Chiều nay, bản vùng biên có hội…

ANTĐ - Ở nơi núi đá tai mèo trùng điệp ấy, đồng bào chỉ quen với buổi chợ phiên nồng say men rượu, chứ hiếm khi được xem biểu diễn xiếc thú hay những pha tung hứng nghệ thuật lạ lẫm và khéo léo như thế. Những ngày lưu diễn trên bản làng cao nguyên đá Hà Giang của “gánh xiếc Hà Nội” đã trở thành ngày họp của chợ phiên đặc biệt - chợ phiên không có hương rượu ngô nhưng lại làm say những ánh mắt đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Khán giả không chỉ được thưởng thức những màn biểu diễn đặc biệt
mà còn được giao lưu với các nghệ sỹ

Ngược về miền đá núi

Đường núi quá xa, nhiều đoạn cua xe lắc vặn như thách thức những người nghệ sỹ tài hoa trong Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Về vùng biên địa đầu Tổ quốc này, những chiến sỹ Công an làm báo không mang theo thực phẩm, áo quần hay chăn ấm như mọi lần mà mang món ăn tinh thần chất chứa tình cảm và ý nghĩa để bà con miền đá núi cải thiện đời sống văn hóa của mình. 

Đã trực tiếp đi rất nhiều chuyến trao tặng nhà, quà cho đồng bào nghèo ở vùng núi biên cương Hà Giang, Đại tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô hiểu rõ nơi ấy bà con đang “khát” gì nhất. Đó là lý do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức chuyến lưu diễn dài ngày phục vụ miễn phí đồng bào, chiến sỹ nơi biên viễn.

Chuyến xe ngược về miền cao nguyên đá mang đầy tình cảm và sự háo hức của những nghệ sỹ, diễn viên thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lần đầu được về cực Bắc. Còn ở nơi phên giậu của Tổ quốc, khi hay tin đoàn công tác đã khởi hành từ Hà Nội, những người lính biên phòng cùng Tỉnh đoàn Hà Giang khấp khởi chờ đón. Trong cái bắt tay thiện tình của Đại tá Phạm Hồ Quang - Phó Chính ủy Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Hà Giang tiếp đoàn, chúng tôi thấy được niềm vui và sự trân trọng của những người lính quân hàm xanh dành cho đoàn công tác thật đặc biệt. “Tôi nhận được thông tin về chương trình của Đoàn biểu diễn xiếc miễn phí phục vụ đồng bào, chiến sỹ biên giới, và đã giao nhiệm vụ đến những nơi Đoàn sẽ biểu diễn. Các anh chị cứ yên tâm, nơi mình đến cần gì sẽ được anh em đồn, trạm hỗ trợ hết mình để chuyến công tác đạt kết quả tốt”, Đại tá Phạm Hồ Quang cởi mở. Người lính là thế, nhất lại ở nơi biên cương có khoảng cách về địa lý với Thủ đô thì sự có mặt của đoàn lại càng được quý mến hơn. 

Trời biên cương mùa này mưa, nắng thất thường. Lúc chúng tôi đến Đồn biên phòng thị trấn Phó Bảng, Đồng Văn để chuẩn bị cho buổi diễn phục vụ bà con ở thị tứ biên cương này, trời sầm sập đổ mưa. Nghệ sỹ Tống Toàn Thắng - nghệ sỹ biểu diễn xiếc trăn - Trưởng đoàn lưu diễn đang lo lắng thì được Trung tá Phạm Ngọc Thủy, Đồn biên phòng Phó Bảng cho hay: “Đoàn mình yên tâm, chúng tôi đã có hai phương án, diễn trong hội trường và ngoài trời đều được chuẩn bị kỹ càng, tùy thời tiết ta lựa chọn”. Đêm biểu diễn, hội trường chật kín chỗ. Các cửa sổ hội trường cũng không còn ô thoáng. Vậy mà những dòng người trên bản xa vẫn nườm nượp đổ về. Trong tiếng cười giòn tan như muốn vỡ không gian rộng lớn của hội trường Đồn biên phòng Phó Bảng, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt thích thú của trẻ thơ đắm chìm vào từng vai diễn, hay ánh mắt lạ lùng và cả… sợ hãi của người lớn lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy con trăn quấn chặt rồi quật ngã diễn viên trên sân khấu…

Chiều nay, bản vùng biên có hội… ảnh 2
Đêm diễn phục vụ chiến sỹ, đồng bào tại sân đồn Biên phòng Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang

