Chiến lược nào cho phát triển du lịch nội địa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài 4 ngày, đây là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tung ra nhiều khuyến mại nhằm hút khách, tăng doanh thu, phục hồi đà tăng trưởng sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh nhiều đường bay quốc tế còn chưa mở lại, “hộ chiếu vaccine” vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thì việc trông chờ vào sự tăng trưởng của du khách nội địa là phương án duy nhất trong thời điểm khủng hoảng này.
Mỗi điểm dừng chân, du khách đều có thể trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực và nếp sinh hoạt của cư dân bản địa

Mỗi điểm dừng chân, du khách đều có thể trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực và nếp sinh hoạt của cư dân bản địa

Khách nội địa tăng nhưng không thể cứu “dịch vụ đặc biệt”

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam kể, trong lần tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2020, nhiều doanh nghiệp đã “vô cùng hạnh phúc” vì số lượng tour nội địa bán ra cao gấp rưỡi năm 2019. Có doanh nghiệp, năm 2019 chỉ bán được 4 tỷ đồng thì năm 2020 bán được 6 tỷ đồng. Nhưng cũng trong năm 2019, doanh nghiệp này đạt doanh thu tour quốc tế là 29 tỷ đồng. Tất nhiên đây là những con số không thể so sánh được, nhưng doanh nghiệp vẫn “vô cùng hạnh phúc” là vì sao?

Trước thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành không coi trọng du lịch nội địa mà chỉ tập trung toàn lực cho du lịch quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả các đường bay đều đóng cửa, để sống được đương nhiên doanh nghiệp phải chuyển hướng. Và đây cũng là thời điểm doanh thu từ du lịch nội địa làm chiếc “phao cứu sinh” cho không ít các hãng lữ hành. Con số 6 tỷ đồng bán tour tại hội chợ là minh chứng cho sự thành công của quá trình chuyển hướng kinh doanh, mang lại kinh nghiệm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận đóng cửa vì không thể chuyển hướng. Điều này có thể thấy rõ ràng qua việc nhiều khách sạn 5 sao phải hạ giá dịch vụ. Thời điểm chưa dịch, giá phòng thường dao động ở mức 4-5 triệu đồng/đêm thì nay đã phải hạ giá xuống còn 1-1,5 triệu/đêm. Nếu đông khách thì đó cũng chỉ là cầm cự để chờ khách quốc tế trở lại.

“Không ai có thể bắt các khách sạn 5 sao phải chuyển thành dịch vụ đón khách nội địa được. Lý do là khi hết dịch, khách quốc tế quay lại thì làm sao mà về lại giá như ban đầu được. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đóng cửa vì họ không thể chuyển sang loại hình phục vụ nội địa, không thể dùng nội địa để cứu các dịch vụ đặc biệt. Cầm cự chỉ để tồn tại chứ không thể nói là thay thế được. Tuy nhiên, doanh nghiệp chuyên phục vụ cho khách nội địa thì lại thành công” - ông Vũ Thế Bình nói. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, năm nay, tổng doanh thu nội địa sẽ cao hơn năm ngoái.

Người Việt thích đi đâu, làm gì?

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cho đến thời điểm này ngành du lịch vẫn chưa có những sản phẩm thật sự cho người Việt. Chúng ta mới chỉ có những sản phẩm thuộc loại “dùng cho khách quốc tế cũng được, dùng cho khách nội địa cũng xong”. Nghĩa là, chúng ta chưa có những hiểu biết tường tận về việc du khách nội địa cần gì, thích gì, có thể tạo ra những sở thích mới cho họ hay không.

Xưa nay, du lịch nội địa luôn ở trong thế tự phát. Đương nhiên, ai cũng biết, người Việt thích đi chơi, thích ăn ngon, thích cái mới lạ. Song vẫn chỉ dừng ở mức hiểu biết đơn giản, chưa đủ để hình thành cơ sở lý luận. Chúng ta buộc phải biết được nhu cầu của chính chúng ta thì từ đó mới sinh ra các sản phẩm du lịch phục vụ người Việt được. Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, thúc đẩy du lịch nội địa là phương án duy nhất, thì đây là lúc việc phát triển du lịch cho người Việt phải được nghiên cứu sâu hơn, tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

Các vấn đề về du lịch cũng cần được mở rộng. Từ trước tới nay, người Việt luôn đi du lịch theo phong trào, nay thói quen đó phải được thay đổi. Gần đây, việc hình thành các tour Caravan (du lịch bằng xe tự lái) cho người Việt được hưởng ứng và đánh giá cao. Nhưng cũng từ đó lại nảy sinh nhiều vấn đề khác. Bởi lẽ, du lịch nội địa khi được đặt thành mục tiêu phát triển còn phải hoàn thiện từ chính sách, kế hoạch phát triển…

