10 năm Hà Nội mở rộng địa giới: Khởi sắc ở những vùng quê

ANTD.VN - 10 năm qua, với sự quan tâm đầu tư thích đáng, bộ mặt nông thôn của Thủ đô đã thay da đổi thịt. Nhiều vùng quê dần thoát nghèo và đầy ắp những nụ cười…

Một góc nông thôn mới ở huyện Mê Linh hôm nay

Đóng góp ý kiến về kết quả sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này. TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, sự kiện mở rộng địa giới hành chính xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Hà Nội; khẳng định sự chủ động và nỗ lực của Hà Nội trong giải quyết các khó khăn, thách thức.

Ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích, trước khi thực hiện chủ trương hợp nhất, người ta lo ngại nhất khi Hà Nội có tới 80% diện tích là đất nông nghiệp, hơn 4 triệu dân nông thôn. Nhìn lại con số đó để thấy, thành tựu xây dựng nông thôn mới hôm nay rất đặc biệt, tạo ra sự đột phá, sự chuyển biến rõ nét, tích cực.

Đổi thay đời sống nông dân

Ngày 1-8 cách đây 10 năm, các xã Yên Trung, Yên Bình và Tiến Xuân của tỉnh Hòa Bình đã được hợp nhất về huyện Thạch Thất, Hà Nội. 10 năm trước, Yên Trung vẫn là một xã nghèo dưới chân núi Ba Vì; thuộc xã vùng sâu vùng xa của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Đời sống của hơn 900 hộ dân Yên Trung (trong đó 85% số hộ là người Mường) chủ yếu trông vào ruộng nương và trồng rừng, thu nhập rất thấp...

Giờ đây, mọi thứ đã khác. Rõ nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, xe máy theo những con đường bê tông thoáng rộng vào tận các ngõ nhỏ. Mỗi ngày hai chuyến xe buýt qua lại Yên Trung - Mỹ Đình. Yên Trung được kéo lại rất gần Thủ đô. Tổng thu ngân sách năm 2017 của xã tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Đời sống 900 hộ dân đang được cải thiện từng ngày. Các công trình phúc lợi công cộng đều được xây mới, đạt chuẩn quốc gia…

Chị Ngô Thị Thương, một nông dân xã Yên Trung, hiện đang làm cho một trang trại rau sạch ở xã cho chia sẻ: “Thu nhập bây giờ khá hơn ngày xưa nhiều. Trung bình mỗi tháng được trên 6 triệu, đủ chi tiêu gia đình và tiết kiệm để mua thêm bò, dê”

Đời sống đi lên, các thiết chế văn hóa cũng được đầu tư đúng mức, Yên Trung giờ đầy ắp những nụ cười mỗi ngày. Nhà văn hóa các thôn được xây dựng; các nét văn hóa của đồng bào Mường được bào tồn, gìn giữ.

Cùng bà con vui vẻ chơi bóng chuyền ở sân nhà văn hóa thôn Đàm Bối cuối giờ chiều, ông Tấn Văn Vẻ cho biết: “Trước đây chúng tôi ăn xong chỉ có đi chăn trâu, chăn bò, đi lấy củi thì nay có nhiều buổi văn nghệ. Xã cũng tổ chức các hoạt động thể thao để người dân rèn luyện sức khỏe. Các hoạt động cộng đồng rất sôi động”.

Diện mạo khởi sắc

Những ngày này, đến Mê Linh đúng dịp kỷ niệm 10 năm huyện hợp nhất về Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, người ta có thể cảm nhận rõ nét về sự đổi thay của một miền quê đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, với những khu công nghiệp được đầu tư quy mô, những công giao thông, văn hóa, xã hội hiện đại…

Từ một huyện thuần nông, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa có trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND và các cơ quan thuộc huyện, đến nay, diện mạo của Mê Linh có nhiều đổi thay rõ nét, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của huyện được quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, 10 năm qua, nguồn lực đầu tư cho các ngành, lĩnh  vực trọng tâm của huyện lên tới 3.563 tỷ đồng, trong đó, trên 1,3 nghìn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo; trên 1,1 nghìn tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông…

“Từ chỗ có tới trên 20% hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ vỏn vẹn 11 triệu đồng/người/năm (thời điểm năm 2008), đến nay, xã chỉ còn 2,5% hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Đó là những con số biết nói thể hiện sự đúng đắn của việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô”, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, ông Lê Xuân Trường nói.

Mô hình trồng bưởi ghép mang lại thu nhập cao cho nông dân Mê Linh

Đầu tư nhân rộng nông nghiệp công nghệ cao

Nhận định thành phố Hà Nội đã giải quyết một lượng công việc khổng lồ trong 10 năm qua, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, diện mạo Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới, an ninh trật tự được giữ vững. 

Đặc biệt, hạ tầng nông thôn được chú trọng, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội đến nay đạt 76,17%, dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Mới đây, với việc có 4 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức được công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, Hà Nội là địa phương có số huyện đạt chuẩn nhiều nhất cả nước. Bên cạnh đó, 294/386 xã trên địa bàn TP cũng đã về đích nông thôn mới - con số một lần nữa đưa Hà Nội đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn.

Đặc biệt, mục tiêu nâng cao đời sống nông dân đã được thực hiện hiệu quả với sự đầu tư thích đáng. Nhiều mô hình nuôi trồng công nghệ cao đã được thành phố đầu tư, hỗ trợ, kêu gọi xã hội hóa, tạo ra nhiều việc làm cũng như nâng cao thu nhập.

Đến nay, thu nhập người nông dân đã tăng gần 3 lần so với năm 2008. Thành phố cũng đang xây dựng nhiều mô hình lớn mang lại thu nhập cao hơn nữa cho ngươi dân mà điển hình là trang trại trồng măng tây Hà Lan ở Thường Tín. Các huyện cũng được điều chỉnh quy hoạch để hướng đến cơ cấu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển bền vững lâu dài...

Những kết quả hiện nay có được chính là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, quá trình triển khai hết sức bài bản, sáng tạo và mục tiêu, thước đo đánh giá cụ thể của TP Hà Nội.

Nhờ những nỗ lực ấy, diện mạo các huyện khó khăn một thời của Hà Nội mở rộng nay đã thay đổi rõ nét. Đời sống người dân được nâng lên chính là cơ sở để tin rằng, những địa bàn vốn gắn với nghèo khó sẽ nhanh chóng bứt phá, trở thành những địa bàn vững chắc cả về kinh tế và văn hóa của Thủ đô Hà Nội…