“Say” hương vị món ăn tinh thần

“Trước đây, mình chỉ thấy các anh bộ đội mang phim về bản chiếu phục vụ bà con chứ chưa bao giờ được xem diễn xiếc như hôm nay. Mình thấy hay quá, lần đầu tiên được nhìn thấy con trăn to bò lên người diễn viên như vậy”- anh Thào A Du, 39 tuổi ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn bộc bạch. Đối với đa phần đồng bào ở khu vực biên giới Hà Giang, tiếng là ở vùng rừng núi nhưng đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến loài vật vốn khởi xuất từ núi rừng. Hôm ấy, không gian chợ phiên Phó Bảng đã thành ngày hội của bà con dân tộc khắp vùng. Từng đoàn người xuống núi từ sớm để chọn chỗ đứng dễ xem. Nhưng không gian của chợ đã không đủ rộng để làm thỏa lòng đồng bào. Vẫn rực rỡ những sắc màu thổ cẩm điểm sắc thắm núi rừng biên cương, chợ phiên hôm nay khác hẳn những phiên truyền thống. Những mâm rượu góc chợ mọi khi là tâm điểm của những đôi bạn hẹn hò, gặp mặt, nay vắng bóng kẻ nồng say, vắng bóng những người chủ bán rượu. Họ gác lại những can rượu đầy bên góc chợ, tập trung ánh mắt vào những nghệ sỹ đang phô diễn tiết mục kỳ tài bị vòng người chen nêm chật cứng. “Cháu xuống chợ muộn nên chỉ đứng từ xa xem được một ít. Cháu rất thích, đây là lần đầu tiên có đoàn xiếc về bản”- Lù Mí Giàng ở Lũng Táo, Đồng Văn hồn nhiên nói. Ông Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phó Bảng phấn khởi cho biết: “Đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với bà con nơi này. Chúng tôi gửi lời cảm ơn đến Báo An ninh Thủ đô, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mang về bản món quà đặc biệt động viên tinh thần bà con, chiến sỹ nơi biên cương của Tổ quốc”. 

Lúc “hội tan”, ông Nguyễn Trung Kiên tiết lộ, lý do ông đề nghị đoàn xiếc diễn tiếp buổi thứ 2 ở chợ Phó Bảng là vì tối hôm trước khi buổi diễn ở hội trường Đồn biên phòng kết thúc, nhiều bà con phải đứng ngoài vì quá đông nên đã “phạt” ông Chủ tịch và đề nghị phải cho xem xiếc bù vào sáng hôm sau. “Tôi thương đồng bào, bởi “đói” cái ăn còn tìm cách lao động làm no cái bụng được chứ đói thông tin, đói văn hóa thì không phải muốn bù là được ngay. Chính vì vậy, tôi đề nghị với nghệ sỹ Trưởng đoàn và được anh chấp nhận ngay ”- ông Kiên phấn khởi. Thì ra là vậy, lời đề nghị của bà con Phó Bảng đến với diễn viên, nghệ sỹ của đoàn xiếc thậm chí còn khiến các anh chị vui mừng, xúc động. Nghệ sỹ Tống Toàn Thắng bộc bạch: “Được bà con đón nhận bằng tình cảm chân thành là điều mỗi nghệ sỹ đều mong muốn. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được phục vụ chiến sỹ, đồng bào nơi tỉnh Hà Giang. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được đặt chân lên địa danh thiêng liêng nơi biên giới địa đầu Tổ quốc”. 

Trung tá Phạm Ngọc Thủy, Đồn Biên phòng Phó Bảng chia sẻ: “Đợt lưu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ở biên cương lần này đã rút ngắn khoảng cách địa lý giữa miền núi biên cương với Thủ đô Hà Nội, như sự kết nối tình cảm thêm sâu đậm hơn giữa người lính chúng tôi với đồng bào”. Chuyến lưu diễn kết thúc sau buổi diễn thứ 5. Trong hành trình ấy, những món ăn tinh thần từ Thủ đô gửi miền đá núi cũng đã đủ chia đều cho mỗi bản trên từng địa danh Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên… Dẫu thời gian phục vụ bà con có ngắn ngủi  nhưng cũng đủ làm đồng bào, chiến sỹ thương nhớ giống như hơi men rượu ngô ai đã một lần nếm đều ngây ngất khó quên.