Chiêu lừa “khuyến mại tiền… đổ rác”

ANTĐ - Vào thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng lừa đảo đã đến các gia đình lừa thu phí vệ sinh. Đây không phải là thủ đoạn mới, song không ít cá nhân vẫn bị mắc lừa do sự tinh vi, xảo quyệt của những đối tượng này.

Người dân cần cảnh giác để nộp phí vệ sinh đúng đối tượng,
mục đích, không để kẻ gian lừa đảo

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Thị Nhị, ở ngõ 495 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, sáng 9-1, lợi dụng lúc vắng người, chỉ có chồng bà ở nhà, một đối tượng nữ khoảng 30 tuổi xưng là nhân viên môi trường đô thị đến thu tiền vệ sinh. Theo người phụ nữ này, số tiền vệ sinh gia đình bà Nhị phải nộp là 360.000 đồng/năm, thu một lần. Việc thu phí có biên lai với chữ ký của 2 bên, song đây chỉ là giấy viết tay, không có dấu đỏ. Điều đáng nói là, nhân viên này có đeo thẻ, nhưng do mắt kém nên chồng bà Nhị không đọc được các thông tin trên đó. Người phụ nữ này cho biết: “Từ năm 2014, phí vệ sinh sẽ tăng lên gấp 2 lần. Do đó, nếu nộp phí vệ sinh trong nửa đầu tháng 1 và nộp 1 lần người nộp sẽ không phải tính theo mức giá mới. 

Để tạo niềm tin với người dân, các đối tượng lừa đảo thường mang theo hóa đơn kèm con dấu được làm giả của các cơ quan, tổ chức có uy tín. Cách đây không lâu, ngày 27-8 tại nhà E3 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội đã xảy ra một vụ lừa đảo “thu phí vệ sinh môi trường” với số tiền 2 triệu đồng. Nạn nhân là em Vũ Thu H (SN 1994) hiện đang là sinh viên. H là chị họ của chủ hộ Nguyễn Quang T (SN 1991) - người kinh doanh giầy dép tại đây. Sáng 27-8, do bận việc phải ra ngoài nên anh Nguyễn Quang T đã nhờ  H bán hàng giúp. Khi đi ngang qua cửa hàng, thấy chỉ có H ở nhà, các đối tượng lừa đảo đã đeo thẻ giả danh là nhân viên của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Môi trường đến thu tiền vệ sinh môi trường.

Thấy 2 người này đeo thẻ nhân viên, kèm theo hóa đơn có đóng dấu, H tin tưởng, song vẫn yêu cầu các đối tượng gọi điện cho anh T để xác nhận. Ngay lập tức, một người đã cầm máy gọi điện và nói chuyện “như thật” với anh T. Sau đó H đã thanh toán hóa đơn 2,4 triệu đồng phí vệ sinh môi trường. Nhưng do không đủ tiền nên H chỉ đưa 2 triệu, ghi nợ 400.000 đồng ở mặt sau của phiếu thu. Mọi chuyện vỡ lẽ khi anh Nguyễn Quang T quay về nhà. 

Mất tiền vì cả tin

Có thể nói, thủ đoạn giả danh nhân viên  môi trường đến các gia đình thu phí vệ sinh đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo, song  vẫn có không ít nạn nhân tiếp tục mắc bẫy. 

Về vấn đề trên, ông Lê Trung Dũng - Trưởng phòng Truyền thông - Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ do hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi mà nó còn đánh vào tâm lý ham rẻ, cả tin của người dân. Bên cạnh đó, đa số nạn nhân khi bị lừa thường ngại tố cáo với cơ quan chức năng nên những đối tượng lừa đảo vẫn có đất để hoạt động. Cụ thể như với trường hợp của chị Vũ Thu H, chỉ cần chị H thận trọng, gọi điện trực tiếp cho anh T  thì thông tin sẽ được xác thực ngay. Thủ đoạn của các đối tượng này là thường lợi dụng lúc vắng người để đến các gia đình, hứa hẹn giảm giá nếu người dân đồng ý đóng tiền…

Cũng theo ông Dũng, từ trước đến nay công ty đã nhận được phản ánh của một số người dân về việc họ phải nộp số tiền phí vệ sinh khá lớn cho một vài đối tượng nào đó. Tuy vậy, sau khi kiểm tra, xác minh, những người này không phải là nhân viên của Công ty. Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc tiếp theo, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chỉ nộp tiền phí vệ sinh khi thấy nhân viên thu tiền mặc đồng phục, đeo phù hiệu ghi tên tuổi, nơi làm việc rõ ràng, hóa đơn phát ra có in màu, đóng dấu đỏ của Công ty. Cũng cần nói thêm là, phí vệ sinh được Công ty thu theo quý, không thu theo năm và từ ngày 1-1-2014 mức thu sẽ là 6.000 đồng/người/tháng (gấp đôi so với mức cũ).