Chìm nổi

ANTĐ - Một lần tôi tạt vào làng Đường Lâm thăm nhà người bạn văn làm việc ở Báo Văn nghệ, anh tên là Hà Nguyên Huyến. Hôm ấy anh Huyến đi đâu vắng, chỉ có người vợ nguyên là bà giáo giờ kiêm luôn cả công việc làm tương là đang ở nhà. Đường Lâm có hai sản phẩm nức tiếng đấy là bánh tẻ và tương. Trong căn nhà cổ năm gian treo bức hoành phi chữ đẹp, tôi ngắm chữ và hỏi, phải đọc thế nào đây? Chủ nhà mau mắn trả lời, đấy là ba chữ các cụ nhà em để lại, Cửu tắc trưng, nghĩa là chìm tất nổi.

Hôm ngồi ở nhà anh Huyến hồi lâu rồi lại theo anh Phan Kế Hoàng cháu nội cụ Phan Kế Toại sang thăm ngôi nhà thờ của gia đình anh. Một nếp nhà nhỏ đồ đạc chẳng có gì đáng kể nhưng trên bức tường thanh bạch lại có treo một bức ảnh quý, cụ Hồ đứng với cụ Phan tay cầm tay cười vui lắm. Cả hai cùng mặc đại cán, tóc bạc phơ. Râu mép cụ Phan rậm, râu cụ Hồ ba chòm phơ phất. Nghe kể hai cụ đánh bạn với nhau từ thuở thơ dại trong kinh thành Huế. Tiếng cùng là con nhà quan mà lớn lên mỗi người một phận. Người làm đến Kinh lược xứ Bắc kỳ, người lại lang bạt phong trần. Ngoài hai mươi tuổi cụ Phan đậu cử nhân Hán học, người Pháp đến nhà bảo anh tội gì vội ra làm quan, nên qua Paris học thêm mấy năm Cao đẳng hành chính rồi về cũng chưa muộn. Chuyến ấy cụ Phan cùng với Phó bảng Bùi Kỷ ngồi trong khoang VIP con tàu khách lênh đênh trên biển, vừa ngắm trời ngắm nước vừa làm thơ. Còn chuyến đi của cụ Hồ qua bên đó là một con tầu cũ nát sắp đưa về cảng làm đống sắt bảo tàng, trên tầu cụ giữ chân phụ bếp, bỏ than. Một sáng kéo sọt khoai trên sàn tàu suýt bị sóng lôi xuống biển.

Vào mùa đông đầu tiên lên Việt Bắc kháng chiến, trên đường lội rừng đi họp Chính phủ, cụ Phan ôm khư khư trong tay một gói bọc giấy báo bên trong là cái chân giò sống được ngâm vào chum tương đủ một năm. Sau buổi họp cụ Phan mang cái bọc đó tới đặt nhẹ vào tay cụ Hồ nói khẽ bằng một câu tiếng Pháp, thưa cụ đây là quà năm mới bà nhà tôi làm nhờ tôi chuyển lên. Năm sau lại cuối đông, họp Chính phủ xong cụ Hồ đến bên cụ Phan ân cần hỏi, cũng bằng một câu tiếng Pháp, bà nhà dạo này có khỏe không thưa cụ, nhờ cụ nhắn giùm là cũng lại sắp Tết rồi, tôi vẫn có ý đợi quà của bà ấy.

Mới hiểu thế nào là Cửu tắc trưng. Hình như quy luật ấy đúng với mỗi người trong chúng ta chứ chẳng riêng gì ai.

Chìm nổi vốn là chuyện thường thấy với mỗi người cũng như với cả một dân tộc. Điều đáng nói là cần phải biết hy vọng, vững vàng niềm tin, vững vàng nghị lực để vượt lên, chìm mãi rồi có lúc cũng phải nổi.