Nghệ thuật nắm thời gian của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiến tranh cũng cần có mùa

ANTĐ - Có ai đặt câu hỏi vì sao cả hai chiến dịch Điện Biên Phủ và Hồ Chí Minh đều diễn ra vào mùa xuân? Hiển nhiên không phải đó là mùa đẹp, hoa nở chim hót, lòng người phơi phới mà đơn giản chỉ vì đấy là mùa khô, bộ binh, cơ giới, pháo binh đều cơ động, di chuyển dễ dàng hơn mùa mưa. 

Chiến tranh cũng cần có mùa ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát chiến trường và sau đó ra mệnh lệnh Tổng công kích Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 20h30 tối 6-5-1954 cho nổ bộc phá trên đồi A1


Con số 55 định mệnh

Suốt từ đầu chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày 30-4-1975; cũng như từ lúc mở đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) đều vừa đúng 55 ngày (chứ không phải 56 ngày ở Điện Biên Phủ như trong một bài thơ). Thời gian được Đại tướng tính toán, tranh thủ từng ngày, từng giờ, bởi, với ông và bất cứ nhà quân sự nào cũng thế, thời gian là lực lượng, là sức mạnh, là cơ hội. Cả hai chiến dịch đều giống nhau ở chỗ, do ông trực tiếp chỉ huy cùng diễn ra trong mùa xuân, cùng kết thúc trong đúng 55 ngày, cùng kết thúc hai cuộc chiến tranh. Khác nhau là ở cách đánh: Điện Biên Phủ thì đánh chắc tiến chắc. Chiến dịch Hồ Chí Minh thì đánh nhanh, tiến nhanh. “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Chả thế, đã có lần, có lẽ là duy nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gay gắt với một cộng sự đắc lực, tin cậy là vị tướng tài Lê Trọng Tấn, khi vị này chọn thời gian tiến đánh Đà Nẵng theo phương án 5 ngày: (....) Tư lệnh chiến dịch là anh, nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác thì tôi ra lệnh, đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày!

Mọi việc diễn ra đúng theo tính toán của ông, chậm hơn địch sẽ kịp thoát ra biển.

Nghệ thuật nắm bắt thời gian trong chiến tranh còn phải kể đến yếu tố bất ngờ, khi chọn thời điểm bắt đầu. Thời điểm bất ngờ tuy không quyết định đến toàn cục, đến kết cục cuộc chiến nhưng nó cũng làm nên thắng lợi ban đầu nhờ đòn phủ đầu làm đối phương thất điên bát đảo, bị động đối phó.

Trong trận tổng tiến công và nổi dậy đều khắp Tết Mậu Thân (1968) đợt 1 ta đồng loạt đánh vào đô thị và hầu hết các căn cứ hậu cần lớn của địch đúng vào đêm 30 đã giành chiến thắng vang dội, đánh bại chiến tranh cục bộ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh... chính là nhờ vào yếu tố bất ngờ. Nhưng đợt 2, đợt 3 thì địch đã hồi phục, yếu tố bất ngờ đâu còn nữa mà cứ đánh?

Lịch sử chiến tranh thế giới đương đại cũng minh chứng cho việc chọn thời điểm bất ngờ kiểu ấy. Tất cả văn bản, văn kiện của ta và thế giới từ khi có dương lịch đến nay đều không dùng thêm một đơn vị thời gian nữa là thứ trong tuần, nên bạn đọc không hiểu dẫn những trận lớn ấy ra làm gì? Chúng có một sự trùng hợp cố ý: đều vào chủ nhật! Cụ thể hơn đều vào tinh mơ sáng chủ nhật. Tận dụng tối đa yếu tố bất ngờ.

Bất ngờ ở chỗ nào?

Thứ nhất, địch hoàn toàn bất ngờ khi ta chấp nhận đối đầu, quyết định chọn Điện Biên Phủ “cái bẫy” địch giăng ra để “nghiền nát các đại đoàn thép đối phương”  lại chính là cái bẫy ta nhử địch vào, chọn nó làm điểm quyết chiến chiến lược với địch.

Thứ hai, người Pháp chọn Điện Biên Phủ là chọn địa thế bằng phẳng đủ rộng (dài 17km, rộng từ 5 -7 km) để làm 2 sân bay, 14 máy bay tại chỗ yểm trợ cho bộ binh, đánh phá pháo binh ta, oanh tạc hậu cứ, đường tiếp tế của ta. 10 xe tăng 18 tấn, 200 xe vận tải, tha hồ có đất dụng võ. Ta thì vận chuyển khó khăn (xa hậu phương, rất khó khăn trong tiếp tế lương thực), không thể kéo pháo qua núi cao, vực sâu được. Vậy mà ta vẫn đảm bảo được tiếp tế và kéo pháo vào được. Đấy là bất ngờ thứ hai. Chả thế, đại tá Pi Rốt (phó chỉ huy Tập đoàn), chỉ huy pháo binh địch (gồm 28 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 20 khẩu súng cối 120mm) đã phát khóc vì bất lực và tự sát bằng lựu đạn khi pháo ta phát hỏa.

Bất ngờ thứ ba, lớn nhất là, Pháp nghĩ rằng ta sẽ giao chiến ngay thì thế nào họ cũng thắng, nhưng ta lại lùi lại, chọn cách đánh lấn, đánh câu dầm bằng chiến thuật: vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt nên họ đã thua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Ta đã làm cho địch bất ngờ lớn nhất là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch, náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố mà đã quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta vào thời gian, địa điểm do ta lựa chọn với thế trận áp đảo trong từng trận, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho đến lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở và cuối cùng phải đầu hàng. Với cách đánh này, ta đã hóa giải được sức mạnh về binh lực của địch, chấp nhận một cuộc trận địa chiến, chứ không phải vận động chiến. Năm 1958, bốn năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vi Quốc Thanh sang thăm Hà Nội còn kể lại với Đại tướng, “trong trận Điện Biên Phủ, Bắc Kinh hỏi tôi đấy là vận động chiến hay trận địa chiến?”, nghĩa là bạn không tin rằng ta đã thắng địch trong trận địa chiến. 

Làm được điều bất ngờ lớn nhất này chính là nhờ Đại tướng sâu sát tình hình, có bản lĩnh để vượt qua chính mình đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bác: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng không đánh, chỉ được thắng, không được bại. Bại là hết vốn đấy”. Ông đã biết vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc đã thành truyền thống quý báu của dân tộc ta: lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều.

Đấy chính là thiên tài quân sự của ông mà nhờ con mắt xanh nhìn người ở một đấng kì tài của nhà tổ chức, Bác đã chọn, đã trao niềm tin tuyệt đối vào ông, bởi nếu không có câu: “Tướng quân tại ngoại. Chú có toàn quyền quyết định” của Bác, chắc gì thiên tài ấy đã phát huy được năng lực?