Trải nghiệm gánh lương thực trên đỉnh đèo Pha Đin

Trải nghiệm gánh lương thực trên đỉnh đèo Pha Đin

Đón đầu xu hướng

Trong khi thị trường khách quốc tế ảm đạm thì cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội tổ chức một chuyến du lịch theo hình thức caravan (tự lái xe). Địa điểm khởi hành từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi các tỉnh Tây như: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình… Trong hành trình, du khách có thể trải nghiệm các cung đường núi tuyệt đẹp cùng tìm hiểu câu chuyện về cuộc sống của người Việt cổ ở hang Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình), câu chuyện lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, hay chuyện về đồng bào các dân tộc thiểu số cùng đoàn kết xây dựng du lịch cộng đồng ở các bản làng trên núi cao…

Sau thành công của chuyến đi mang tính chất thăm dò, mở đường, sản phẩm du lịch theo hình thức Caravan được xem là xu hướng mới trong điều kiện phát triển du lịch nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Tiếp sau hành trình Caravan khám phá Tây Bắc, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội tiếp tục triển khai sản phẩm này ở nhiều cung đường khác nhau. Và đầu tháng 4 vừa rồi, đoàn xe Caravan tiếp tục “Khai phá đất Sơn Nam” tại Nam Định - địa phương vốn có rất nhiều tiềm năng nhưng lại luôn thuộc “vùng trũng” trong khai thác, quảng bá du lịch. Ngày 12-4 tới đây, hành trình caravan tiếp tục với điểm đến mới với tên gọi “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ” khám phá vùng đất Phú Thọ…

Theo ông Phùng Quang Thắng - Tổng Giám đốc Hanoi Tourist, Chủ tịch CLB Du lịch bền vững Vgreen, Caravan là hình thức du lịch không mới ở Việt Nam song lại là sản phẩm rất mới mẻ đối với du lịch nội địa. Du lịch xe tự lái hoàn toàn có thể trở thành xu hướng du lịch trong thời gian tới. Việc di chuyển bằng xe cá nhân có thể đảm bảo về khoảng cách trong thời điểm dịch bệnh, đồng thời đi kèm còn nhiều tiện ích và trải nghiệm khác trong điều kiện giao thông tốt. Hiện tại, đường đến các điểm du lịch như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang hay Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng cũng như các tỉnh phía Nam… đường sá tương đối thuận tiện, dễ đi.

Bây giờ, đến một địa điểm du lịch nào đó, rất dễ dàng để có thể bắt gặp hình ảnh các gia đình tự di chuyển bằng xe cá nhân. Caravan cao hơn một mức tức là có sự tham gia của doanh nghiệp du lịch. Nếu như di chuyển một mình, du khách sẽ phải tự tìm đường, tự lên kế hoạch ăn, ngủ, nghỉ. Còn nếu tham gia đoàn Caravan chỉ cần tự lái xe, hoặc có thể đi xe do doanh nghiệp bố trí, sắp xếp, tour tuyến, dịch vụ nghỉ dưỡng đều đã có khảo sát, tức là khâu chuyên nghiệp được nâng lên tới mức tối đa. Đồng thời đảm bảo an toàn cho cả những cung đường xa, hẻo lánh.

Chính vì muốn nâng tầm các tour Caravan nên ngay từ tour trải nghiệm đầu tiên, CLB Du lịch bền vững Vgreen đã có ký kết với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, đây là điểm xuất phát cho những hành trình dài và cũng là nơi cung cấp các dữ kiện văn hóa cho du khách trong suốt các cung đường trải nghiệm. “Tôi muốn tất cả các chuyến đi đều chứa đựng yếu tố lịch sử, là sự trải nghiệm văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, ẩm thực truyền thống…” - ông Phùng Quang Thắng nói.

Công bố các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2021

Với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm” - lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 20-4 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cố đô - Hoa Lư (Ninh Bình). Năm Du lịch quốc gia 2021 sẽ diễn ra ở 27 địa phương trong cả nước với 104 sự kiện. Tỉnh Ninh Bình - địa phương đăng cai - sẽ chủ trì 38 hoạt động, trong đó có 11 hoạt động trọng tâm như: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 (kết hợp khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2021, diễn ra ngày 9-3 Âm lịch); Lễ hội Hoa Lư (từ ngày 9 đến 11-3 Âm lịch); Lễ hội Tràng An (18-3 Âm lịch); Lễ đàn Kính thiên; Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”; Triển lãm mỹ thuật Di sản văn hóa Ninh Bình năm 2021 và Triển lãm ảnh nghệ thuật Ninh Bình huyền thoại (tổ chức trong quý II-2021); Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn (tổ chức cuối tháng 4); Hội chợ triển lãm Công nghiệp thương mại và Du lịch Ninh Bình (thực hiện trong quý III); Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 (tổ chức vào tháng 12)... Ngoài 11 hoạt động trọng tâm này, Ninh Bình còn tổ chức 27 hoạt động khác diễn ra vào các thời điểm trong năm. Ngày 14 và 15-4, tỉnh Ninh Bình cũng đăng cai sự kiện Diễn đàn Du lịch nội địa do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, dự kiến thu hút khoảng 500 đại biểu, doanh nghiệp lữ hành. Trúc Anh