Rắn thần hay đồn nhảm (2)

Chiêu thức tung tin đồn từ... rắn

ANTĐ - Bạn đọc hẳn chưa quên câu chuyện người hóa rắn của anh Nguyễn Văn Toàn đã được An ninh Thủ đô cuối tuần đề cập tới trong kỳ trước. Để mong anh Toàn thoát khỏi kiếp rắn gia đình anh đã tự lập miếu thờ rắn ở chính nơi mà ông Thảo, bố anh Toàn bắt được con rắn. Kể từ ngày xây miếu đến nay, nhà ông Thảo vẫn thường xuyên trông nom việc thờ cúng miếu Long Thần. Trong không gian nhỏ của gian miếu ngoài tiền vàng, hương hoa, lúc nào cũng có 10 quả trứng gà sống, 1 đĩa gạo và một đĩa muối trắng.


Miếu Long Thần -  đồ của các bà đồng bà cốt

Thỉnh thoảng, những quả trứng trong miếu bị mất dần, người ta đồn nhau là do “rắn thần” đến ăn. Người dân thì vốn sợ những điều phạm đến thần thánh nên câu chuyện về miếu Long Thần vẫn được rỉ tai nhau một cách hoang mang sợ hãi. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết  câu chuyện anh Toàn hóa rắn hoàn toàn do người nọ nói với người kia chứ không ai nhìn thấy tận mắt. Chính vợ ông Thảo và anh Toàn cũng phủ nhận việc ông Thảo bắt được rắn thần, khâu miệng nó lại khiến người bị rắn nhập. Tuy nhiên do lúc đó, trong làng rộ lên thông tin con ông Thảo bị rắn trả thù. Vì hoang mang, sợ hãi nên gia đình ông Thảo đã nghe theo lời một bà đồng lập miếu thờ đề trừ tà và chính vì vậy miếu thờ này vẫn còn cho đến bây giờ.  Khi chúng tôi đến gặp người phụ nữ được cho là có công “móc nối” gia đình ông Thảo với “cô” ở Hải Dương để trừ tà ma để anh Toàn không hóa rắn nữa thì được bà ta trả lời rằng: “Nếu muốn tìm hiểu thì đến gặp cô ở Hải Dương, còn miếu thờ thần đây, ai có lòng thì đến”.

Miếu thờ rắn dựng lên đã khiến người dân trong khu vực hoang mang, mà phải đến cúng lễ, một đồn mười, mười đồn trăm, thậm chí có những gia đình còn bày biện những mâm lễ đến hàng triệu đồng, mời thầy cúng ở nơi khác về mong có cuộc sống bình an. Như vậy là đã rõ đây chỉ là ý đồ các bà đồng bà cốt cố tình tuyên truyền mê tín dị đoan, tung tin đồn nhảm, gây hoang mang cho người dân để trục lợi cho bản thân.

“Rắn trả thù người”- cả làng sợ hãi

Nóng hổi nhất thời gian qua là vụ việc rắn trả thù người ở thôn Bích Thủy, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo thông tin mà người dân truyền tai nhau thì trong quá trình di chuyển mộ tổ bà về gần mộ tổ ông của dòng họ Lương Văn tại địa chỉ trên đã bắt được 2 con rắn thần. Những người bắt rắn đem bán và ngâm rượu đã bị rắn trả thù bằng cách bắt những người còn sống của dòng họ kia phải chết. Và kết quả là có tới 13 người của dòng họ này bị chết kể từ khi di chuyển mộ tổ.

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận, chúng tôi đã tìm về Bích Thủy thì được gia đình cho biết, việc dòng họ có nhiều người bị chết là có thật, nhưng đã bị những người cuồng tín thổi phồng một cách quá đáng. Ông Lương Văn Tháp, trưởng một chi của họ Lương Văn cho biết: Đúng là trong thời gian qua, họ Lương Văn có nhiều người chết nhưng ai cũng có lý do cả, chứ không ai đột nhiên qua đời.

Chúng tôi đã thống kê, có 5 cụ chết già, 2 người bị ung thư, 2 người bị tai nạn giao thông, 3 người chết do uống quá nhiều rượu. Trong đó, nhà ông Tài, bố đẻ anh Sinh (người chỉ huy việc chuyển mộ và mang rắn đi bán) là thiệt hại nhiều nhất về người. Vợ ông, em ruột ông, 3 người con trai đồng loạt qua đời, trong đó vợ ông và 2 người con trai chết cách nhau đúng một trăm ngày, còn người con trai thứ 3 mới chết cách đây hơn chục ngày. Người con này của ông, khi đưa đến bệnh viện, bác sỹ kiểm tra đã phát hiện gan đã khô do uống quá nhiều rượu. Dù bị mất nhiều người thân nhất nhưng ông Tài không hề tin là do con ông bắt rắn đi bán mà nhà ông gặp tai ương, bởi theo ông, nếu có trả thù thì phải ứng vào anh Sinh chứ không thể vào những người con khác, trong khi anh Sinh vẫn khỏe mạnh bình thường.

