Chiến sĩ CSGT làm YouTube hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không phải ai ngay từ lần đầu đã thành thạo kê khai các thông tin trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, do vậy, Thượng úy Đặng Hoàng Anh - cán bộ Đội CSGT số 6, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đã làm một video đăng trên kênh YouTube để hướng dẫn chi tiết, giúp người dân nắm rõ hơn... Đây cũng là một trong những sáng kiến của đội CSGT số 6 trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, theo Quyết định 10695/QĐ-BCA của Bộ Công an và Kế hoạch 215/KH-C08-P1 của Cục CSGT (Bộ Công an).

Dịch vụ công trực tuyến gỡ khó cho người vi phạm

Anh Dương Văn H. (quê Vĩnh Phúc) - lái xe khách đường dài vi phạm lỗi dừng, đỗ sai quy định, khi bị xử phạt hành chính đã lựa chọn nộp phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trả lời phỏng vấn của phóng viên qua điện thoại, người này cho biết, trước đây nếu vi phạm sẽ phải mất nhiều công đoạn, nhất là việc đi lại.

Sau khi bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, anh H. sẽ phải đến trụ sở cơ quan công an để nhận quyết định xử phạt, sau đó mang quyết định xử phạt ra kho bạc Nhà nước nộp, rồi cầm biên lai quay lại trụ sở đội CSGT để nhận lại giấy tờ. “Nếu người vi phạm ở nội thành thì dễ dàng hơn, nhưng như chúng tôi ở tỉnh ngoài vào, việc xử lý vi phạm như vậy rất rườm rà, mất nhiều công sức, tốn thời gian…” - anh H. nói thêm.

Chưa kể, nếu người vi phạm bị tước giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, thì sau thời gian quy định (khoảng 1-2 tháng tùy lỗi vi phạm) mới nhận lại được giấy tờ, mất thêm một lần đi lại, gây rất nhiều khó khăn cho công dân.

Cũng theo người vi phạm trên, dù bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng khi được hướng dẫn khai báo thông tin trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, anh này đã thực hiện ngay với thái độ phấn khởi. Bởi lẽ, giờ đây, chỉ cần những thao tác nhanh gọn trên điện thoại di động, ngồi ở nhà thôi anh cũng có thể nhận lại các loại giấy tờ của mình.

Cũng như trường hợp của anh Dương Văn H., anh Nguyễn Tiến Q. - lái xe đường dài ở Bắc Ninh khi vi phạm, được CBCS Đội CSGT số 6 - CATP Hà Nội phát một tờ hướng dẫn khai báo thông tin xử phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho biết: “Vi phạm thì nộp phạt theo quy định là việc phải chấp hành rồi, nhưng lần này tôi cảm thấy thoải mái hơn khi được các chiến sĩ CSGT hướng dẫn tận tình. Ban đầu tôi cũng không đăng ký được tài khoản thanh toán, nhưng làm theo hướng dẫn trên YouTube của đồng chí CSGT thì cũng xong. Tôi thấy thuận tiện, đỡ tốn thời gian mà rất minh bạch”.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 - Phòng CSGT - CATP Hà Nội hướng dẫn người vi phạm nộp phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 - Phòng CSGT - CATP Hà Nội hướng dẫn người vi phạm nộp phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 - CATP Hà Nội thông tin, ngay khi Phòng CSGT - CAHN triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đơn vị đã tập huấn cho 100% CBCS trong đơn vị, đặc biệt là các CBCS làm nhiệm vụ ngoài đường, phải làm sao tuyên truyền, phổ biến cho người vi phạm thấy được lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

“Tôi cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính và nhận giấy tờ qua cổng dịch vụ công trực tuyến là một bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính. Nó không chỉ góp phần phục vụ người dân tốt hơn, mà còn giảm tải áp lực cho CBCS làm nhiệm vụ. Đây cũng là biện pháp hữu ích gỡ khó cho người dân…” - Thiếu tá Phạm Văn Chiến nói.

Giảm tải cho cán bộ xử lý

Không chỉ gỡ khó cho người dân, việc triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến đã giảm đi áp lực cho cán bộ tiếp công dân. Nếu như trước đây, người vi phạm ngồi xếp hàng chờ tới lượt giải quyết, cán bộ thậm chí không có thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi, thì nay công việc dường như “dễ thở” hơn.

Người dân nhận thức khác nhau, nên có những người dù được giải thích nhiều lần vẫn… không hiểu. “Nhiều lúc căng thẳng lắm, chúng tôi phải thật sự bình tĩnh để xử lý từng trường hợp. Có những ngày xong việc, về tới nhà chỉ muốn nằm luôn chứ không còn sức để chăm chồng chăm con nữa” - Trung tá Vũ Thị Quỳnh Mai, cán bộ Đội CSGT số 6 chia sẻ.

