nhận và đánh giá. Ai làm tốt, ai làm chưa tốt đều được người dân chấm điểm. Qua đó đòi hỏi từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ tận tụy với công việc, thân thiện, gần gũi với nhân dân; chấp hành nghiêm túc kỷ luật kỷ cương, điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác; giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sáng, lành mạnh; giao tiếp ứng xử có văn hóa... xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô.

Trung tá Phạm Doãn Đoàn, Trưởng CAP Điện Biên quận Ba Đình với tinh thần cầu thị đã cảm ơn mọi người dân trên địa bàn phường đã không ngại “nhìn thẳng, nói thật” để giúp lực lượng công an tự soi, tự sửa chữa khuyết điểm, tồn tại, làm việc tốt hơn. Đây cũng là điều mà cán bộ chiến sĩ CAP Điện Biên mong muốn được nghe, để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Chia sẻ về những tồn tại, Trung tá Phạm Doãn Đoàn cho biết trên địa bàn có 22 tuyến phố, với nhiều cơ quan của Đảng, Nhà nước và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo cấp cao… Do vậy, áp lực công việc ở đây rất cao, phần nào ảnh hưởng đến tinh thần, thời gian thực hiện công tác chuyên môn và chất lượng, kết quả công tác của cán bộ chiến sĩ. Đối với công tác giải quyết trật tự đô thị, một số hộ dân quá trình kinh doanh, buôn bán khi thấy vắng bóng của lực lượng công an đã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chủ phương tiện xe máy, ô tô cố tình đỗ dừng sai quy định. Trước những ý kiến của nhân dân, chỉ huy cũng như cán bộ chiến sĩ CAP sẽ có biện pháp, kế hoạch triển khai, xử lý. 

Không giống như các địa bàn khác, từ năm 2016, CAQ Nam Từ Liêm đã tổ chức Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”. Định kỳ 6 tháng/lần, lực lượng Công an các phường đều tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân, thông báo kết quả xử lý kiến nghị của người dân và nghe dân kiến nghị về những phát sinh mới. Cùng với đó, định kỳ hàng tháng, chỉ huy CAQ đều làm việc với Đảng ủy, UBND các phường kiểm điểm công tác liên quan đến an ninh trật tự. Từ đó để chỉ huy, chỉ đạo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chấn chỉnh tư thế tác phong của lực lượng công an, góp phần để lực lượng công an phục vụ nhân dân tốt hơn. 

“Việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn không thể là nhiệm vụ “đơn thương độc mã” của lực lượng công an và chỉ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có sự giúp sức của người dân. Do đó, để người dân cùng vào cuộc thì ngoài sự tuyên truyền cần phải động viên, khích lệ phù hợp để họ có động lực sát cánh cùng lực lượng công an thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Đại tá Lê Đình Thành (Trưởng CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội) 

“Ý kiến của nhân dân là một trong những nội dung để đánh giá cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quản lý. Khi người dân góp ý thẳng thắn thì mỗi cán bộ chiến sĩ phải tự soi, tự sửa lại mình để nhân dân tin tưởng, trở thành chỗ dựa vững chắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Thượng tá Mai Văn Hảo (Phó Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 

“Khi người dân đã lên tiếng thì lực lượng CAP cần phải làm tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ công tác, để không phụ lòng dân. Cần khắc phục những khó khăn tồn tại và thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, hiểu rõ những tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác. Hơn hết là phải chuyển hóa những kiến nghị của nhân dân thành chương trình công tác của CAP”.

Thượng tá Trịnh Quốc Tuấn (Phó Trưởng CAQ Ba Đình, Hà Nội)  

(Còn nữa)