Chính sách ngoại giao thách thức

ANTD.VN - “Tuần trăng mật” ngắn ngủi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với các vấn đề toàn cầu đã kết thúc. Sau 1 tuần đầu với các mối bận tâm khá bình lặng hay chỉ trong nội bộ, giờ tới lượt các nhân vật từ Nga cho tới Iran thử thách ý chí của tân Tổng thống Mỹ. Trước mặt ông Donald Trump lúc này là hàng loạt thách thức ngoại giao chồng chất.

Nhìn bề ngoài, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới đây của Iran và vụ xung đột mới tái bùng phát ở khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine dường như chẳng có mấy điểm chung và ít liên quan tới tân Tổng thống Mỹ Donald Trummp. Tuy nhiên, không có gì phải nghi ngờ khi cả hai hành động này rõ ràng đều đặt ra thử thách đối với nhà lãnh đạo Mỹ. 

Tiếp sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, như lẽ thường, sẽ bắt đầu công tác ngoại giao của mình. Không ai chắc chắn vị tân Tổng thống hiểu như thế nào về thế giới hay ông sẽ hành động ra sao trước các vấn đề được đặt ra. Tehran và Moskva rõ ràng là đã quyết định tìm hiểu.

Từ lúc ông Trump có cuộc nói chuyện 1 tiếng đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước, bạo lực đã gia tăng đáng kể quanh trung tâm công nghiệp Avdiivka của Ukraine. Không hẳn là ông Trump đã “bật đèn xanh” để ông Putin hành động, song kể từ sau cuộc điện đàm đó, 19 người đã bị chết khi phe ly khai nã pháo vào thành phố 20.000 dân ở Ukraine.

Thời ông Barack Obama làm Tổng thống, ngay sau những vụ tấn công như vậy sẽ có ngay những lời lên án, những lời kêu gọi Nga và các đồng minh quay trở lại với các thỏa thuận ngừng bắn, cũng như có sự hỗ trợ cho Ukraine và những lệnh trừng phạt đối với Moskva từ phía Mỹ và châu Âu. Trong 4 ngày bạo lực gia tăng, các nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, song ông Trump - nhân vật đang còn chân ướt chân ráo trên chính trường - đã không có lời bình luận công khai nào.

Thay vào đó, tới 3 ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đưa ra lời bình luận bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước sự bùng phát bạo lực” và nhắc tới tổn thất của Ukraine, song không nêu tên thủ phạm. Tới ngày thứ tư, Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer mới nói rằng Tổng thống Donald Trump đang “lưu ý” tới tình hình này. 

Các nhà ngoại giao châu Âu ngày càng quan ngại rằng ông Trump ít ra là đang thể hiện một sự thờ ơ. Trong trường hợp xấu nhất, Ukraine có lẽ chỉ là trở ngại phụ thêm đối với mong muốn của nhà lãnh đạo này về việc cải thiện quan hệ với Nga. Ông Ulrich Speck, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại Viện Hoàng gia Elcano, nhận định: “Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương có tính quyết định trong việc đẩy lùi sự xâm lấn của Nga đối với Ukraine trong những năm qua”.

Theo chuyên gia Ulrich Speck, các lệnh cấm vận - được cựu Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel thống nhất - đã giúp ngăn chặn các bước lấn lướt của Nga. Ông Barack Obama và bà Angela Merkel đã quyết định bất cứ một sự cắt giảm trừng phạt nào đều tùy thuộc vào sự tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Minsk từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyên gia 

Ulrich Speck nhấn mạnh: “Nếu sự đoàn kết này bị tan vỡ, Nga có thể cảm thấy được khuyến khích để tái khởi động cuộc chiến ở miền Đông Ukraine nhằm gây bất ổn cho chính quyền Ukraine”.

Hiện đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự đoàn kết đó bắt đầu tan rã. Điện Kremlin đã diễn giải cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin là “khôi phục các quan hệ kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi” - một sự ám chỉ gián tiếp tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.

Ông Colin Kahl, một người tham gia tường tận vào việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine trong Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã bày tỏ quan ngại rằng tân Tổng thống  Donald Trump có thể ủng hộ quan điểm của Nga về các sự kiện và “đổ lỗi cho nạn nhân” gây ra sự chia rẽ với châu Âu. Trên trang Twitter, ông cho rằng mối nguy cơ thực sự là “Ukraine cảm thấy bị bỏ rơi” và người dân Ukraine phải tự đảm nhận giải quyết các vấn đề - khiến bạo lực càng gia tăng.

Ngày 1-2, sau nhiều ngày thoái thác, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã đặt ra một vấn đề nữa cho ông Trump khi thừa nhận rằng nước cộng hòa Hồi giáo này vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Theo một quan chức Mỹ, một tên lửa tầm trung đã được Tehran phóng thử vào ngày 29-1 và đã “thất bại” dù phía Iran tuyên bố là vụ thử đã thành công. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà nó còn là một tuyên bố chính trị. 

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã có giọng điệu cứng rắn đối với Iran, cam kết sẽ ngăn chặn chương trình tên lửa của Tehran và hủy bỏ thỏa thuận kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này. Theo ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của ông Donald Trump, khi trách nhiệm thuộc về tân Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông đã phản ứng “chính thức đặt Iran vào tầm chú ý”. Điều đó có ý nghĩa gì hiện vẫn còn chưa rõ và thậm chí việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ là một động thái khó khăn.   

Theo nghị quyết của Liên hợp quốc, Iran bị cấm tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang vũ khí hạt nhân, song với các vụ thử trước châu Âu đã có phản ứng thận trọng bởi lo ngại phá hỏng thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm các cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.

Một lời kêu gọi trừng phạt cũng sẽ kiểm chứng mối quan hệ đang nảy nở giữa ông Donald Trump với ông Vladimir  Putin, người chắc chắn sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của LHQ về trừng phạt Iran. Các quan chức Mỹ cho rằng họ quyết tâm chứng tỏ cho Iran thấy là đã có một “quận trưởng” mới, song chưa rõ liệu “quận trưởng” mới này có thể áp đặt luật pháp hay không. Rõ ràng là những diễn biến mới nói  trên cho thấy những thách thức ngoại giao chồng chất đang chờ đợi tân Tổng thống Donald Trump!

Iran chuẩn bị trừng phạt trả đũa Mỹ

 Ngày 3-2, Iran đã lên án các biện pháp trừng phạt mới mà Washington áp đặt lên nước này, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh cấm pháp lý với cá nhân và thực thể Mỹ giúp đỡ “các nhóm khủng bố khu vực”. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố đưa vào danh sách đen 13 cá nhân và một vài tổ chức kinh doanh, nhằm tăng cường trừng phạt Iran sau cuộc thử nghiệm tên lửa mới được nước này tiến hành. “Việc Iran tiếp tục hỗ trợ khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo đe dọa đến an ninh khu vực cũng như các đối tác của chúng tôi ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ sẵn có, bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế, để răn đe hành vi này”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết. 

Đặng Vũ (Theo RT)