Cũng theo cán bộ Đội CSGT số 6, hầu hết người dân đều có tâm lý e ngại khi đến cơ quan công an, dù chỉ là để nộp phạt vi phạm hành chính, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã góp phần giảm áp lực cho cán bộ xử lý lẫn người vi phạm, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Sáng kiến hay, kết quả đáng ghi nhận

Cụm từ “dịch vụ công trực tuyến” không quá xa lạ, nhưng không phải ai cũng dễ dàng đăng ký tài khoản thanh toán ngay từ lần đầu tiên. “Đa phần những người tiếp cận ngay được với cổng dịch vụ công trực tuyến là người trẻ tuổi. Họ đều dùng điện thoại thông minh, hiểu biết về công nghệ, nhưng với rất nhiều người thì đây lại là một việc khó khăn…” - Thượng úy Đặng Hoàng Anh, cán bộ Đội CSGT số 6 chia sẻ.

Để bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với cổng dịch vụ công trực tuyến, Thượng úy Đặng Hoàng Anh đã đề ra sáng kiến và ngay lập tức được Ban chỉ huy Đội đồng ý, đó là phát phiếu “Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính và nhận giấy tờ qua cổng dịch vụ công quốc gia”.

Phiếu "Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính và nhận giấy tờ qua cổng dịch vụ công quốc gia" - sáng kiến của Đội Cảnh sát giao thông số 6

Phiếu "Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính và nhận giấy tờ qua cổng dịch vụ công quốc gia" - sáng kiến của Đội Cảnh sát giao thông số 6

Trên tờ phiếu này là 5 đề mục hướng dẫn người vi phạm một cách chi tiết. Trong đó, đơn vị cũng công khai số điện thoại "đường dây nóng" để người vi phạm liên hệ hỏi - đáp. Điều đặc biệt trên mỗi tờ phiếu hướng dẫn chính là mã QR dẫn đến một đường link trên YouTube - video hướng dẫn cụ thể từng bước đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến do chính Thượng úy Đặng Hoàng Anh thực hiện.

“Ngay kể cả người trẻ cũng có khi lúng túng khi đăng ký tài khoản thanh toán trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, tôi nghĩ rằng cần phải làm một cái gì đó để bất cứ ai cũng có thể nắm được từng bước chi tiết, tỉ mỉ các thao tác. Video này tôi làm thủ công thôi, tự quay lại bằng điện thoại rồi đăng lên YouTube. Hy vọng sẽ khiến mọi người tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ này” - Thượng úy Đặng Hoàng Anh nói thêm.

Trong quá trình triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong xử lý vi phạm hành chính và nhận giấy tờ, Đội CSGT số 6 nhận thấy có một điểm rất đáng chú ý, đó chính là việc người dân sau khi làm CCCD mới thì chưa cập nhật trên hệ thống nhà mạng. Vì vậy, khi sử dụng số điện thoại và số CCCD mới để đăng ký tài khoản thanh toán thì không thực hiện được.

Để khắc phục “lỗi” này, CBCS Đội CSGT số 6 đã hướng dẫn người dân một bước rất nhỏ là soạn tin “TTTB gửi 1414”. Đây là bước tra cứu thông tin sim chính chủ, qua đó hiển thị cả số CMND đã đăng ký của người dùng. Sau đó, người vi phạm chỉ cần nhập số CMND hiển thị trên tin nhắn thì sẽ hoàn tất khâu đăng ký tài khoản thanh toán.

“Nếu không thực hiện bước đầu tiên này, nhiều người rất dễ… nổi cáu vì nhập mãi mà không thành công” - Thượng úy Đặng Hoàng Anh chia sẻ.

Nhờ những sáng kiến của Đội CSGT số 6 mà giờ đây, nhiều người vi phạm đã lựa chọn việc xử lý vi phạm và nhận giấy tờ qua cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thay vì phải mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc nộp phạt.

Thêm vào đó, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn tránh được việc trả nhầm giấy tờ cho người vi phạm, bởi mọi thông tin đều… chính chủ.

Sau hơn 1 tháng triển khai áp dụng, đã có 60 trường hợp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó có khoảng 10% là người vi phạm ngoại tỉnh, còn đa số là ở Hà Nội nhưng thuộc khu vực ngoại thành như Quốc Oai, Thanh Oai, Sóc Sơn.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo chỉ huy Đội CSGT số 6, địa bàn quản lý của đơn vị là khu vực giáp ranh với các huyện ngoại thành, cửa ngõ Thủ đô, hướng các phương tiện vận tải từ các tỉnh Tây Bắc vào Hà Nội. Xác định người vi phạm chủ yếu ở tỉnh ngoài và các huyện ngoại thành xa xôi, nên đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chủ phương tiện, lái xe khách, xe tải… sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến để khai báo thông tin nếu vi phạm.

Bởi lẽ, đây không chỉ góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi xác định, hiệu quả công tác không phải là đánh giá xem làm được bao nhiêu, làm đến đâu, mà quan trọng nhất chính là sự hài lòng của người dân…”.

Hy vọng với nhiều sáng kiến, ý tưởng hay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sẽ được người dân đón nhận ngày một rộng hơn, góp phần hướng tới Chính phủ điện tử trong thời gian ngắn nhất, đạt hiệu quả cao nhất.