Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cái kết để ngỏ

ANTD.VN - Có những chỉ dấu rõ ràng cho thấy nhiều khả năng hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể không đạt được thỏa thuận vào dịp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào cuối tháng này nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cái kết để ngỏ ảnh 1Dư luận đang trông đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản để “chốt hạ” cuộc đàm phán thương mại

Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra ngày 11-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng, Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-6 tại Nhật Bản có thể mang lại tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song đây không phải là nơi gặp gỡ để đạt tới một “thỏa thuận cuối cùng”. Tuyên bố này đã phủ bóng u ám lên triển vọng  sớm đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong dịp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sắp tới.

Trong khi đó, dư luận cũng như giới kinh tế toàn cầu trông đợi Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tại Nhật Bản, nơi mà cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự, là cơ cơ hội để lãnh đạo hai nước “chốt hạ” kết quả đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Donald Trump trước đó cũng nói rõ ông sẽ quyết định có nên đánh thuế với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay không sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Nhật Bản.

Cuộc đàm phán giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ đầu năm nay tưởng chừng đã “về đích” hồi tháng 5 vừa qua khi hai bên đã hoàn tất tới 90% nội dung cần thỏa thuận thể hiện trong một dự thảo khoảng 150 trang. Thế nhưng, cuộc đàm phán đã bị đảo ngược hoàn toàn bởi Mỹ bất ngờ đòi “xét lại” toàn bộ nội dung cam kết.

Theo đó, phía Mỹ yêu cầu đàm phán lại tất cả những điểm then chốt dẫn tới bất đồng lâu nay giữa Washington và Bắc Kinh mà  hai bên phải trải qua tới 10 vòng đàm phán liên tiếp mới cơ bản đi tới thống nhất. Đó là các vấn đề về mở cửa thị trường Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, tấn công mạng, trợ cấp, thao túng tiền tệ, thuế quan… 

Trung Quốc tuyên bố đã nhân nhượng hết mức và không thể lùi thêm bất cứ bước nào đối với những vấn đề mà Bắc Kinh cho là tác động sâu rộng tới chính sách kinh tế của mình, trong khi Mỹ muốn đạt được những cam kết giúp không chỉ cân bằng cán cân thương mại, sâu xa hơn giúp kiềm chế sức mạnh kinh tế trỗi dậy của Trung Quốc.

Bắc Kinh vì thế tất nhiên không chấp nhận lùi thêm cho dù phải đối mặt với mức thuế cao tới 25% mà Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ áp đặt lên toàn bộ hàng hóa hơn 500 tỷ USD của Trung Quốc. Đó cũng chính là thực tế mà ông Wilbur Ross đã thấy và tuyên bố ngày 11-6.

Việc hai cường quốc kinh tế số một và số hai thế giới có đạt được thỏa thuận để tránh một cuộc chiến tranh thương mại, thậm chí là chiến tranh kinh tế hay không sẽ có tác động lớn tới thương mại và kinh tế toàn cầu.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong phát biểu ngày 9-6 đã nhấn mạnh, mối đe dọa chính đối với triển vọng kinh tế thế giới bắt nguồn từ các căng thẳng thương mại và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 455 tỷ USD vào năm 2020.

Trước thềm cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của Nhóm G20 tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tình hình chiến lược đang thay đổi đã gây ra những rủi ro sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu, khiến thương mại toàn cầu giảm từ 2-4%.

Chiến tranh thương mại hay chấp nhận cam kết bất lợi gây tổn thất lớn hơn đang là điều mà cả Washington và Bắc Kinh cân nhắc thiệt hơn. Và chính điều này sẽ quyết định kết cục của cuộc “quyết đấu thương mại” Mỹ-Trung cả trên bàn đàm phán và trong thực tế là các đòn tấn công thuế quan mà hai bên cùng thi triển.