"Chiêu hiền, đãi sĩ" chưa đủ

ANTD.VN - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ gửi gắm cho ngành giáo dục một điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi.

Điều mà người đứng đầu Chính phủ muốn gửi gắm ngành giáo dục cũng chính là tâm nguyện, khát vọng của 94 triệu người dân Việt mong muốn Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh non sông đất nước và sẵn sàng phục vụ đất nước.

Trọng dụng nhân tài, như lời Thủ tướng, để trước tiên có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Song, phải nhìn thẳng, nói thẳng một thực trạng đáng lo ngại là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng còn hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp dài. Đặc biệt, mỗi năm chúng ta phải chi hàng tỷ USD để đưa con em ra nước ngoài học tập.

Trong khi đó, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ chất lượng đáng báo động phản ánh bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn, nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. “Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh. Không để lãng phí xã hội trong đào tạo đại học”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ chủ trương của Nhà nước là không phân biệt công - tư trong giáo dục đại học, trọng dụng nhân tài ngay cả ở nơi góc rừng, vùng sâu, vùng xa. 

Trên thực tế, chủ trương, chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, trọng dụng người tài với những ưu đãi, ưu ái đã được Thủ đô Hà Nội, TP.HCM triển khai trong những năm gần đây. Không ít các nhà khoa học, toán học, người Việt nổi tiếng trên thế giới đã trở về Tổ quốc giảng dạy, cống hiến tài năng, trí tuệ góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển nền khoa học, công nghệ, chấn hưng đất nước.

Dẫu vậy không thể phủ nhận một thực trạng đáng buồn là ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác vẫn tồn tại việc tạo điều kiện làm việc, môi trường công tác không thuận tiện cũng như thiếu chính sách đãi ngộ khiến người giỏi, người tài nản chí, thậm chí thất vọng. Cũng cần nhắc tới tình trạng “chảy máu chất xám”, những sinh viên Việt Nam đoạt huy chương vàng các kỳ thi Toán học, Hóa học, Vật lý quốc tế vẫn chưa tìm đường trở về làm việc, cống hiến cho Tổ quốc.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, trọng dụng người hiền tài, từ xa xưa đã trở thành  phương châm xử thế bất di, bất dịch của mọi triều đại Việt Nam, tới thời đại này lại càng phải được coi trọng, đề cao hơn bao giờ hết. 

Tin cùng chuyên mục