Chiêu bài ghê gớm của Trung Quốc trong “Cuộc chiến sân sau”

ANTĐ - Vừa qua, Tờ “Thời báo New York” (The New York Times) của Mỹ đã có bài viết với tiêu đề: “Trung Quốc thay đổi để cải biến hình tượng ở Myanmar”, đề cập đến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành lại sân sau từ tay Mỹ - Nhật.

Hiện nay, Trung Quốc đã rải xong đường ống dẫn dầu ở khu vực Madeira của Myanmar, các bể chứa cũng đã hoàn tất, cảng nước sâu nằm trong vịnh đã chuẩn bị sẵn sàng, đợi chuyến tàu dầu đầu tiên đến từ Trung Đông. Ước mơ của Trung Quốc là vận chuyển nguồn “vàng đen” quý hiếm từ Ấn Độ Dương xuyên qua các dãy núi của Myanmar đang dần trở thành hiện thực.

Theo kế hoạch, đến tháng 7 này dòng khí đốt tự nhiên từ vịnh Bengal sẽ bắt đầu chảy vào hệ thống đường ống dài hơn 500 dặm Anh (tương đương hơn 800km) và trước cuối năm nay, dầu mỏ cũng bắt đầu được bơm vào các tuyến đường ống chạy song song.

Thế nhưng đối với Trung Quốc, cái giá phải trả không chỉ giới hạn trong mấy tỷ USD đầu tư lắp đặt đường ống. Theo trào lưu dân chủ đang ngày càng tăng cao ở quốc gia Đông nam Á này, Trung Quốc đang nỗ lực xóa đi hình ảnh không mấy thiện cảm trong con mắt người dân địa phương ở khu vực này và trên khắp lãnh thổ Myanmar.

Đường ống dẫn khí từ Ấn Độ Dương xuyên qua Myanmar của Trung Quốc

Năm ngoái, các tăng lữ và địa chủ khu vực miền trung Myanmar đã bắt tay nhau, lãnh đạo dân chúng san bằng một mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đầu tư khai thác ở núi Latbadaung - Thành phố Monywa, vùng Sagaing trị giá 1 tỷ USD; kế hoạch xây dựng đập nước khổng lồ Myitsone trên sông Irawadi có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD cũng đã bị đình chỉ. 

Tuần trước, người Trung Quốc lại thấy nổi lên những dấu hiệu bất an khi một số công trình của đối tác thân thiết là Công ty dầu mỏ và khí tự nhiên Myanmar ở giáp biên Trung Quốc gần tuyến đường ống dẫn dầu bị đội du kích của phiến quân Shan tấn công.

Thêm vào nữa, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng sở tại làm Trung Quốc rất lo lắng, vì hiện Mỹ và Nhật đang dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này qua hàng loạt các động thái cởi mở về chính trị, xích lại về ngoại giao, tăng cường hợp tác quân sự và đầu tư kinh tế. 

Để đối phó với tình trạng phản đối Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các doanh nghiệp Nhà nước trước khi tiến hành các dự án ở Myanmar phải công khai dự án kiểu phương Tây, minh bạch các hoạt động của doanh nghiệp trước cộng đồng dân cư và khiêm cung trong cách ứng xử với dân chúng xung quanh khu vực dự án.

Quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đang ngày càng nồng ấm

“Xét thấy những ảnh hưởng đa chiều từ đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar phù hợp với lợi ích kinh tế cốt lõi của Trung Quốc”, ông Thant Myint-U - nhà sử học Myanmar cho biết: “Về lâu dài, khó có thể xuất hiện một Myanmar hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nhưng chắc chắn là họ không còn nắm giữ địa vị chi phối đối với Naypyidaw. Điều này làm Bắc Kinh thực sự lo lắng”.

Mấy tháng trước, nhà ngoại giao cao cấp Vương Anh Phàm mới nhậm chức đặc phái viên châu Á của Trung Quốc đã bay đến Myanmar, “uốn lưỡi Tô Tần” thuyết phục Chính phủ Myanmar về “trách nhiệm xã hội” là tôn chỉ hoạt động hàng đầu của các doanh nghiệp nước này.

Quan chức ngoại giao ở sứ quán Trung Quốc tại Yangon cũng phát biểu: “Các doanh nghiệp phải tranh thủ được sự ủng hộ của dân địa phương, phải cởi mở và giao lưu với cộng đồng dân cư sở tại. Đây cũng là thông điệp mà sứ quán muốn chuyển đến các doanh nghiệp đã, đang và sắp đầu tư vào Myanmar”.

Vị quan chức ngoại giao này còn lập hẳn một trang Facebook của sứ quán Trung Quốc, với mục đích “xây dựng một kênh giao tiếp để tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau giữa 2 bên”. Vị quan chức này cho biết: “Nếu chỉ nói suông, bạn sẽ không thể giành được lòng tin của dân địa phương”.

Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp để giành lại sân sau

Ở khu vực gần mỏ đồng do Công ty khai khoáng Vạn Bảo của Trung Quốc làm chủ đầu tư, công ty này đã trao tặng một sô ngôi nhà cho những người dân phải di dời để lấy đất cho dự án của họ, đồng thời cũng tiến hành xây dựng trường học, thư viện và đường giao thông mới.

Đội công tác xã hội của Tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc cũng vừa công bố một bản kế hoạch mang tên “Đến với cộng đồng” dài 42 trang, nội dung chủ yếu là đầu tư 20 triệu USD xây trường học, bệnh xá và một số công trình công cộng khác. Dọc các tuyến đường ống, họ xây dựng các công trình còn kiên cố hơn các toà nhà cũ nát của Chính phủ Myanmar.

Tháng trước, khi các kho chứa sắp hoàn thành, đã nổ ra cuộc biểu tình của hàng trăm nông dân các làng mạc ở khu vực Madeira yêu cầu bồi thường bổ sung, Tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc đã đồng ý với các yêu sách của dân sở tại và cam kết sẽ tăng đầu tư để sửa chữa đường sá và cung cấp thêm điện năng cho người dân ở đây.