Chiến thuật tác chiến tương lai của Nga dưới con mắt truyền thông Mỹ

ANTĐ - “Ngành công nghiệp quốc phòng Nga tụt hậu xa so với quân đội các nước phương Tây về các hệ thống điều khiển tự động, máy bay tấn công không người lái, và tất cả các thiết bị điện tử tiên tiến", đó là nhận định của tạp chí The National Interest (Lợi ích Quốc gia) của Mỹ

Tuy nhiên, tạp chí này lại thừa nhận rằng có những lĩnh vực mà Moscow vượt xa so với các đối thủ phương Tây. Hãy xem tạp chí này đề cập đến những loại vũ khí hiện đại nào của Nga trong bài viết này.

"Xu hướng tự động hóa lớn hơn, trong đó có việc sử dụng các vũ khí điều khiển từ xa và tác chiến tự động, sẽ ngày càng đặt quân đội Nga vào thế bất lợi. Nga không có công nghệ đuổi kịp với các hệ thống tự động của phương Tây và thiếu khả năng phát triển các hệ thống như vậy cho riêng mình trong tương lai gần", bài báo viết.

Tuy nhiên, Moscow lại có những lĩnh vực thế mạnh của riêng mình để "bù đắp cho sự yếu kém chung của quân đội mình".

Hệ thống áp chế tín hiệu radio mới Leer-2 tích hợp trên xe Tigr của Nga

"Có hai khả năng tạo nên thế mạnh của quân đội Nga, bao gồm phương tiện gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc của đối phương và sử dụng chiến tranh điện tử để vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện tự động khác. Đây là hai lĩnh vực mà quân đội Nga (và trước đây là Liên Xô) có nhiều kinh nghiệm", tạp chí nhấn mạnh.

Điển hình là hệ thống gây nhiễu radar và thiết bị định vị dưới nước Richag-AV mới được công bố trong thời gian gần đây. Hệ thống này được cho là không có đối thủ trên thế giới.

Hệ thống được thiết kế để gây nhiễu radar, thiết bị định vị vật dưới nước và các hệ thống phát hiện khác nhằm bảo vệ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, các lực lượng mặt đất và hải quân đối phó với các hệ thống đất đối không và không đối không trong bán kính hàng trăm km.  

Về năng lực, tạp chí The National Interest thừa nhận rằng hệ thống này tốt hơn nhiều so với các hệ thống tương tự của phương Tây.

Điều đáng nói là tất cả các biện pháp chiến tranh hiện đại trên đều mang tính phòng thủ hơn là tấn công và đều được đặt bên trong lãnh thổ Nga và không được triển khai trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, mặc dù một số vũ khí này "cũng có thể được sử dụng cho các mục đích tấn công".

"Các hệ thống phòng thủ nhiều lớp như vậy hiện đang được thiết lập tại Crimea; trong tương lai chúng có khả năng sẽ được đặt tại quần đảo Kuril, Kaliningrad, và có thể ở các khu vực ven biển khác.

Các radar băng tần thấp trên các hệ thống tên lửa phòng không của Nga đã được thiết kế để đối phó với những lợi thế truyền thống của Mỹ trong công nghệ tàng hình, việc này có khả năng làm cho các máy bay tấn công của Mỹ dễ bị các hệ thống phòng không của Nga tiêu diệt".

Tạp chí của Mỹ còn cho rằng "quân đội Nga sẽ tiếp tục dựa vào khả năng răn đe hạt nhân như là một sự phòng thủ bổ sung". Tuy nhiên, tạp chí thừa nhận rằng "các nhà lãnh đạo Nga đã công khai hơn với những tuyên bố cho rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường đe dọa lãnh thổ hay chủ quyền quốc gia của Nga".