Chiều cao phố cổ, phố cũ Hà thành

ANTD.VN - Từ triều Lý, Trần, Lê, quan niệm vua chỉ dưới trời nhưng phải luôn đứng trên thiên hạ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng bao trùm xã hội. Quan niệm đó được cụ thể hóa bằng sắc lệnh áp dụng trong đời sống. Ví dụ như quan tùy theo hạng được xây nhà to cỡ nào, bao nhiêu gian. Còn nhà dân thì không thể xây cao quá kiệu voi. Vì thế trong hàng thế kỷ, nhà ở Thăng Long rất thấp.

Hà Nội quy định về chiều cao các ngôi nhà để giữ gìn, bảo tồn phố cổ, phố cũ 

Đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Gia Long chuyển kinh đô vào Huế. Vì Thăng Long không còn là kinh đô, vua Gia Long sai phá bỏ thành cũ cho xây thành mới với quy mô nhỏ hơn gọi là Bắc thành. Vị trí cao nhất của Bắc thành là Kỳ đài. Tính cả chân đế, Kỳ đài cao 33,4m. Từ khi hoàn thành năm 1812 cho đến khi Pháp chiếm thành năm 1882, Kỳ đài lúc nào cũng treo Long Tinh kỳ (cờ của triều Nguyễn).

Vì Kỳ đài cao nhất Thăng Long nên đứng ở bất kỳ vị trí nào cũng nhìn thấy Long Tinh kỳ, lá cờ có chấm đỏ giữa nền vàng, xung quanh có tua rua màu xanh biểu tượng của rồng. Việc vua Gia Long cho xây Kỳ đài cao ngất ở Bắc thành mang ý nghĩa chính trị, tượng trưng cho quyền lực của nhà Nguyễn hiện diện ở nơi từng là kinh đô; hoàn toàn không có ý nghĩa lợi ích quốc gia cao hơn ngôi vua.

Kỳ đài cao nhưng chiều cao nhà dân ở Thăng Long vẫn bị khống chế. Nhà Nguyễn đã cụ thể hóa điều này bằng Huấn điều rồi diễn Nôm để phổ biến rộng rãi đến dân chúng.

“Dân phường nhà giáp đường quan

Không được làm gác trông ngang ngoài đường

Có cần làm chỗ chứa hàng

Chiều cao không được cao bằng kiệu quan”. 

Năm 1883, thực dân Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội. Công sứ Pháp đầu tiên tại Hà Nội là Paul Bert đã cho cải tạo quanh hồ Gươm và đưa ra chủ trương xây khu phố mới ở phía Nam hồ. Cuối thập niên 90 thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khu phố mới (nay gọi là khu phố cũ gồm các phố: Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung…) hình thành theo quy hoạch. Chính quyền đã ban hành các quy định về xây dựng để quản lý đô thị, chiều cao của nhà dân phải tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường phố đó vì thế hầu như không có công trình nào quá cao.

Nếu chủ công trình muốn cao hơn, phải xin phép, nếu được chấp thuận họ mới được xây dựng. Chính quyền cũng cho phép nhà mặt phố được làm ban công nhô ra không gian công cộng nhưng phải đóng thuế. Nhà có ban công nghĩa là các thành viên trong nhà được đứng ở đó ngắm phố phường. Tưởng rằng việc đó có ý nghĩa là dân được tôn trọng hơn so với chế độ quân chủ nhưng sự thực không phải như vậy, thuần túy nó chỉ có ý nghĩa về kiến trúc và thẩm mỹ đô thị. 

Để hài hòa giữa khu phố mới và khu phố cổ, từ cuối thế kỷ XIX cho đến thập niên 20 thế kỷ XX, phần lớn công trình ở phố mới không cao quá 20m.  Tuy nhiên, đất đai ở khu vực trung tâm ngày càng đắt đỏ và các chủ đất muốn xây cao hơn để tăng thêm diện tích sử dụng.

Năm 1928, tòa nhà IDEO (Imprimerie d’Extrême-Orient) ở phố Tràng Tiền được xây mới từ IDEO cũ (xây năm 1907). IDEO mới có 3 khối, khối giữa 6 tầng, cao 24m, 2 khối  2 bên cao 5 tầng. Và IDEO mới (sau 1954 là Nhà in Báo Nhân dân, nay là Trung tâm văn hóa Pháp) đã trở thành công trình cao nhất khu vực phố cổ và phố cũ từ khi khánh thành cho đến thập niên 90 thế kỷ XX.

Năm 1996, Việt Nam thực hiện cải cách mở cửa đã tạo ra làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tìm cơ hội làm ăn. Trong những năm 1990, vốn nước ngoài đầu tư chủ yếu vào mảng khách sạn. Nhiều dự án được phê duyệt và dĩ nhiên các nhà đầu tư chọn những địa điểm đắc địa tức là ở  khu vực phố cũ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Đình đám nhất là dự án Khách sạn vàng bên hồ Gươm với thiết kế được phê duyệt cao 33m. Tuy nhiên dự án đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, giới kiến trúc, sử học, tất cả đều cho rằng Khách sạn vàng sẽ biến hồ Gươm thành ao làng, trở thành bức tường ngăn cách không gian phố cổ và phố cũ. Thủ tướng khi đó là Võ Văn Kiệt đã vào cuộc và cuối cùng dự án phải hạ thấp chiều cao.

Nhà cao tầng được cho là văn minh và thể hiện sự giàu có của đô thị ấy. Nhà cao tầng đôi khi cũng trở thành biểu tượng của một thành phố, có khi là quốc gia, ví dụ như tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia. Tuy nhiên từ vụ Khách sạn vàng, UBND thành phố đã bắt đầu ý thức về chiều cao của nhà trong khu vực phố cổ.

Bảo tồn luôn mâu thuẫn với phát triển, để giải quyết mâu thuẫn này, thành phố đã không cho phép xây các công trình quá cao ở khu vực phố cổ nhưng đồng thời xem xét cấp phép cho một số ít dự án được xây cao tầng ở phố cũ. Khách sạn Melia (phố Lý Thường Kiệt), Tháp Hà Nội (phố Hai Bà Trung) 18 tầng xây trên phần lớn nhà tù Hỏa Lò với chiều cao gần 60m trở thành những công trình cao nhất khu vực phố cũ và phố cổ trong năm cuối thập kỷ 90. 

Những bài học trong quá trình phát triển đã giúp nhận ra rằng Hà Nội cần phải bảo tồn phố cổ, phố cũ. Ngày 24-10-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ trong đó có quy định về chiều cao. Ngày 13-8-2015, UBND TP Hà Nội ban hành tiếp Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực phố cũ, trong đó có quy định về chiều cao. Đó là công cụ pháp lý để quản lý, cũng là công cụ để giữ gìn những giá trị xưa cũ ở Thủ đô nghìn năm văn hiến.