Chiến sĩ công an trực chốt phòng, chống dịch có quyền xử phạt vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Xin hỏi, ai là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm về giãn cách xã hội và trốn khỏi nơi cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19? Các chiến sĩ công an ở các chốt chống dịch có được xử phạt không? Hoàng Bình Quân (Bắc Ninh)
Người vi phạm các quy định phòng chống dịch bị lập biên bản xử phạt ngay tại chốt cơ động - Ảnh: LAM THANH

Người vi phạm các quy định phòng chống dịch bị lập biên bản xử phạt ngay tại chốt cơ động - Ảnh: LAM THANH

Luật sư trả lời:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong khi Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cùng toàn dân đang đồng lòng chống dịch thì vẫn có một bộ phận người dân ý thức trách nhiệm rất kém trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Để làm tốt công tác tuyên truyền toàn dân phòng chống dịch bệnh, trên cơ sở các quy định của pháp luật, ngày 24-7-2021, Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1996/STP-PBGDPL về một số quy định người dân cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và mức xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, văn bản của Sở Tư pháp Hà Nội đã chỉ ra căn cứ pháp lý cũng như mức xử phạt cụ thể đối với 16 hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội sẽ căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Theo đó, Điều 39 của bộ luật này quy đinh: “Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 500.000 đồng”. Tương tự, khoản 2 điều luật này quy định: “Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 3% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 1.500.000 đồng”.

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự , số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự , số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Tiếp đến, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 2.500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này… Như vậy, các chiến sĩ công an ở các chốt phòng, chống dịch Covid-19 khi đang thi hành công vụ có quyền xử phạt các hành vi vi phạm về giãn cách xã hội và mức xử phạt theo quy định.