Chính quyền Kiev và trở ngại trên con đường gia nhập NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, đã dấy lên câu hỏi liệu NATO có “thần tốc” chấp thuận đơn cấp tốc xin gia nhập khối mà chính quyền Kiev vừa gửi đi?

Ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 30-9 cho biết, nước này đang nộp đơn “cấp tốc” để gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) . Nhà lãnh đạo Kiev bày tỏ, Ukraine và NATO đều tin tưởng lẫn nhau, giúp đỡ và cùng bảo vệ nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là những hành động mà các đồng minh trong một liên minh thường đối xử với nhau. Còn cố vấn thân cận của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy là ông Mykhailo Podolyak bày tỏ sự lạc quan rằng, Ukraine sẽ được gia nhập khối liên minh quân sự phương Tây “ngay sau khi Nga thua trận”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Giới chức Kiev tin rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 năm nay, đã đồng ý trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine chỉ sau 4 tháng nộp đơn với sự đồng thuận cao là một bước tiến không tưởng, một chỉ dấu quan trọng cho thấy NATO cũng sẽ có hành động tương tự. Tuy nhiên, quyết định của Hội đồng châu Âu thực ra là động thái mang tính biểu tượng đối với Ukraine, bởi đây chỉ là sự khởi đầu của một quá trình phức tạp và lâu dài, nếu xét đến “các tiêu chuẩn không thể hạ thấp của EU” về kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là về tự do, nhà nước pháp quyền và nhân quyền. Hơn nữa, mặc dù có sự tương đồng đáng kể giữa các thành viên của EU và NATO, nhưng dù sao EU cũng chỉ là khối liên minh chính trị-kinh tế, còn NATO là một tổ chức quân sự, nên việc xét kết nạp các thành viên sẽ phức tạp hơn, đặc biệt là đối với các nước đang có tình trạng chiến tranh.

Trở ngại lớn nhất đối với chính quyền Kiev trên con đường đưa đất nước gia nhập NATO chính là việc Ukraine đang có xung đột quân sự với Nga. NATO sẽ không bao giờ kết nạp một quốc gia đang có xung đột quân sự và tranh chấp lãnh thổ, bởi tự nhiên họ sẽ bị kéo vào một cuộc chiến “từ trên trời rơi xuống”. Rất nhiều quốc gia trong NATO sẽ không hào hứng với viễn cảnh đất nước mình tự nhiên phải cung cấp tiền bạc, gửi quân đến hy sinh xương máu cho một đất nước khác, điều mà họ hoàn toàn có thể né tránh được nếu không đồng ý cho Ukraine gia nhập NATO.

Họ sẽ càng e dè hơn khi địch thủ của Ukraine chính là Nga, một trong hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ lớn nhất thế giới và một số đòn bẩy kinh tế đáng e ngại như: Dầu mỏ, khí đốt, titan… Do đó, dự kiến việc đưa đất nước gia nhập NATO của chính quyền Kiev sẽ mất một thời gian dài do cần sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong liên minh, mà ngay cả một số cường quốc NATO châu Âu như: Pháp, Đức cũng không ít lần phản đối việc kết nạp Ukraine trong tương lai gần.

Những dự đoán của các chuyên gia đã được chứng minh bằng những phát biểu của các quan chức Mỹ, NATO ngay sau khi chính quyền Kiev gửi đơn xin gia nhập NATO theo quy chế “khẩn cấp”. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 30-9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, Washington đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong nhiều thập kỷ là Mỹ ủng hộ chính sách mở cửa đối với các nước muốn gia nhập NATO, nhưng Ukraine nên nộp đơn “vào một thời điểm khác”.

Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30-9 cũng đã tuyên bố về việc Liên minh quân sự phương Tây đưa ra cam kết bền vững về sự ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sẽ hết sức hỗ trợ đất nước này trong cuộc chiến với Nga. Ông Stoltenberg chỉ ra, các thành viên NATO ủng hộ việc Kiev “lựa chọn con đường riêng của Ukraine” và đang nỗ lực giúp đỡ đất nước này. Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cũng lưu ý thêm rằng, khối này “không phải một bên trong xung đột ở Ukraine”. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, việc trao tư cách thành viên cho Ukraine phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 30 nước thành viên. Và trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đang gia tăng căng thẳng hiện nay, việc chính quyền Kiev xin gia nhập NATO chưa được bàn tới lúc này.

Như vậy, rõ ràng là chừng nào cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa ngã ngũ và tình trạng “tranh chấp lãnh thổ” giữa Matxcơva và Kiev còn chưa kết thúc thì NATO sẽ không bao giờ chấp nhận kết nạp nước này làm thành viên. Để gia nhập NATO, Ukraine sẽ chỉ có 2 lựa chọn hết sức khó khăn. Một là: Đánh bại Nga, đẩy quân đội Nga về bên kia biên giới, chấm dứt xung đột và thu hồi tất cả 4 vùng lãnh thổ mà Nga mới sáp nhập. Hai là: Ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận mất 4 vùng lãnh thổ trên vào tay Matxcơva.