Ông Tháp cho chúng tôi biết: Chưa bao giờ các bà đồng, bà cốt lại nhiều đến như vậy ở địa phương ông. Không chỉ trong xã ngoài làng mà các bà còn đi sang tận huyện tỉnh khác để xem bói, còn người dân thì  bất cứ việc gì cũng hỏi đến thánh thần. Sự mông muội lên đến đỉnh điểm khi bất cứ việc gì trong họ làm dù đã được bàn thảo kỹ lưỡng như chuyển mộ tổ bà, xây đình và cổng đình trên nền đất cũ, trồng cây đa trong đình, đặt đôi voi, cuốn thư bằng xi măng trong sân đình cũng bị coi là phạm thánh thần. Các đệ tử của bà đồng, bà cốt còn nói với dân họ Lương Văn là bây giờ nếu không cúng bái linh đình thì họ Lương cứ bốc mộ là có người nằm xuống khiến cả ông trưởng họ Lương, vợ chết ung thư từ năm 2009 - người cũng được coi là nằm trong danh sách rắn thần bắt đi - giờ cũng không dám thay áo cho vợ.

Ông Đồng Thế Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức, cho biết: Khi một số bài báo thông tin như vậy, thực tế ngoài Chí Linh thì xôn xao, tôi đi học phải mua một tờ báo phô tô nói về quê hương mình với 20.000 đồng, còn ở đây dân Văn Đức không hề biết gì. Đây là một địa bàn thuần nông, không có nghề phụ nhưng dân Văn Đức giàu vì có nghề rươi. Đồ nhắm hàng ngày có sẵn, nên hầu như đàn ông ai cũng uống rượu, và đây cũng chính là lý do khiến nhiều người chết do rượu. Trong khi đó, họ Lương Văn là một họ lớn, với 8 chi, mỗi chi lên đến vài trăm người, riêng làng Bích Thủy đã được 140 năm thì trong vòng 4-5 năm có 7 người chết vì bệnh thì cũng không phải là con số quá khủng khiếp.

Đi tìm nguyên nhân của những lời đồn nhảm này chúng tôi được biết, đây là hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan trong nhân dân của những cá nhân vẫn được coi là cậu, cô. Từ sự tình cờ ngẫu nhiên họ đã thêu dệt nên những câu chuyện kỳ bí để rồi người dân lo sợ, cúng bái và đương nhiên họ có chỗ làm ăn. Ông Tháp thông tin, họ còn vận động bà hội trưởng hội quy (hội của các bà đi chùa) làm một lễ cúng tại đình làng nhưng không được các cụ cao niên trong làng đồng ý, mặc dù trước đó đã đi quyên tiền từ các hộ gia đình với mức thu từ 50.000-100.000/hộ. Không thực hiện được tại đình làng, những người đi quyên góp phải trả lại các hộ gia đình, nhưng rồi vẫn có nhà mê muội đi cúng tại đền khác với giá 50 triệu đồng.

Mong những ngày bình yên

Đó là vụ việc xảy ra tại Vân Gia, Trung Sơn, Sơn Tây. Cách đây mấy năm, tại vùng này giữa những ngày người dân đang ồn ào làng bị động long mạch thì tại nhà bà cụ R, giữa trưa nắng, cụ nhìn thấy một con rắn khá lớn nằm vắt ngang miệng giếng. Cụ gọi con cháu đến và gia đình xác định con rắn khá lớn, quyết tâm bắt để bán hy vọng sẽ có một món lời kha khá. Nhưng khi vừa quây vòng vào con rắn thì nó tỉnh dậy, thấy nhiều người liền buông mình xuống giếng. Chờ mãi không thấy con rắn đâu, cháu nội cụ R liền mượn máy bơm hút hết nước, nhưng kỳ lạ là giếng không có hang, ngách, đáy phẳng lỳ nhưng con rắn thì như chưa bao giờ xuất hiện. Sau đó, như một sự tình cờ, con trai, con dâu cùng cháu nội cụ R đều đột ngột qua đời vì bị cảm.

Dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự liên quan giữa việc bắt rắn nhà cụ R với những cái chết, nhưng con cháu cụ vẫn đi tìm thầy bói, thầy cúng nhằm hóa hạn cho nhà mình. Ông Chu Văn Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, Sơn Tây nói: “Không thể nhìn thấy một vài trường hợp mà đồn thổi rằng cả làng náo loạn, hốt hoảng vì ma ám. Hơn ai hết người dân ở Vân Gia hiểu rõ nguyên nhân những cái chết, trực tiếp chứng kiến những cái chết ở làng họ nên ít bị hoang mang còn những người ở nơi khác nghe những tin đồn thất thiệt này sẽ không tránh khỏi hốt hoảng, nghi ngờ và khi có những cái chết bất đắc kỳ tử ở những địa phương nào đó thì nguyên nhân đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là do việc làm động đến những vật linh thiêng. Vô hình trung, đây là hình thức tuyên truyền cho mê tín dị đoan”.

Điểm qua các vụ việc nêu trên có thể thấy sự “lộng hành” của những cô những cậu, những ông những bà thầy cúng được coi là có khả năng “hô mưa hoãn gió”, “đuổi ma trừ tà”. Điều rất nguy hiểm là việc tung tin đồn nhảm đã gây mất niềm tin trong nhân dân, mất an ninh trật tự.

Khi chúng tôi rời Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương, cụ Lương Văn Tháp và ông Đồng Thế Chung, Phó Chủ tịch UBND xã đều nói: Chúng tôi đã báo cáo việc này lên lãnh đạo cấp trên và sẽ mở một hội nghị an dân trong những ngày gần nhất vì trước đây, khi có người chết người dân Bích Thủy cho là bình thường nhưng khi có dư luận thì người dân đang rất hoang mang, sợ hãi. Chúng tôi hy vọng, ngày bình yên sẽ đến với những vùng quê đang bị “rắn thần” báo thù.

Có hay không “rắn thần” đã rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp tới bạn đọc ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng về vấn đề này. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trong số ANTĐ Cuối tuần tiếp theo.