Chính sách cho nghệ nhân: Mòn mỏi đợi chờ

ANTĐ - Nghệ nhân - những người nắm giữ “hồn cốt” di sản văn hóa phi vật thể có thể lại phải chờ đến cuối năm nay mới được xem xét phong tặng danh hiệu: Nghệ nhân nhân dân (NNND) hay Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu (85 tuổi) truyền dạy ca trù cho các học trò

Nhiều lần trì hoãn

Vào tháng 6-2013, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, Dự thảo “Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể” đã được Bộ VH-TT&DL hoàn thiện để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một lần nữa văn bản này lại bị… hoãn. Theo bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa, tuy Dự thảo đã được trình lên nhưng do chưa tương thích với Luật Thi đua, Khen thưởng - một văn bản cũng đang được chỉnh sửa, bổ sung và chờ Quốc hội xem xét nên đã buộc phải lui lại. Và như vậy, thời điểm để Nghị định này được đưa vào thực tế nhanh nhất phải chờ đến… cuối năm, khi Luật Thi đua, Khen thưởng được thông qua. 

Điều đáng nói là nhiều năm nay, ngoài lĩnh vực nghề thủ công truyền thống do Bộ Công Thương quản lý thì chưa có điều khoản nào quy định về việc xét tặng Danh hiệu cấp Nhà nước cho các lĩnh vực còn lại của di sản văn hóa phi vật thể. Cho đến khi Bộ VH-TT&DL được giao trách nhiệm xét tặng cho các lĩnh vực này, thì dự thảo do Bộ đưa ra cũng đã nhiều lần phải bổ sung, bàn thảo. Theo bà Nguyễn Kim Dung, cách đây khoảng 2 năm, thống kê sơ bộ trên cả nước có khoảng 300 nghệ nhân thuộc tất cả các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn xét tặng NNND, NNƯT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xét tặng vẫn nằm trên… giấy tờ. 

Có nên quy định thời gian?

Trong khi hành trình vinh danh NNND, NNƯT khá gian nan, từ năm 2000, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có quy chế công nhận “Nghệ nhân dân gian” nhằm tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội cho biết, tính đến thời điểm này, trên cả nước có gần 400 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… được trao tặng danh hiệu này. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, việc xét tặng không cần thiết dựa trên thời gian thực hành di sản (từ 15 năm đối với NNƯT, từ 20 năm đối với NNND) mà dựa trên trình độ, sự hiểu biết của nghệ nhân cũng như khả năng trình diễn, truyền dạy loại hình di sản ấy. 

GS Tô Ngọc Thanh cho biết, hiện có nhiều nghệ nhân chưa được biết đến và ghi nhận cho dù đóng góp của họ cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là hết sức to lớn. Có những nghệ nhân ở những vùng sâu, vùng xa, còn chưa thạo hết mặt chữ nhưng hàng chục năm vẫn miệt mài, tâm huyết với nghề. Hầu hết đều đã tuổi cao, sức yếu, nhiều người trong số họ có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nếu không có chế độ đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng thì không có gì đảm bảo các nghệ nhân còn đủ sức và tâm huyết truyền dạy lại những tri thức văn hóa quý báu đang có nguy cơ mai một. 

Trao danh hiệu là chưa đủ

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là sau khi việc vinh danh được hoàn tất, các nghệ nhân sẽ được hưởng những quyền lợi gì. Về phía Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhiều năm qua, Hội đã vận động nguồn tài trợ từ nước ngoài để hỗ trợ cho các nghệ nhân lớn tuổi, tuy nhiên, nguồn kinh phí này khó có thể duy trì được lâu. Cùng với đó, việc trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” kèm theo số tiền thưởng 1,2 triệu đồng mới chỉ mang tính động viên bước đầu cho những người nắm giữ di sản. 

Được biết, Bộ VH-TT&DL đã có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH… đưa ra Dự thảo về các chính sách đãi ngộ đối với NNND, NNƯT. Đó là quy định về chế độ trợ cấp bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp hàng tháng cho những nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn đã được Nhà nước phong tặng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay là các bộ, cơ quan cần phân công rõ trách nhiệm và đơn giản hóa những thủ tục, tiêu chuẩn vốn đã gây ra nhiều lần lỗi hẹn không đáng có đối với một việc tưởng chừng như không mấy phức tạp này. Khi các nghệ nhân không thể chờ thêm, thì vẫn chưa rõ đến khi nào những quy định này trở thành sự thực. Sẽ còn rất nhiều những nghệ nhân cả một đời cống hiến, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa nhưng chưa một lần hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước, như cụ Hà Thị Cầu, “báu vật dân gian” của nghề hát xẩm, người đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 3 vừa qua…