Chính quyền "bật đèn xanh" cho “hợp thức hóa” công trình sai phép?!

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép lấn chiếm bờ sông được tồn tại hợp pháp bởi sự “gật đầu” của chính quyền địa phương

Chính quyền "bật đèn xanh" cho “hợp thức hóa” công trình sai phép?!

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép lấn chiếm bờ sông được tồn tại hợp pháp bởi sự “gật đầu” của chính quyền địa phương

UBND TPHCM đã có Chỉ thị 09 tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng trên địa bàn TPHCM, trong đó, nghiêm cấm các hành vi xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn bờ và lấn chiếm trái phép sông, suối, kênh, rạch… Các sở, ngành và địa phương không được cấp phép xây dựng và hợp thức hóa nhà. Thế nhưng trên thực tế, nhiều địa phương vẫn cho phép việc xây dựng các công trình vi phạm này. 

Chính quyền “bật đèn xanh”

Dọc theo tuyến sông Sài Gòn, công trình xây dựng lấn sông hoặc xây dựng trên hành lang bảo vệ bờ sông đang “mọc” lên khá nhiều, đặc biệt là khu vực huyện Củ Chi. Tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, công trình nhà gỗ của bà Nguyễn Thị Mão đang xây dựng rầm rộ với diện tích khoảng 140 m2, có móng đà kiềng chân cột bê tông cốt thép.

Công trình xây dựng nhà ở của bà Nguyễn Thị Mão trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn được UBND xã Bình Mỹ “bật đèn xanh”. Ảnh: THU SƯƠNG

Công trình xây dựng nhà ở của bà Nguyễn Thị Mão trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn được UBND xã Bình Mỹ “bật đèn xanh”. Ảnh: THU SƯƠNG

Công trình này nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Pháp lý duy nhất để xây dựng công trình này chỉ là giấy đăng ký xây dựng với cam kết của chủ nhân là sẽ tự phá dỡ không đền bù nếu Nhà nước thu hồi đất. Giấy đăng ký này đã được ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, xác nhận kèm theo yêu cầu “khi xây dựng phải bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường xung quanh, báo Ban Nhân dân ấp 4A và tổ Thanh tra Xây dựng xã kiểm tra”. Có thể nhận ra một thực trạng là địa phương đang “lách” quy định của TP bằng giấy chứng nhận xây dựng như một hình thức cấp phép xây dựng tạm. Trên địa bàn xã Bình Mỹ không chỉ có trường hợp của bà Nguyễn Thị Mão, chúng tôi còn phát hiện nhiều trường hợp khác như hộ ông Phan Trung Hiếu, Ngô Thanh Vương, Trịnh Tự Nhiên… cũng được xã “bật đèn xanh” xây dựng trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn theo hình thức này.

Tiền hậu bất nhất

Đầu năm 2010, Khu Quản lý đường sông TPHCM phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Lắm (ngụ 5/12B Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) xây dựng một công trình bê tông cốt thép, dạng nhà sàn, lấn ra sông Bà Chiêm khoảng 40 m2 nên đã báo chính quyền địa phương xử lý. Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè đã ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu ông Lắm tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng ban đầu. Nhưng quá thời hạn quy định, ông Lắm vẫn không chấp hành nên Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè tiếp tục ra văn bản nhắc nhở.

Vụ việc kéo dài đến tháng 6-2010, UBND xã Nhơn Đức bỗng có văn bản đề nghị huyện cho công trình sai phạm trên được tồn tại với lý do: Hành vi vi phạm không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Bà Chiêm, không gây ô nhiễm môi trường và làm tăng độ kiên cố tuyến đường Nguyễn Bình chạy dọc sông Bà Chiêm. Bất ngờ hơn, Thanh tra Xây dựng huyện Nhà Bè cũng thống nhất với đề nghị của xã Nhơn Đức.

Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Văn Trường, có bút phê  “thống nhất” với đề xuất của xã và Thanh tra Xây dựng huyện để công trình được tồn tại! Trao đổi với phóng viên, ông Trường cho rằng “để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép của ông Lắm là lỗi của xã Nhơn Đức. Việc đã lỡ nên chấp nhận cho công trình tồn tại đến khi  nào Khu Quản lý đường sông có dự án làm bờ kè chống xói lở sẽ tháo dỡ luôn một thể!”. Tương tự, Thanh tra Sở GTVT TP phối hợp với Thanh tra Xây dựng xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi kiểm tra, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm đối với  ông Lại Văn Lập về hành vi làm nhà sàn bằng cọc bê tông, lấn sông Sài Gòn 35 m2. Tuy nhiên, ông Lập không thực hiện biện pháp khắc phục nên Sở GTVT tiếp tục gửi thông báo về địa phương, đề nghị khắc phục triệt để sai phạm.

Sau đó, xã Nhuận Đức có công văn thông báo cho Sở GTVT rằng: Ông Lập đã tự nguyện tháo dỡ một nửa công trình sai phạm, phần còn lại cam kết tự tháo dỡ vô điều kiện khi Nhà nước yêu cầu. Điều đáng nói là xã Nhuận Đức lại đề nghị ngược lại Sở GTVT “xem xét giải quyết” trường hợp này với lý do: Phần công trình để lại không làm ảnh hưởng đến giao thông hay dòng chảy của sông Sài Gòn. Hơn nữa, hộ ông Lập là gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo vừa mới vay vốn để xây dựng công trình.

Văn bản của UBND xã Nhuận Đức cho thấy địa phương đã làm sai 3 điều: Thứ nhất, không quản lý chặt việc xây dựng trên địa bàn; thứ hai, khi phát hiện sai phạm không xử lý triệt để; thứ ba, thiếu sâu sát trong việc cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, không hướng dẫn để xảy ra tình trạng sử dụng nguồn vốn vay không hợp lý. Nếu khu vực này bị sạt lở, người dân không chỉ mất tài sản, vốn vay không phát huy được hiệu quả mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Tất nhiên, việc “kể nghèo” giùm ông Lập không được Sở GTVT chấp nhận và đề nghị xã Nhuận Đức phải giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm của hộ này. Theo ghi nhận của chúng tôi, vào ngày 21-4, tình trạng xây sai phép của ông Lập vẫn chưa được khắc phục, dẫu chỉ là một nửa như UBND xã Nhuận Đức đã thông báo đến Sở GTVT TPHCM.

Bờ sông đang bị xà xẻo

Theo các chuyên gia lĩnh vực chỉnh trị sông ngòi, dự án kè hóa hoàn toàn các bờ sông, kênh, rạch của TP để bảo vệ bờ và luồn tuyến cần một khoản kinh phí đáng kể mà trong thời gian ngắn có thể TP chưa thực hiện được.

Trong thời gian chờ đợi dự án, cách bảo vệ bờ sông, kênh, rạch duy nhất mà TP có thể thực hiện được để tránh sạt lở là tránh chất tải thêm hành lang bảo vệ bờ cũng như bờ sông, kênh, rạch. Trong khi thực tế hiện nay, nhiều bờ sông ở TPHCM đang bị xà xẻo.

Theo THU SƯƠNG - LÊ UYÊN

Người Lao Động